Hồ Chí Minh – từ tượng đài chính trị đến thần thánh của những nguyện cầu – Kỳ 1

Các tài liệu giáo lý của đạo Hồ Chí Minh. Ảnh: phatgiao.org.vn
- Quảng Cáo -

Tôn giáo mang tên “Người”

Luật Khoa Tạp Chí

          “Nước Việt Nam đời đời vĩnh hằng
Có Ngọc Phật – Chí Minh – Ái Quốc”  –  
(Trích đoạn kinh cầu, 2010)

Quá trình toàn cầu hóa tại Việt Nam khiến các tôn giáo lớn như Phật giáo và Thiên Chúa giáo cùng những ngày lễ trọng đại của mình lấn át sự phát triển lặng thầm phía sau của các tôn giáo bản địa. Tuy nhiên, bỏ quên chúng sẽ thật sai lầm.

Ở một mặt nào đó, các tôn giáo nội địa là nơi phản ánh chính xác nhất và rõ ràng nhất động lực của niềm tin tín ngưỡng trong quần chúng nhân dân, cùng với đó là nội hàm của sự phát triển trong các mối quan hệ xã hội.

- Quảng Cáo -

Đạo Phật Ngọc Hồ Chí Minh (Way of Ho Chi Minh Jade Buddha – tạm gọi là Đạo Hồ Chí Minh kể từ đây) là một trong số những ví dụ rất điển hình để tìm hiểu nguồn lực của đời sống tín ngưỡng của một phần đáng kể người dân Việt Nam. Cho đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu chính thức, hay thậm chí là sản phẩm báo chí chính thống nào hoàn chỉnh về tôn giáo có tên gọi kỳ lạ này.

Trong khuôn khổ phát triển của chương trình nghiên cứu “Những khung trời của Tự do Tôn giáo: Điều chỉnh Tôn giáo trong đa dạng xã hội (Boundaries of Religious Freedom: Regulating Religion in Diverse Societies), Tiến sĩ Hoàng Văn Chung cho chúng ta một cái nhìn rõ ràng hơn và sâu sắc hơn về sự phát triển của Đạo Hồ Chí Minh với Chương 4 của quyển “New Religions and State’s Response To Religious Diversification in Contemporary Vietnam, do nhà xuất bản Springer ấn hành.

TS. Hoàng Văn Chung hiện là Trưởng phòng Nghiên cứu Lý luận và Chính sách Tôn giáo của Viện Nghiên cứu Tôn giáo, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, một cơ quan thuộc chính phủ. Ông lấy bằng tiến sĩ xã hội học từ Đại học La Trobe (Úc) năm 2014, và từng là học giả của Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore).

Một điểm cần lưu ý là dù được xuất bản vào năm 2017, các dữ liệu đi kèm trong phần nghiên cứu Đạo Hồ Chí Minh dừng lại ở khoảng năm 2011 – 2012. Vì vậy, có độ vênh nhất định về những thông tin mà tác giả cung cấp với thực trạng của tôn giáo này trong hiện tại.

Một hình ảnh được cho là điện thờ Hồ Chí Minh của tín đồ đạo Hồ Chí Minh. Ảnh: Blog Tìm tòi và Lượm lặt.
Một hình ảnh được cho là điện thờ Hồ Chí Minh của tín đồ Đạo Hồ Chí Minh. Ảnh: Blog Tìm tòi và Lượm lặt.

Đạo Hồ Chí Minh hình thành như thế nào?

Theo nghiên cứu, Madam Xoan sáng lập nên Đạo Ngọc Phật Hồ Chí Minh tại Đền Hòa Bình (nay đã được nâng cấp thành Điện Hòa Bình) vào ngày 1 tháng 1 năm 2001.

Madam Xoan (sinh năm 1948) trải qua một tuổi thơ khốn khó tại Nam Định. Bà mất mẹ từ nhỏ, phải sống với bố và mẹ kế, 15 tuổi đã phải đi làm công nhân. Bà còn nhiều lần tự tử không thành. Năm 19 tuổi, bà kết hôn với một người làm công chứng và có bốn mặt con.

Mọi việc thay đổi kể từ khi bà bị bệnh nặng ở độ tuổi gần 30. Thông tin cho thấy bà Xoan bất tỉnh, đau đớn tột độ ở một ngón tay đến mức phải cắt bỏ hoàn toàn. Trong khi đó, các bác sĩ không thể tìm thấy lý do hay xác định bệnh lý từ đâu mà ra. Trong một hôm đang chờ được chẩn đoán và chữa bệnh tại Hà Nội, bà nghe một giọng nói lạ bảo rằng bà không phải bị bệnh, mà đó chỉ là một bài kiểm tra để xem bà có đủ năng lực hầu việc thánh hay không. Giọng nói này cũng khẳng định bà Xoan có tuệ căn (spirit root).

Từ đó, bà bỏ hẳn công việc nhà máy và trở thành một tiểu thương nhỏ mua bán vàng mã, giấy tiền cúng. Trong suốt 5 năm liên tiếp sau đó, bà Xoan tiếp tục được giọng nói này chỉ dẫn nên đời sống kinh tế có khá lên. Đến khi “nghe rõ” và hoàn toàn có thể giao tiếp được với giọng nói đó, bà bỏ hẳn công việc tiểu thương để bắt đầu quá trình học phép thánh của mình.

Năm 1989, bà Xoan nghe giọng nói chỉ dạy rằng bà là người đầu tiên được Tòa Thiên chọn để hoàn thành sứ mệnh được giao.

Từ chính khách đến thần thánh

Từ thập niên 2000, câu chuyện về những cá nhân thành công vang dội và trở nên giàu có bằng cách nương nhờ vào sự giúp đỡ của Ngọc Phật Hồ Chí Minh được Đoàn Đồng thiên Hòa Bình (Peace Society of Heavenly Mediums – tổ chức tôn giáo đứng đầu Đạo Hồ Chí Minh) truyền tụng giữa các giáo dân của mình.

Một doanh nhân làm việc trong lĩnh vực xây dựng trở nên rất giàu có vì vâng mệnh của “Bác Hồ”. Để bày tỏ lòng thành của mình, ông tặng cho Đền Hòa Bình 200 triệu đồng, một tài sản rất lớn tại thời điểm này, để nâng cấp và cải tạo nơi thờ cúng.

Hình tượng Hồ Chí Minh đã đi một quãng đường xa, từ một chính trị gia gần dân, giản dị, có năng lực đến một vị thần có khả năng can thiệp và kiểm soát đời sống, sự hạnh phúc và thành công của những con người còn tồn tại ở cõi trần.

Điều gì đã xảy ra?

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dâng hương cúng bái Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội năm 2019. Ảnh: TTXVN.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dâng hương cúng bái Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội năm 2019. Ảnh: TTXVN.
Đoàn đại biểu của Đảng Cộng sản Việt Nam và người dân Cao Bằng dâng hương, dâng hoa tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Cao Bằng. Ảnh: pacbo.vn.
Đoàn đại biểu của Đảng Cộng sản Việt Nam và người dân Cao Bằng dâng hương, dâng hoa tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Cao Bằng. Ảnh: pacbo.vn.

Việc thần thánh hóa vị Chủ tịch Hồ Chí Minh (the deification of Ho Chi Minh) rõ ràng không bắt đầu với thường dân Việt Nam. Ai cũng có thể nhận ra điều đó.

Nghiên cứu của Hoàng Văn Chung chỉ ra rằng rất nhiều nghiên cứu khác đã ghi nhận rõ cái chết của ông Hồ Chí Minh cho phép Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra các chiến dịch tuyên truyền của riêng họ. Nhà nước can thiệp sâu vào việc chỉ đạo hoặc khuyến khích việc tưởng nhớ, từ đó biến thành nghi lễ thờ cúng vị chủ tịch đã khuất.

Họ chỉ ra Đảng Cộng sản Việt Nam có mục tiêu xây dựng hiện tượng sùng bái cá nhân (personal cult) dành cho ông Hồ Chí Minh rất rõ ràng. Từ hành vi quảng bá những phẩm chất đạo đức thánh thần của Hồ Chí Minh, đến việc dựng nên những thần thoại về ông, từ đó biến nó thành chính sử.

Tuy nhiên, điểm thú vị nhất mà Tiến sĩ Hoàng Văn Chung đồng ý với các tác giả trước đó là Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ kỳ vọng giới hạn hiện tượng sùng bái cá nhân này trong mô hình tín ngưỡng “thờ ông bà” (ancestor worship), từ đó kết nối lịch sử của phong trào dân tộc dân chủ, phong trào cộng sản Việt Nam trong quá khứ với sự thành công của quốc dân trong tương lai. Trên cơ sở đó, Đảng Cộng sản Việt Nam, tập đoàn chính trị do ông Hồ thành lập, được gia tăng tính chính danh.

Đặc biệt, tác giả nhấn mạnh, mục tiêu của Đảng Cộng sản Việt Nam và quần chúng nhân dân trong việc thờ phụng Hồ Chí Minh là khác nhau.

Mô hình thờ phụng của Đảng Cộng sản Việt Nam dành cho Hồ Chí Minh được xem là ít có tính tôn giáo (less religious) và ít mê tín hơn (less superstitious). Do đó, ông khẳng định các tôn giáo liên quan đến vị lãnh tụ chính trị này, như Đạo Phật Ngọc Hồ Chí Minh, là “hệ quả không mong muốn” của chính sách nhà nước. Nỗ lực của chính quyền đối với hình ảnh của Hồ Chí Minh, nếu so với kỳ vọng tín ngưỡng của người dân, do đó là không đồng nhất.

Bản thân người viết sẽ có khá nhiều câu hỏi dành cho tác giả khi ông ủng hộ lập luận này.

Chúng ta đang thấy một hiện tượng phổ biến là các cơ quan nhà nước thường xuyên cổ xúy cho việc thờ cúng ông Hồ, đặt tượng, ảnh Hồ Chí Minh tại rất nhiều các chùa chiền tại miền Bắc Việt Nam, dâng hương tưởng niệm Hồ Chí Minh trong các dịp lễ lớn của quốc gia, cùng rất nhiều các hoạt động khác… Cho rằng nhà nước không mong muốn, hoặc ít nhất là không nhìn thấy trước được sự hình thành một tôn giáo nào đó lấy Hồ Chí Minh làm giáo chủ, theo người viết, là không hợp lý. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam vừa mở cửa và thói quen thực hành tôn giáo chỉ vừa mới hình thành lại từ thập niên 1990, việc khám phá, thử nghiệm tự nhiên của người dân đối với các hình thức tôn giáo mới và tín ngưỡng mới là vô cùng hiển nhiên.

Tuy nhiên, đấy là những gì mà tác giả Hoàng Văn Chung và các tác giả khác ông trích dẫn nhất trí.

(Còn nữa)

#daohochiminh

- Quảng Cáo -