Anh Hoàng
Ông Dương Trung Quốc là một trong những đại biểu quốc hội được dư luận chú ý với những phát biểu làm dậy sóng nghị trường và được đảng CSVN sắp xếp để “làm việc công việc dây sóng” liên tục trong 20 năm qua qua bốn nhiệm kì liên tiếp. Vì thế mà dư luận đã có câu “Nhất Thước, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc” để nói về bốn con người từng làm dậy sóng nghị trường mà báo chí lề đảng cho là dám nói thẳng, nói thật và chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn đọng tại xã hội và trong chính quyền.
Bốn người được đề cập đến trong câu nói trên gồm: Nguyễn Quốc Thước đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An các khóa VIII, IX, X; Nguyễn Ngọc Trân đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang các khóa IX, X, XI; Nguyễn Lân Dũng đại biểu Quốc hội các khóa X, XI, XII, và cuối cùng Dương Trung Quốc đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai các khóa XI, XII, XIII, XIV.
Nhắc đến ông Dương Trung Quốc hẳn người ta nhớ đến một số phát biểu liên quan đến việc phản đối luật đặc khu, khi giao đất cho nhà đầu tư lên đến 99 năm. Theo chia sẻ của ông “các nhà đầu tư công nghệ cao không cần thuê đất đến 99 năm, cái họ cần là môi trường đầu tư sạch, hạ tầng tốt, giao dịch sòng phẳng, minh bạch”. Từ những phản ứng gay gắt của ông và nhiều người khác tại quốc hội đã góp phần không nhỏ vào làn sóng chống dự luật đặc khu, ngăn chặn Trung Cộng từng bước dùng kinh tế để chi phối, kiểm soát và thậm chí chiếm lấy Việt Nam.
Tương tự, ông là một trong 15 đại biểu không tán thành thông qua luật an ninh mạng vào tháng 6 năm 2018. Dù luật an ninh minh góp phần bảo vệ, ngăn chặn tình trạng ăn cắp thông tin cá nhân, dùng chúng để bắt cóc, tống tiền, gây nguy hại đến xã hội. Tuy nhiên, luật an ninh mạng Việt Nam lại mang đậm mục tiêu chính trị; trong đó cấm xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, hay chống phá Nhà nước Việt Nam.
Đây rõ ràng tồn tại sự mâu thuẫn khi vấn đề lịch sử, hay thành tựu cách mạng cần có bằng chứng xác thực, và hành động chống phá Nhà nước là một khái niệm mơ hồ. Nếu những vấn đề này được thông qua trong khi tình trạng công bằng và thượng tôn pháp luật tại Việt Nam vẫn là những khái niệm xa xỉ; thì rõ ràng luật an ninh mạng là cách chính quyền dùng để bịt miệng người dân và chà đạp lên nhân quyền. Do đó, mà ông Dương Trung Quốc đã không ủng hộ thông qua luật an ninh mạng.
Trong bài phát biểu cuối cùng của ông tại nghị trường đã cho thấy những trăn trở, lo lắng và cả khát khao mong muốn tương lai của Việt Nam thay đổi, quyền công dân, quyền con người được đáp ứng đầy đủ.
Cụ thể, ông đã đề cập đến các quyền cơ bản mà người dân phải được hưởng; chính quyền là của dân, do dân và vì dân nhưng người dân chưa được tiếp cận các buổi họp Quốc hội, đưa ra ý kiến, đánh giá và góp ý. Thêm nữa, trong quá khứ từ năm 1946, những sắc lệnh liên quan đến quyền biểu tình, hội họp đã được ban hành nhưng đến nay thì luật biểu tình vẫn chưa được thông qua.
Ngoài ra, vấn đề chất vấn cũng được ông đề cập đến; trong đó trong quá khứ ngay cả Chủ tịch nước cũng được chất vấn. Điều này thể hiện sự công bằng minh bạch và đem đến niềm tin cho người dân. Thêm nữa sự giám sát chéo giữa người dân và đại biểu Quốc hội cần được thực hiện để thấy rằng sự đại diện cho người dân mang lại giá trị đích thực; chứ không phải một đoàn người thiếu định hướng, mục tiêu và vì lợi ích nhóm.
Đã tròn 20 năm trôi qua, ông Dương Trung Quốc sẽ không còn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa mới nữa, nhưng những chia sẻ, đánh giá, phản bác của ông đã mang lại nhiều giá trị, gửi gắm thông điệp đến người dân và toàn xã hội.
Lắng nghe chia sẻ, và đóng góp của ông mới thấy những vấn đề đầy rẫy những bất cập còn tồn đọng, cần nhiều nữa những Dương Trung Quốc ở nghị trường cũng như những vị trí then chốt để thay đổi đất nước. Rõ ràng, cơ chế lỗi thời và lợi ích nhóm đang bóp nghẹt những thay đổi và hy vọng đó. Dù sao một lần nữa chân thành cảm ơn ông vì đã cống hiến hết mình trong 20 năm vì khát khao thay đổi đất nước phát triển và đi lên./.
- Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả