Bên Ngoài và Bên Trong

Anh em một nhà?
- Quảng Cáo -

Đỗ Đăng Liêu – Việt Tân

Hôm 8 tháng Hai, 2021, Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn của Trung Quốc loan tin rằng trong cuộc điện đàm với ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch Nước CSVN, ông Tập Cận Bình đã “khuyên” CSVN: phải chống lại sự xúi giục của các thế lực bên ngoài.”

Có 2 điều quan trọng cần lưu ý ở đây.

Thứ nhất: “Khuyên” với “Xúi giục” có khác gì nhau? Có chăng là chủ quan cho rằng lời mình “khuyên” là “tốt” và những lời người khác “khuyên” là “xấu,” nên gọi là “xúi giục!”

- Quảng Cáo -

Thứ nhì: Ai là “bên ngoài” Ai là “bên trong”?

Qua phát biểu, hẳn nhiên ông Tập tự cho mình không phải là “bên ngoài”, phải chăng ông Tập tự cho mình là “người nhà” của ông Trọng, nghĩa là Trung Quốc và Việt Nam “là một”?

Phải chăng ông Tập nói mà không nghĩ? Chắc chắn không phải vậy! Hẳn chỉ là ông Tập “nghĩ sao nói vậy” thôi! Đây hẳn là lời của “ông anh” dạy bảo “người em” một nhà?

Một ngày sau, hôm mồng 9 tháng Hai, Tân Hoa Xã tiếp tục nhắc lại lời khuyên của ông Tập, nói rằng “Trung – Việt là cộng đồng cùng chung vận mệnh.” Và ông Trọng cũng tái khẳng định rằng phát triển và củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn là “ưu tiên hàng đầu” của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Người dân Việt ắt phải thắc mắc điều mà ông Trọng nghĩ gì khi nói “mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Trung Quốc.” Bởi người Việt chẳng bao giờ quên về “một ngàn năm nô lệ giặc Tàu”, trải qua 4 lần Bắc Thuộc, với vô vàn những cuộc nổi dậy đổ bao xương máu của các anh hùng anh thư, và ngay cả mới đây thôi, trận chiến biên giới 1979 khi Trung Cộng đòi dạy cho đàn em CSVN một bài học.

Vậy thì “truyền thống” và “hữu nghị” ở điểm nào, khi mà người Việt Nam luôn luôn sống trong lo sợ bị xâm lược từ đàn anh phương Bắc trong suốt chiều dài lịch sử và kéo dài cho tới ngày nay?

Cho nên câu nói của họ Tập nhắn nhủ ông Trọng “phải chống lại sự xúi giục của các thế lực bên ngoài” là một “mệnh lệnh” từ đàn anh rằng Hà Nội không được tham gia vào Bộ Tứ mà cụ thể là không hợp tác với Hoa Kỳ. Điều này cho thấy là Bắc Kinh rất quan ngại sự đối đầu ngày một gia tăng với Hoa Kỳ, nhưng cũng đồng thời cảnh giác việc Hà Nội có thể ngã vào vòng tay của “thế lực bên ngoài” để chống lại Bắc Kinh, khi mà tình hình biển Đông ngày càng nóng lên với sự nhập cuộc thêm của Anh, Pháp và Đức.

Nói tóm lại, phát biểu của Tập Cận Bình trong cuộc điện đàm với ông Trọng là một mệnh lệnh chính trị đối với đàn em. Điều này cũng đã lý giải phần nào tại sao lãnh đạo CSVN rất ngại ngùng mỗi khi đề cập về vụ nộp đơn kiện lên Tòa Trọng Tài Liên Hiệp Quốc, kể cả mới đây không dám nêu đích danh Trung Quốc khi lên án về Luật Hải Cảnh.

Đỗ Đăng Liêu

#NguyễnPhúTrọng

- Quảng Cáo -