Trong phiên họp lần thứ 25 của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Trung Quốc vào ngày 22 tháng Giêng, 2021 vừa qua, Bắc Kinh đã chính thức thông qua Luật Hải Cảnh sau nhiều năm soạn thảo và nay chính thức áp dụng kể từ ngày 1 tháng Hai, 2021.
Luật Hải Cảnh gồm có 11 chương với 84 điều. Trong 84 điều này, Điều 22 là quan trọng nhất có nội dung như sau:
“Khi chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán Trung Quốc bị các cá nhân và tổ chức nước ngoài xâm phạm phi pháp hoặc đối diện mối nguy cấp bách bị xâm phạm phi pháp, theo luật này và các luật liên quan khác, hải cảnh có quyền áp dụng tất cả biện pháp cần thiết, gồm sử dụng vũ khí, để chặn đứng hành vi xâm phạm và loại trừ mối nguy.”
Ngoài ra, Luật Hải Cảnh còn cho phép lực lương hải cảnh có thể đánh phá những hạ tầng, cơ sở xây dựng trên các bãi đá ngầm, các đảo kể cả việc kiểm tra, bắt giữ những tàu bè nước ngoài di chuyển trong vùng biển mà Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền. Song song, Luật Hải Cảnh còn cho phép lực lượng hải cảnh quyền thiết lập tạm thời những vùng cấm di chuyển khi cần để ngăn chặn sự di chuyển tàu bè và người trong khu vực mà Trung Quốc muốn kiểm soát.
Nạn nhân đầu tiên của Luật Hải Cảnh này chính là những ngư dân và các tàu đánh cá của Việt Nam. Trong nhiều năm qua, ngư dân và các tàu đánh cá Việt Nam liên tục bị tàu hải cảnh Trung Quốc xách nhiễu dưới nhiều hình thức như rượt đuổi, va chạm, đâm chìm hay trấn lột trên các vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy đã xảy ra nhiều vụ tấn công thô bạo và khiến nhiều ngư dân bị thiệt mạng trong những năm qua, nhưng với Luật Hải Cảnh cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc sẵn sàng bắn vào tàu và người thì rõ ràng là sinh mệnh của ngư dân Việt Nam bị đe dọa trầm trọng.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Bắc Kinh tung Luật Hải Cảnh ra vào lúc này?
Thứ nhất là sẵn sàng đối đầu bằng vũ lực. Từ hơn một thập niên qua, lực lượng hải cảnh là một tổ chức dân sự nằm dưới sự chi huy của Cục Hải Dương Quốc Gia, tức là bộ phận bảo vệ các tàu nghiên cứu địa chất, dầu khí nằm dưới sự quản trị của Quốc Vụ Viện (chính phủ). Nhưng từ ngày 1 tháng Bảy, 2018 sau khi Bắc Kinh hoàn tất việc xây dựng các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa thành những căn cứ quân sự thì đã chuyển quyền chỉ huy lực lượng hải cảnh sang cho Lực Lượng Cảnh Sát Vũ Trang và nằm dưới sự quản lý của Quân Ủy Trung Ương. Tức nằm dưới sự chỉ đạo của Tập Cận Bình, Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương.
Nói cách khác, kể từ mùa Hè năm 2018, lực lượng hải cảnh trở thành một tổ chức vũ trang nhưng chưa được lệnh tấn công bằng vũ lực như lực lượng cảnh sát vũ trang nên Luật Hải Cảnh là để hợp thức hóa hành động quân sự nhằm chuẩn bị cho Lực Lượng Hải Cảnh là một lực lượng quân sự trên biển, sẵn sàng nổ súng tấn công vào các tàu và người nước ngoài mà không cần chờ lệnh từ Trung Nam Hải.
Thứ hai là đe dọa các nước ASEAN. Từ nhiều năm qua, sự xung đột giữa lực lượng hải cảnh Trung Quốc với lực lượng cảnh sát biển của một số quốc gia ở khu vực Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malyasia, Indonesia thường là va chạm hoặc dùng vòi rồng phun nước, sự thiệt hại nhân mạng hầu như rất ít. Nay Trung Quốc cho phép lực lượng hải cảnh có quyền “áp dụng tất cả biện pháp cần thiết, gồm sử dụng vũ khí” để bắn vào tàu và người nước ngoài cho thấy đây là biện pháp răn đe nhằm vào hai mục tiêu: Sẵn sàng tấn công vào các tàu cảnh sát biển đang tuần hành trên biển và đe dọa ngư dân các nước không còn dám đánh bắt hải sản trên những vùng biển mà Trung Quốc đưa ra yêu sách về chủ quyền.
Với sự đe dọa này, lực lượng hải cảnh và tàu bè của Trung Quốc ngang nhiên hoạt động như chỗ không người, bất chấp luật pháp quốc tế và từng bước thao túng toàn diện Biển Đông và buộc các quốc gia trong khu vực phải chọn đứng về phía Trung Quốc.
Thứ ba là nắn gân Hoa Kỳ. Trung Quốc chờ lúc Hoa Kỳ chuyển giao quyền điều hành từ Tổng Thống Donald Trump sang tân Tổng Thống Joe Biden, cho thông qua luật hải cảnh là đòn nắn gân của Tập Cận Bình đối với ông Biden. Ngoài ra, Bắc Kinh còn cho lệnh cấm 27 viên chức cao cấp dưới thời Trump không được vào Hoa Lục, HongKông và Ma Cao là đòn trả thù bỉ ổi. Bắc Kinh thường sử dụng thủ đoạn nắn gân này như một phép thử đối với các tân chính quyền ở Hoa Kỳ. Trước đây, khi Tổng Thống Barack Obama tuyên thệ nhậm chức, Trung Quốc đã từng huy động hàng trăm tàu dân quân vây kín tàu khảo sát của hải quân Mỹ và khiêu khích Mỹ.
Lần này, Trung Quốc đã tung phép thử công khai đối với ông Biden qua việc cho lực lượng hải cảnh bắn vào tàu nước ngoài và đưa 12 máy bay chiến đấu xâm phạm vào khu vực ADIZ nhằm đe dọa Đài Loan. Chính quyền Biden đã đáp trả nhanh chóng, một mặt cho Hàng Không Mẫu Hạm USS Theodore Roosevelt tiến vào Biển Đông. Mặt khác, tân lãnh đạo Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Blinkin đã tuyên bố sẵn sàng sát cánh chiến đấu với Nhật Bản nếu quần đảo Sensaku bị lực lượng Trung Quốc tấn công. Nói cách khác, đòn nắn gân Hoa Kỳ của Trung Quốc qua Luật Hải Cảnh, đang làm cho dư luận chú tâm theo dõi các phản ứng đáp trả của Tòa Bạch Ốc dưới thời ông Biden.
Tóm lại, dù núp dưới bất cứ ý đồ gì, sự kiện Trung Quốc tung ra Luật Hải Cảnh cho phép lực lượng hải cảnh sẵn sàng dùng vũ lực tấn công tàu và người nước ngoài trong lúc tình hình Biển Đông đang ngày một căng thẳng hiện nay, rõ ràng là Bắc Kinh đang có hai tham vọng lớn.
Một là đe dọa trực tiếp sinh mạng của bà con ngư dân Việt Nam để bắt chẹt CSVN.
Hai là biến Biển Đông từ khu vực tranh chấp thành nơi xung đột vũ trang để cho Bắc Kinh lợi dụng chiếm nốt các đảo còn lại trong khu vực Trường Sa của Việt Nam.
Người Việt yêu nước phải cùng nhau vận động các áp lực quốc tế để không cho Bắc Kinh thực hiện các ý đồ đen tối này./.
#báquyềntrungcộng #luậthảicảnhmới