Năm 2008 xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác vẫn dùng giải pháp bơm tiền kích cầu. Tuy nhiên đồng tiền Việt Nam không phải như đồng đô la Mỹ, đồng tiền Mỹ bơm ra thị trường Mỹ thì nó sẽ chảy ra ngoài nước Mỹ bằng bình thức nhập siêu như đã nói ở bài “Tàu góp phần làm cho nền kinh tế Mỹ phục hồi”. Đồng tiền Việt Nam khi bơm ra thì nó quanh quẩn trong nội địa thôi, chính vì vậy mà xảy ra hiện tượng lạm phát, lãi suất ngân hàng tăng chóng mặt và cuối cùng làm cho doanh nghiệp phải hạn chế sản xuất hoặc phá sản vì chịu không nổi lãi vay. Đó là mặt trái của chính sách bơm tiền quá mức.
Để giải quyết vấn đề đó, chính phủ ông Nguyễn Tấn Dũng mở kho dự trữ ngoại tệ. Nhà nước bán đô la ra và thu lại tiền đồng để kìm hãm đà lạm phát. Khi bung kho dự trữ ngoại tệ thì giá đô được kìm hãm, tiền đồng được thu vào kìm hãm sự gia tăng chỉ số tiêu dùng CPI. Năm 2008 dự trữ ngoại tệ của Việt Nam là 23 tỷ đô la, đến năm 2011 thì kho dự trữ ngoại tệ chỉ còn 7 tỷ đô. May mà cơn khủng hoảng dừng lại chứ nếu kéo dài thêm làm kho dự trữ ngoại tệ cạn thì ngân hàng nhà nước mất đi một công cụ quan trọng để kìm hãm lạm phát, lúc đó không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Thế mới thấy, đô la nó đóng vai trò rất lớn trong chính sách tiền tệ các nước. Nó là một công cụ phòng rủi ro cho nền kinh tế.
Được biết năm 2008, Việt Nam là nước nhập siêu, nghĩa là trong buôn bán quốc tế, Việt Nam không những không kiếm được đô la mà còn để đô la chảy ra ngoài. Đó là cái khó của của chính quyền CS lúc đó. Con ngựa lạm phát đang nhảy phi mã nhưng ĐCS ghìm cương nó kịp lúc nó mới vừa chạm tới miệng hố. Hiện nay Việt Nam lặp lại khủng hoảng kinh tế, nhưng suốt năm 2020, Việt Nam lại xuất khẩu sang Mỹ mạnh hơn để hút đô la về. Tiếp theo năm 2021 này, Mỹ lại bung ra gói cứu trợ 1.900 tỷ đô làm Việt Nam cũng đang vét hàng xuất sang Mỹ kiếm thật nhiều đô về. Khi đô la được hút về nước thì tất nhiên nó nằm trong dân, vì vậy ngân hàng nhà nước muốn có đô thì bung tiền ra mua đô vào để dự trữ phòng khi nền kinh tế gặp rủi ro như năm 2008-2011 mà có công cụ xử lí.
Ngày 12/3 trên báo CafeF có cho biết, ngân hàng nhà nước đang có kế hoạch vào tháng 7 và tháng 8 họ sẽ bung ra 155.000 tỷ đồng để hốt đô la vào kho dự trữ. Tức họ dự tính hốt 6,74 tỷ đô la. Có thể sau việc bung tiền này thì có lạm phát nhưng chính quyền CS giữ nó lạm phát ở mức mà dân có thể chịu đựng được, tức một dạng “vặt lông sao cho vịt không kêu”. Đó là những gì mà chính quyền CS này sẽ làm trong những tháng tới.
Nhà kinh tế học người Mỹ gốc Bỉ Robert B. Triffin đã nói rằng “Khi các nước trên thế giới phải thu mua đô la Mỹ để dùng làm tiền dự trữ, thì Mỹ phải là nước xuất siêu. Vì tổng nhu cầu tiền dự trữ tăng theo GDP thế giới và GDP thế giới tăng nhanh hơn GDP của Mỹ”. Chính vì điều đó mà cứ sau mỗi lần khủng hoảng các quốc gia trên thế giới lại vội vã hốt đô la dự trữ như Việt Nam đang làm. Điều đó vô hình chung nhu cầu đồng đô la Mỹ tăng cao và kéo theo sức mạnh đồng tiền này không hề suy giảm bất chấp kinh tế Mỹ khủng hoảng. Được biết, bất chấp việc tổng thống Mỹ Joe Biden bung 1.900 tỷ đô la thì chỉ số dollar index vẫn tăng 0,53% vào ngày 4/3 vừa qua, tăng cao nhất kể từ ngày 1/12/2020. Được biết từ ngày nước Mỹ rơi vào khủng hoảng do Covid-19 thì chính phủ Mỹ đã bung ra 5.000 tỷ đô la qua 3 gói cứu trợ trong suốt năm 2020 và đầu năm 2021, bằng GDP Nhật Bản, thế nhưng đô la Mỹ vẫn mạnh.
Năm 2014, sau nhiều năm vận động, đồng Yuan Tàu được quỹ tiền tệ quốc tế IMF đưa vào rổ tiền tệ quốc tế. Được thành quả như vậy, Tập Cận Bình mơ đến một ngày đồng Yuan Tàu sẽ lật đổ đồng đô la Mỹ. Chính vì vậy mà năm 2015, ông Tập vận động Nga và một số nước khác, khoảng 50 quốc gia thuộc thế giới đang phát triển hưởng ứng để lập ra Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Á châu – AIIB, với số vốn ban đầu là 100 tỷ đô la. Ý của Tập là muốn tạo ra sân chơi để nơi đó, đồng Yuan sẽ trở nên đồng tiền thanh toán chính trên hệ thống. Tuy nhiên cho đến nay, gần như đồng Yuan Tàu vẫn không thể nâng cao tỷ lệ giao dịch trên thị trường ngoại hối và trong kho dự trữ ngoại hối của các nước cũng vắng bóng đồng Yuan Tàu. Ngay cả nền kinh tế Tàu cũng không thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng đô la. Dự án đầy tham vọng này xem như thất bại. Bế tắc với chiến lược đó, hiện nay Tàu đang dự định đi trước Mỹ việc phát hành đồng tiền điện tử do Ngân Hàng Trung Ương Tàu “Bank of China” kiểm soát. Không biết dự định này có thể làm giảm sức mạnh đồng đô la Mỹ không, vẫn còn phải chờ xem đã.
Nước Tàu đang muốn vượt Mỹ, họ đầu tư vào sức mạnh đồng Yuan thì thất bại, đầu tư vào công nghệ thì bị Mỹ chặn đầu. Và tăng gián điệp ăn cắp công nghệ cũng bị Mỹ truy và diệt. Không biết, sắp tới Tàu sẽ làm gì, có thể GDP họ tiến sát hơn với Mỹ, nhưng về sức mạnh, tầm ảnh hưởng của Tàu khó mà vượt Mỹ được. Đó là thực tế.
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:
https://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/…/tang-du…
https://cafef.vn/155000-ty-dong-sap-chay-ra-thi-truong…
https://cafef.vn/usd-cao-nhat-3-thang-euro-yen-bitcoin…
https://baoquocte.vn/goi-cuu-tro-kinh-te-my-1900-ty-usd…
#sứcmạnhUSDollar #Yuan