LS Lê Luân
Đất nước Myanmar đang diễn ra những ngày cách mạng thực sự, giữa hai thực thể – nhân dân và chính quyền quân đội.
Người dân, có nhiều thành phần và lên tới hàng trăm nghìn, đã xuống đường biểu tình ngày 22/2/2021, đặc biệt là sau cái chết của một cô gái mới chỉ 20 tuổi bị bắn vào đầu.
Làn sóng phẫn nộ tiếp tục dâng cao và nó cho thấy sức mạnh của họ không phải để đàn áp, mà là để đòi trả lại quyền lực cho họ. Càng sử dụng bạo lực, nó càng thách thức sự căm phẫn của người dân.
Một bạn trẻ trong số những thanh niên xuống đường đã viết tấm bảng với dòng chữ: Đụng nhầm thế hệ rồi! Trong dòng người khổng lồ cuồn cuộn ấy là đông đảo các thành phần của dân chúng: sinh viên, công nhân, trí thức và những quần chúng khác. Đây là thời điểm đã khó có thể đạt được mục đích chiếm lĩnh chính quyền bằng bạo lực như vào những năm 1980 của thế kỷ trước.
Bà Aung San Suu Kyi vẫn là một lãnh tụ tinh thần quan trọng đối với hầu hết người dân nơi đây. Họ yêu cầu phải thả bà ra ngay lập tức. Một số quốc gia và thiết chế quốc tế khác cũng đã lên án hành động đảo chính của quân đội Myanmar và cũng yêu cầu phải thả bà Aung ra như một đòi hỏi bắt buộc.
Điều quan trọng khác không kém đó là người dân Myanmar tập trung biểu tình trước Lãnh sự quán Trung Quốc để phản đối “sự can thiệp và hậu thuẫn” của chế độ này với quân đội đang nắm quyền sau cuộc đảo chính.
Đụng nhầm thế hệ rồi. Dòng chữ được trưng lên giữa lòng đất nước Myanmar. Nó cho thấy họ quá xứng đáng với vị thế làm chủ của mình và nền dân chủ sẽ sớm quay trở lại với nhân dân xứ này. Và đúng là họ thực sự xứng đáng với những giá trị ấy, vì họ hành động với bổn phận và sự quả cảm quyết liệt của mình trước bạo quyền đang hoành hành.
Nguồn: FB Luân Lê