Đang bận đến mức không dám ngó đến FB. Ăn cơm xong, định xem mấy phút thời sự trên truyền hình rồi làm việc ngay. Bất ngờ bật kênh HTV9 thấy một chương trình tôn vinh “sự hy sinh thầm lặng” của phụ nữ nhân ngày 8.3. Bức xúc quá, lại phải gác công việc, viết mấy dòng trên FB.
Chương trình lấy tấm gương Hai Bà Trưng ra làm tiền đề để ngợi ca những phụ nữ thời nay. Nhiều nữ bác sỹ vừa gồng mình trên tuyến đầu chống dịch vừa phải đảm đương việc nhà, dọn dẹp, giặt giũ, cơm nước cho chồng con. Có một nữ bác sĩ trẻ phải hoãn lại ngày cưới nhiều lần vì phải tham gia chống dịch…
Tất nhiên, cá nhân tôi cũng rất tôn trọng những phụ nữ trên. Nhưng tôn vinh “sự hy sinh thầm lặng” nhân ngày 8.3 là phản đề của cái ngày mà quốc tế gọi là “giải phóng phụ nữ”! Cái phản đề ấy làm cho nhiều người hiểu lệch lạc, dẫn đến lạm dụng tối đa về sự hy sinh của phụ nữ.
Sự thật, nói về “sự hy sinh thầm lặng” thì phụ nữ toàn thế giới đã từng hy sinh suốt hàng ngàn năm lịch sử. Chủ nghĩa duy dương vật (phallicism) với thể chế phụ quyền, người phụ nữ bị tước đoạt quyền tự do và bình đẳng, bị đối xử tàn tệ bằng nô lệ tình dục, bằng lao động khổ sai, kể cả bị ném vào chiến tranh hoang dã. Suốt hàng ngàn năm ấy, phụ nữ chấp nhận và chịu đựng làm thân trâu ngựa cho đàn ông hưởng lạc, không có quyền đòi hỏi bất cứ điều gì thuộc về con người, đó đã không phải là sự hy sinh vĩ đại sao?
Theo tôi, ngay cả Bà Trưng, Bà Triệu chống giặc và hy sinh trong chiến tranh cũng không có ý nghĩa gì về giải phóng phụ nữ mà chỉ càng nói lên sự hưởng lạc và bạc nhược của đàn ông khi đất nước rơi vào tay giặc. Không phải vô cớ mà luật pháp của thế giới văn minh cấm lạm dụng đàn bà, con nít trong chiến tranh.
Ngày 8.3 là kỷ niệm ngày giải phóng phụ nữ toàn thế giới sau những cuộc biểu tình bằng máu trên phạm vi lớn ở Âu – Mỹ vào đầu thế kỷ 20 – biểu tình đòi quyền được lao động giới hạn ngày tám tiếng, đòi quyền bình đẳng với nam giới, trong đó có quyền ứng cử và bầu cử. Hiện nay phụ nữ còn được thêm nhiều cái quyền khác trong gia đình, như quyền được giải phóng cả gánh nặng sinh con, dọn dẹp, giặt giũ, nấu ăn… Không có lý do gì giải phóng phụ nữ mà buộc họ gánh nặng cả hai vai, vừa vai xã hội vừa vai gia đình, trong khi đàn ông chỉ có một vai xã hội.
Tôn vinh “sự hy sinh thầm lặng” của phụ nữ là xuyên tạc, làm méo mó ý nghĩa ngày 8.3. Làm như vậy là phục sinh chủ nghĩa duy dương vật, tiếp tục thể chế phụ quyền đã từng lạm dụng triệt để thân xác phụ nữ. Chúng ta hãy thực hiện tinh thần giải phóng phụ nữ bằng hành động thiết thực, từ công việc gia đình đến hoạt động xã hội để chia sẻ với gánh nặng của phụ nữ chứ không phải bằng trò ru ngủ bịp bợm rằng, phụ nữ đã hy sinh cao cả!
Ru ngủ, bịp bợm phụ nữ đã “hy sinh thầm lặng” thì hàng ngàn năm trước chủ nghĩa duy dương vật đã làm rồi và còn làm tốt hơn nhiều. Huyền thoại từng ngợi ca nhiều phụ nữ tự nguyện hiến tế mạng sống của mình cho thần linh. Các tôn giáo độc thần mặc khải phụ nữ sinh ra là “kẻ bất toàn” (imperfectmen), tội lỗi, cho nên phải phụ thuộc đàn ông, phải chấp nhận hy sinh vì đàn ông để cứu chuộc tội lỗi. Chế độ phong kiến còn vinh danh nhiều phụ nữ bị gả bán cho ngoại bang, giữ tiết hạnh để thờ chồng, thậm chí chấp nhận được chết hay bị chôn sống theo chồng. Vinh danh sự hy sinh như vậy chưa đủ sao?
Chu Mộng Long
#ngàyphụnữ8tháng3 #bìnhquyền