“Mọi chuyện thật tệ, nhưng xưa giờ vẫn tệ như vậy mà, tức là chúng không tệ như ta tưởng.”
Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đang diễn ra. Những ngày này, người dân Việt Nam được dịp quan sát hệ thống tuyên truyền ra sức xây dựng cho đảng một hình ảnh không tì vết.
Muốn biết hệ thống đó có vận hành hiệu quả hay không, thử xem qua các tin tức về sự kiện này trên báo chí.
Tạp chí VnEconomy: Đại hội Đảng lần thứ XIII: Dấu mốc rất quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng và đất nước
Báo Lao Động: Hà Nội trang hoàng cờ hoa chào mừng đại hội lần thứ XIII
Báo VOV: Triển lãm “Đảng ta thật là vĩ đại” chào mừng Đại hội XIII của Đảng
Báo Tuổi Trẻ: TP.HCM rợp cờ đỏ sao vàng chào mừng Đại hội lần thứ XIII
Trong những kết quả tìm kiếm đầu tiên trên Google News về đại hội đảng, chỉ có một tờ báo đưa tin trung dung, không hòa cùng tông giọng hân hoan. Tờ đó (BBC Tiếng Việt) thì đã bị chặn ở Việt Nam.
Trên đường phố, cờ hoa rợp trời. Nếu gia đình nào có mở VTV, họ sẽ được nghe các thông điệp ca ngợi đảng phát liên tục không ngơi nghỉ. Thử đặt mình vào vị thế một bạn trẻ vừa bắt đầu tìm hiểu chính trị, trong bối cảnh này, không khó để đi đến kết luận rằng đảng chắc đúng là “đảng ta” rồi, và đại hội đảng chắc là một sự kiện đáng để toàn dân chào mừng.
Đó là cách mà chính quyền tạo ra sự đồng thuận trong nhân dân lâu nay.
Walter Lippmann: Ông tổ ngành tuyên giáo?
“Manufacture of consent”, dịch sát nghĩa là quá trình sản xuất sự đồng thuận, là thuật ngữ do nhà báo Walter Lippmann (1889 – 1974) đặt ra lần đầu tiên năm 1922 trong quyển sách kinh điển về truyền thông chính trị: Public Opinion (Công Luận).
Từ này được Lippmann dùng để chỉ quá trình quản lý ý kiến của người dân, điều mà ông cho là cần thiết để nền dân chủ phát triển. Theo ông, dư luận là một lực lượng phi lý trí (irrational).
Trong cuốn sách được đánh giá là một trong những sự chỉ trích mạnh mẽ nhất đối với nền dân chủ, Lippmann phản bác ý kiến cho rằng người dân có thể dựa trên các thông tin họ có được để đưa ra những lựa chọn hợp lý. Vấn đề không chỉ là báo chí phiến diện, tin tức không phản ánh sự thật, mà còn vì nhận thức của con người có hạn chế.
Lippmann mượn cách nói của Plato để ví von rằng con người ở thời ông sống (1922) không khác gì hình ảnh những người sống trong hang động. Họ chỉ biết nhìn các hình ảnh phản chiếu trên vách hang và nghĩ rằng đó là thực tại. Cũng vậy, người ta tìm đến truyền thông để hiểu thực tại, nhưng cái họ nhận được chỉ là những định kiến (stereotype), những diễn giải sai (misinterpretation) về thế giới. Mỗi người sống trong hang động thông tin của chính mình.
Lippmann có một giải pháp cho tình hình đáng quan ngại đó. Ông cho rằng thay vì trông cậy vào viễn cảnh người dân tự tìm hiểu và tự quyết định, nên giao cho một ủy ban gồm các chuyên gia để họ giúp người dân định hướng. Bản thân Lippmann thực hiện đúng giải pháp mà mình đề ra: ông tham gia Ủy ban Thông tin Công cộng (Committee on Public Information) của Mỹ trong Thế chiến I, thời của Tổng thống Woodrow Wilson. Ủy ban này có nhiệm vụ sản xuất thông điệp tuyên truyền, kêu gọi ủng hộ cho cuộc chiến tranh. Nếu đối chiếu trong bối cảnh Việt Nam hiện tại, đây đích thị là Ủy ban Tuyên giáo Trung ương.
Tôi không kể chuyện về Lippmann để ra kết luận ngược lại, rằng ông ấy nói thế là sai rồi, rằng người dân tất nhiên có khả năng tự hiểu, rằng tuyên giáo là không tốt, và tự do thông tin muôn năm. Phải có lý do để Lippmann và tư tưởng của ông tồn tại không chỉ vào đầu thế kỷ 20 mà còn đến tận ngày nay. Phải có lý do để ông được xem là một trong những người đặt nền móng cho lý thuyết báo chí hiện đại. Tôi muốn mời bạn cùng tìm hiểu những cách nghĩ khác.
Truyền thông và tuyên truyền: Một đường ranh mờ ảo
Quan điểm có chiều hướng bi quan của Lippmann về con người trong thế giới thông tin nhận được nhiều sự đồng thuận. Vào năm 1988, hai tác giả Edward S. Herman và Noam Chomsky phát triển một công trình đặt tên theo khái niệm mà Lippmann đã đặt ra năm 1922. Cuốn sách có tên “Manufacturing Consent: The Political Economy of the Mass Media” phân tích tại sao truyền thông đại chúng có thể trở thành một cỗ máy tuyên truyền khổng lồ. Và đó là truyền thông ở Mỹ, một đất nước tự do.
Herman và Chomsky chỉ ra năm nguồn lực kiểm duyệt khác, tinh vi hơn, ngoài nhà nước. Chúng bao gồm: (1) sở hữu của các công ty truyền thông, (2) áp lực từ ngành quảng cáo như là nguồn thu nhập chính của báo chí, (3) sự phụ thuộc của giới báo chí vào các thông tin mà chính quyền và giới tinh hoa cung cấp, (4) các thiết chế mang danh nghĩa kiểm soát báo chí và (5) tư tưởng chống cộng phổ biến trong công chúng lúc bấy giờ. Tất cả những nguồn lực đó đặt các nhà báo nói riêng và ngành truyền thông nói chung trong tình thế bị kiểm soát, và kết quả là họ tự kiểm duyệt những thứ mình truyền đạt.
Theo hai tác giả, đó mới là thứ kiểm duyệt nghiêm trọng nhất, và nó vẫn luôn tồn tại, kể cả trong một thị trường thông tin tự do. Cuốn sách vẫn được đánh giá rất cao cho đến thời điểm này, và thường xuyên được dẫn chiếu lại khi cần giải thích về cách vận hành của báo chí.
Vê căn bản, hai tác giả đồng ý với Lippmann. Tin tức chưa chắc đã phản ánh sự thật. Chúng ta có thể đang sống trong một môi trường thông tin ngụy tạo (pseudo environment) được dựng lên một cách có chủ ý (do tuyên truyền thao túng) hoặc trong vô thức (do truyền thông tự kiểm duyệt).
Quay lại với tình hình thông tin về đại hội đảng, ta thấy quan điểm của Lippmann được phản ánh rõ rệt.
Khi muốn tìm hiểu về sự kiện chính trị quan trọng bậc nhất của đời sống chính trị Việt Nam, một người sẽ tìm tới truyền thông. Nhưng thật quá khó để nhìn xuyên qua được tầng tầng lớp lớp những thông tin được tô hồng, được chọn lọc nhằm đảm bảo rằng công chúng chỉ có thể tin yêu đảng mà thôi. Các tờ báo không nằm trong quản lý của chính quyền thì không có nguồn tin nội bộ (có rào cản về thông tin, như Herman và Chomsky đã nhắc đến ở trên). Họ chỉ có thể phỏng đoán.
Và vì thế, tất cả những gì công chúng Việt Nam có thể làm là xì xào nhỏ to về tình hình nhân sự cấp cao tại các quán trà đá vỉa hè, trong bối cảnh có rất ít thông tin. Lời của Lippmann nói trong cuốn sách cách đây gần 100 năm chẳng khác gì tiên tri.
“Thế giới chính trị chúng ta phải đối diện nằm ngoài tầm với, ngoài tầm nhìn, ngoài tâm trí. Ta phải khám phá, tường thuật, và tưởng tượng lại.”
Walter Lippmann đã dành cả sự nghiệp để nghiên cứu công chúng và truyền thông với mục tiêu sửa chữa các trục trặc của nền dân chủ. Tiếc là giải pháp mà ông đưa ra – một nhóm chuyên gia dẫn dắt công luận – lại có nguy cơ dẫn đến một nguồn lực thao túng xã hội khác, chẳng dân chủ chút nào.
Dewey: Cứ để yên cho người dân bàn chuyện chính trị bình dân
Cuốn sách của Lippmann làm nổi lên một cuộc tranh biện kéo dài và rất nổi tiếng thời ấy. Người ở phía bên kia là John Dewey, một nhà tư tưởng lớn thuộc trường phái dân chủ cấp tiến.
Trong cuốn sách “The Public and Its Problem” (1927), John Dewey buộc phải đồng tình rằng đám đông thì dễ bị thao túng và truyền thông thì đầy định kiến. Nhưng ông phản đối đề xuất của Lippmann vì nó biến mọi người dân trở thành khán giả trong đời sống chính trị của chính họ. Điều đó, theo Dewey, thật phản dân chủ.
Dewey đưa ra một giải pháp đơn giản hơn, nôm na là: cứ để yên cho người ta tiếp tục uống trà đá và bàn chuyện chính trị.
Ông khẳng định rằng trong một nền dân chủ, kiến thức chính trị chỉ có thể được tạo nên thông qua các cuộc thảo luận trong công chúng, giữa những người dân với nhau. Thực tại quan trọng nhất chính là thực tại mà người dân cùng kiến tạo. Phương tiện truyền thông hiệu quả nhất chính là cộng đồng.
“Không có giới hạn nào đối với nguồn trí tuệ được tạo thành từ dòng chảy của dân trí thông qua những thông tin truyền miệng từ người này sang người khác trong chính cộng đồng. Điều đó, và chỉ duy nhất nó, tạo nên đời sống của công luận.”
John Dewey tin vào dân trí và việc giáo dục để khai phóng từng công dân. Những người ủng hộ dân chủ như Phạm Đoan Trang trong “Chính trị bình dân” (2017) hay Sean Illing trong bài viết trên Vox (2018) cũng đồng tình với cách nghĩ này, kể cả trong bối cảnh hỗn mang khi người ta chứng kiến “dân trí” đưa ra những quyết định tai hại. Trong bài viết năm 2018, Illing gợi mở một cách nghĩ lạc quan mà tôi cũng muốn dùng để nghĩ về Việt Nam.
“Mọi chuyện thật tệ, nhưng xưa giờ vẫn tệ như vậy mà, tức là chúng không tệ như ta tưởng.”
Theo dõi truyền thông về đại hội đảng có thể khiến ta thấy thật chán nản, nhưng từ trước đến giờ có bao giờ khác đâu? Chúng ta vẫn sống. Cứ bình tĩnh.
Bình tĩnh để làm gì thì Phạm Đoan Trang trong cuốn cẩm nang “Chính trị bình dân” có gợi ý. Cô viết:
“Người dân càng có tư duy phản biện và tinh thần duy lý (trọng lý lẽ, lý trí hơn trọng tình) thì càng khó bị dẫn dụ, dắt mũi, định hướng. Các nhà nghiên cứu đã công bố một điều thú vị là người ít đọc sách dễ bị tuyên truyền hơn người đọc nhiều sách; người không có quan điểm hoặc quan điểm không mạnh mẽ sẽ dễ bị tuyên truyền hơn người đã có sẵn quan điểm.”
Vậy, nhân dịp đại hội đảng, mời bạn cùng đọc những cuốn sách dưới đây để theo dõi cuộc tranh luận dài và sẽ còn tiếp diễn về truyền thông, công luận, và dân trí. Tất cả đều có sẵn, miễn phí, với đường link nhúng trong tên sách.
- Walter Lippmann (1922), Public Opinion
- John Dewey (1927), The Public and Its Problem
- Herman & Chomsky (1988), Manufacturing Consent: The Political Economy of the Mass Media
- Phạm Đoan Trang (2017), Chính trị bình dân
Bài viết nằm trong chuyên mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.
Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.