Các bằng chứng khoa học hóa ra vô nghĩa “nhờ” sự can thiệp của những cái đầu cuồng thị trường.
Y CHAN – Luật Khoa Tạp Chí
Ở kỳ trước, chúng ta được biết sau hàng chục năm nghiên cứu, các nhà khoa học đã xác lập được bằng chứng rõ ràng về bàn tay của con người trong việc tạo ra mưa axit, cùng với tác hại tiêu cực của nó đến môi trường sống. Những nỗ lực khắc phục ở cấp độ quốc gia lẫn quốc tế lần lượt được tiến hành. Gió bắt đầu thổi ngược mưa axit, không để nó tiếp tục tạt vào tương lai.
Nhưng như câu chuyện về tác hại của thuốc lá, luôn có những người, vì đủ lý do khác nhau, chống lại các bằng chứng khoa học, tìm cách làm chậm lại, hay thậm chí là đảo chiều guồng quay của lịch sử.
Câu chuyện hậu trường về nhóm nghiên cứu mưa axit mà chính quyền Mỹ lập ra, được kể lại trong quyển sách “Merchants of Doubt”, là một minh chứng sinh động.
Gió đổi chiều từ thời Reagan
Khi Ronald Reagan đắc cử chức tổng thống Mỹ vào năm 1980, ông được nhiều người xem như vị cứu tinh sẽ giúp nước Mỹ thoát khỏi suy thoái. Reagan tin vào việc thực thi một thứ thị trường tự do tuyệt đối, không bị ràng buộc bởi bất kỳ thứ gì (laissez-faire), cho dù đó là khoa học.
Chính quyền mới của Reagan không công khai phản đối NAPAP, chương trình nghiên cứu 10 năm về các tác hại của hoạt động thải khí ô nhiễm ra môi trường mà người tiền nhiệm Jimmy Carter đã lập ra.
Nhưng đội ngũ của Reagan phản đối bất kỳ hành động nào yêu cầu kiểm soát, cắt giảm khí thải, ảnh hưởng đến hoạt động (lợi nhuận) của doanh nghiệp. Họ đáp lại áp lực phải có hành động cụ thể bằng yêu cầu “cần phải có nghiên cứu thêm” vì vấn đề “rất phức tạp”.
Khi các nhóm làm việc của Mỹ và Canada gặp nhau để tiếp tục bàn thảo về thỏa thuận kiểm soát cắt giảm khí thải, một bản báo cáo chung được soạn ra. Điều bất thường xuất hiện: cùng một chứng cứ khoa học được trình bày trong bản báo cáo, hai bên lại có những kết luận rất khác nhau.
Phiên bản kết luận của người Mỹ có nhiều dấu hỏi hơn hẳn. Họ không đồng ý rằng nguyên nhân và hệ quả của mưa axit là rõ ràng, không còn tranh cãi.
Người Canada bị sốc. “Phiên bản (kết luận) của phía Mỹ không thể tương thích với chứng cứ khoa học đã được hai bên xác nhận và trình bày trong báo cáo”. Đó là cách nói lịch sự ngoại giao của việc ám chỉ hành động bẻ cong chứng cứ.
Chính phủ Canada sau đó khẳng định “dựa trên những dữ liệu đã biết, các chuyên gia độc lập và được thẩm định hội đồng ở mỗi nước đã chỉ rõ sự cần thiết phải có hành động kiểm soát phù hợp”.
Phía Mỹ có hành động ngay sau đó. Vào tháng 1/1984, quốc hội Mỹ bác bỏ chương trình kiểm soát khí thải chung của hai bên.
Chuyện gì đã xảy ra?
Năm 1982, khi các nhóm làm việc giữa hai nước vẫn đang tập trung nhiệm vụ, Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ (OSTP) của Nhà Trắng quyết định thành lập một nhóm làm việc riêng để xem xét lại toàn bộ chứng cứ về mưa axit.
Quyết định này khiến nhiều người khó hiểu, khi đã có rất nhiều báo cáo khoa học về đề tài này được đăng trên những tạp chí uy tín được đồng thẩm định. Hơn nữa, chỉ mới một năm trước đó, vào năm 1981, Học viện Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ đã thẩm tra xem xét lại toàn bộ các chứng cứ về mưa axit. Họ kết luận “có bằng chứng rõ ràng về các mối nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người và hệ sinh quyển”, đồng thời khẳng định việc tiếp tục ngồi yên không có hành động thay đổi nào sẽ “cực kỳ nguy hiểm cho cả nền kinh tế cũng như hệ sinh quyển”. Họ nhận định tình hình hiện tại “đã đủ tệ để phải có hành động kiểm soát tức thời”, có thể cần cắt giảm khí thải xuống mức 50%.
Học viện Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ là một tổ chức khoa học độc lập lâu đời và thuộc dạng uy tín nhất nước, được các nhà lập pháp Mỹ lập ra cách đó hơn 100 năm (thời của Abraham Lincoln), với nhiệm vụ như một “thầy giáo kiêm trọng tài” cho cả nước về các vấn đề khoa học và công nghệ.
Không ai biết vì lý do gì mà chính quyền mới của Ronald Reagan lại cần phải gạt Học viện Quốc gia qua một bên, tự thành lập một nhóm điều tra mới, với các thành viên do đích thân Nhà Trắng chỉ định.
Người được chính quyền chọn mặt gửi vàng đứng đầu nhóm mới này là nhà vật lý học William A. Nierenberg.
Nierenberg là đồng sáng lập của Học viện George C. Marshall. Cùng với những nhà vật lý như Frederick Seitz (người mà chúng ta sẽ gặp trong các kỳ sau), Nierenberg thuộc thế hệ các nhà khoa học “con cưng” của Mỹ vào thời kỳ Thế chiến II.
Những đứa con thời chiến như Nierenberg luôn giữ tinh thần một mất một còn, tuyệt đối không đội trời chung với “đối thủ”. Trong chiến tranh Việt Nam, họ căm ghét phong trào phản chiến. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, họ chủ trương phải chạy đua vũ khí hạt nhân, nhấn chìm địch thủ.
Trong khi đó, đa số các nhà khoa học đều thuộc nhóm phản chiến, chủ trương giải giáp vũ khí hạt nhân, phản đối chạy đua vũ trang, chỉ ra các mặt trái và mối nguy hiểm của những ứng dụng khoa học công nghệ, của việc lạm dụng chất hóa học, vũ khí, khai thác nhiên liệu hóa thạch…
Những người như Nierenberg vừa xem cộng đồng khoa học là cái gai trong mắt, lại vừa xem những nhà bảo vệ môi trường là những kẻ lạc hậu dốt nát.
Tuy có quan điểm trái ngược, cộng đồng khoa học vẫn thừa nhận trình độ của những người như Nierenberg trong lĩnh vực chuyên môn. Vì thế, tiếng nói của họ vẫn có trọng lượng.
Khi được chỉ định giao nhiệm vụ thành lập nhóm điều tra độc lập về mưa axit, Nierenberg thuyết phục được sự tham gia của những nhà khoa học uy tín như Gene Likens (ở trung tâm Hubbard Brook) và Sherwood Rowland (người đã công bố phát hiện về hợp chất CFC gây hại cho tầng ozone).
Nhóm điều tra của Nierenberg có chín người, hầu hết đều là thành viên của Học viện Khoa học Quốc gia hoặc Học viện Kỹ sư Quốc gia, và đều được Nierenberg đích thân ngỏ lời mời.
Ngoại trừ Fred Singer.
Singer là một nhà vật lý cũng trưởng thành trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, phục vụ trong các dự án nghiên cứu về quân sự cho chính quyền, và sau đó giữ những chức vụ quan trọng trong các cơ quan chính phủ.
Khác với Nierenberg, trong thập niên 1960, Singer là một trong những tiếng nói hăng hái ủng hộ các hoạt động bảo vệ môi trường. Ông còn xuất bản sách để cảnh báo hậu quả từ các hoạt động của con người đối với môi trường đã ở mức tới hạn (tipping point), rằng nhân loại không thể nào tiếp tục ngồi yên và mong chờ sẽ có phép màu nào đó cứu mình.
Hơn một thập niên sau, Singer bỗng dưng nghĩ lại. Ông bắt đầu lo ngại khi so sánh giữa “chi phí” (kinh tế) và “lợi ích” (môi trường). Giống như rất nhiều người vào thời điểm đó, ông không nghĩ không khí sạch, nước sạch, bầu trời trong lành, môi trường sống an toàn của các sinh vật khác (trong đó có con người) có “giá trị” bằng cuộc sống “văn minh”, “tiến bộ” và “tiện nghi” mà nhân loại đang hưởng.
Với thái độ quay ngoắt 180 độ, Singer trở thành một đối tác lý tưởng cho chính quyền mới của Reagan. Ông được chính quyền Reagan đích thân đề cử vào nhóm điều tra độc lập về mưa axit.
Chiến thuật “troll” đồng nghiệp
Tháng 1/1983, nhóm làm việc của Nierenberg họp mặt để bắt đầu thảo luận.
Nửa năm sau đó, Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ của Nhà Trắng (OSTP) yêu cầu một bản báo cáo giữa kỳ và một bản đề xuất kiến nghị từ nhóm để gửi cho truyền thông.
Phiên bản đầu tiên của báo cáo dài đến năm trang giấy. Ngay từ đầu, báo cáo đã chỉ thẳng rằng hai nước Mỹ và Canada cùng thải ra 25 triệu tấn sulfur dioxide (SO2) mỗi năm, rằng có đủ bằng chứng kết luận mưa axit và các hậu quả của nó là có thật, và cần phải có biện pháp để đối phó, cắt giảm lượng sulfur thải ra.
Trang bốn của báo cáo có hai đoạn cảnh báo quan trọng khác. Một đoạn nói về hậu quả “không thể đảo ngược” (irreversible) – tuy không phải theo nghĩa tuyệt đối của từ, nhưng trong trường hợp này, các tác hại gây ra với môi trường sống sẽ phải mất nhiều thập niên để khôi phục. Đoạn còn lại nói về tổn hại đối với các chất dinh dưỡng trong đất, và ảnh hưởng dây chuyền hàng loạt của nó đến chuỗi cung cấp thực phẩm của con người.
Trước khi được công khai cho báo chí, báo cáo phải được Nhà Trắng thẩm duyệt.
Khi bản chỉnh sửa được gửi lại cho nhóm nghiên cứu, hai đoạn cảnh báo quan trọng đã bị gạch bỏ. Phần đầu cũng bị viết lại. Thay cho hiện trạng xả thải, nó được bắt đầu bằng tuyên bố “các biện pháp đã và đang thi hành đã kiểm soát được tình hình”, và sau đó nhấn mạnh còn nhiều vấn đề khoa học chưa được làm sáng tỏ, cần phải nghiên cứu thêm.
Bản đề xuất kiến nghị của nhóm cũng được chỉnh sửa, với yêu cầu từ Nhà Trắng đưa vào một đoạn văn mới. Đoạn này mở đầu bằng khẳng định “mưa axit nghiêm trọng, nhưng không phải là vấn đề nguy hại đến tính mạng”.
Tiếp đó, nó dẫn ra ba điểm, rằng (1) về mặt khoa học, chúng ta chưa chắc chắn về các nguyên nhân của mưa axit, (2) công nghệ để kiểm soát khí thải vẫn còn tốn nhiều chi phí và không đáng tin cậy và (3) các chính sách hiện có đang cố gắng kiểm soát chất lượng không khí để bảo vệ sức khỏe và tài sản con người. Tác giả của đoạn viết thêm này là Fred Singer.
Những “chỉnh sửa” này rõ ràng đã vẽ ra một thực tế hoàn toàn trái ngược so với bản gốc báo cáo và đề xuất kiến nghị của nhóm nghiên cứu.
Ngoài việc có quan điểm khác một trời một vực với các thành viên còn lại của nhóm thẩm tra, Singer (cùng với những quan chức ở OSTP) còn liên tục “thả bom” nhóm làm việc bằng hàng loạt những “tài liệu khoa học” đến từ những tác giả trong các ngành công nghiệp năng lượng, điện, giấy… gạt bỏ các bằng chứng về tác hại của mưa axit, chỉ trích nghiên cứu của Học viện Khoa học Quốc gia, lo ngại về chi phí quá cao từ các biện pháp kiểm soát môi trường.
Singer cũng yêu cầu tất cả thành viên phải đọc một bản tài liệu dài về “quan điểm và chính sách của chính quyền về các vấn đề toàn cầu”, nhấn mạnh việc cần phải kết luận báo cáo sao cho “phù hợp” với quan điểm đó.
Các nhà khoa học không đồng ý. Nhiệm vụ của họ là thẩm tra các chứng cứ và kết luận về mặt khoa học – bất kể quan điểm của chính quyền là như thế nào.
Không lay chuyển được các thành viên khác, Singer thay đổi chiến thuật.
Vào tháng 9/1983, William Ackermann, phó chủ tịch của nhóm làm việc, trình bày báo cáo và kết luận giữa kỳ của nhóm cho Ủy ban về Khoa học và Công nghệ của Hạ viện. Singer khi đó viết một bức thư dài sáu trang gửi đến chủ tịch ủy ban, phản đối các công bố của Ackermann, cho rằng các chứng cứ trong đó về tác hại của mưa axit vừa thiếu vừa yếu.
Bức thư của Singer, cho dù có ai tin hay không, ít nhất cũng đạt được một mục đích: tạo ấn tượng rằng nhóm điều tra có bất đồng, và có tranh cãi lớn về các vấn đề khoa học liên quan.
Bất đồng và tranh cãi là có thật. Nhưng cũng giống như bất đồng tranh cãi giữa các công ty thuốc lá và giới khoa học, nó chỉ được một phe tạo ra.
Trong trường hợp này, toàn bộ tranh cãi đến từ Fred Singer, thành viên duy nhất của nhóm điều tra được chính quyền Reagan chọn mặt gửi vàng cài cắm vào. Nhưng không chỉ có một mình Singer “troll” các đồng nghiệp.
Kỹ xảo “chế” báo cáo
Đầu tháng 4/1984, nhóm làm việc gửi bản báo cáo hoàn chỉnh đầy đủ đến Nhà Trắng. Thời điểm này, một tiểu ban của Hạ viện đang xem xét dự luật kiểm soát mưa axit. Nhưng Nhà Trắng không công bố báo cáo của nhóm.
Tháng 5/1984, tiểu ban trên bỏ phiếu bác bỏ dự luật về mưa axit với tỷ lệ 10 chọi 9. Đến ngày 31/8/1984, báo cáo của nhóm điều tra độc lập mới được công bố cho dư luận.
Nhiều người giận dữ cho rằng chính quyền Reagan cố tình ngâm bản báo cáo trái ý họ. Thượng nghị sĩ George Mitchell và dân biểu Norman D’Amours ra tuyên bố chung chỉ trích chính quyền trì hoãn công bố báo cáo nhằm “tước vũ khí” của Hạ viện, không cho thông qua luật kiểm soát mưa axit.
Người phát ngôn của OSTP đá quả bóng trách nhiệm về phía nhóm điều tra của Nierenberg, thuật lại rằng các nhà khoa học vẫn tiếp tục chỉnh sửa báo cáo tới tận giữa tháng Bảy. Báo chí tường thuật theo phiên bản của Nhà Trắng, đổ lỗi sự chậm trễ này cho nhóm làm việc.
Các nhà khoa học trong nhóm giận dữ, lần lượt viết thư chất vấn trực tiếp Nierenberg, rằng vì sao lại xuất hiện những chỉnh sửa tiếp theo trong khi phiên bản cuối cùng được thống nhất đã hoàn thành vào tháng Tư.
Đến lượt mình, Nierenberg tỏ ra “bối rối” vì cũng “không hiểu chuyện gì xảy ra”.
Trên thực tế, từ trước đó hơn một năm, vào tháng 3/1983, các nhà khoa học đã gần như hoàn thành bản báo cáo cuối cùng. Họ đã thẩm tra các bằng chứng và thống nhất kết luận, giống như báo cáo giữa kỳ mà họ sẽ gửi cho Nhà Trắng.
Tất cả đều thống nhất, ngoại trừ một người, Fred Singer.
Như trên đã đề cập, Singer cùng quan chức của OSTP đã cắt gọt thêm thắt trong bản báo cáo giữa kỳ, và suốt một năm sau đó tiếp tục yêu cầu các thành viên khác thay đổi nội dung bản báo cáo cuối cùng.
Về phần mình, Singer được giao nhiệm vụ viết chương cuối, về tính khả thi của việc ước tính lợi ích kinh tế từ các biện pháp kiểm soát ô nhiễm axit. Bằng cách nào đó, Singer đã đi đến lập luận là các biện pháp kiểm soát sẽ chỉ gây tổn hại kinh tế mà không được lợi gì cả. Theo ông, nếu chúng ta ngồi yên không thay đổi gì thì sẽ không có thiệt hại nào về kinh tế lẫn môi trường.
Các nhà khoa học khác tất nhiên không đồng ý với luận điểm này.
Cuối cùng, sau nhiều thời gian trì hoãn, mọi người thống nhất là phần của Singer sẽ đặt trong mục phụ lục, trình bày quan điểm của riêng ông. Sự “giáng cấp” này, từ một chương trong báo cáo xuống thành một phần phụ lục đứng riêng, thể hiện sự phản đối của nhóm làm việc với quan điểm của Singer.
Nhưng Singer không cô đơn.
Khi bản báo cáo hoàn chỉnh được gửi đi vào tháng 4/1984, các quan chức OSTP đã phản hồi với yêu cầu thay đổi phần Tóm tắt báo cáo (Executive Summary), kèm theo ghi chú về những thứ cần chỉnh sửa. Nierenberg đã thực hiện đúng những chỉnh sửa đó mà không cho các thành viên còn lại biết.
Những thay đổi này đủ tạo ra một ấn tượng hoàn toàn khác biệt cho người đọc. Ví dụ, thay vì mở đầu bằng việc trình bày hiện trạng về tác hại của mưa axit, phần Tóm tắt lại sa vào giới thiệu hoàn cảnh lịch sử và lý do nhóm làm việc ra đời. Phần nói về tác hại bị đẩy từ vị trí đầu tiên xuống thành đoạn áp chót, chôn theo tầm quan trọng của nó. Cấu trúc của phần Tóm tắt bị thay đổi toàn bộ, không còn đi theo các bằng chứng trong báo cáo như ý định của các nhà khoa học. Các đề xuất chính sách kiểm soát việc thải ra lưu huỳnh cũng bị nhét từ vị trí đầu xuống dưới cùng.
Các thành viên của nhóm làm việc khi so sánh hai bản nguyên gốc và bản bị chỉnh sửa đã nhận định “nếu có cơ hội thẩm định, khả năng cao chúng tôi sẽ không chấp nhận những thay đổi này.”
Họ đã không có cơ hội.
Nierenberg, Singer cùng các quan chức Nhà Trắng đã bí mật bắt tay nhau mông má lại bản báo cáo. Nhờ đó, Hạ viện có thể bác dự luật kiểm soát mưa axit. Các tờ báo thân với ngành công nghiệp đua nhau lấy bản báo cáo này làm vũ khí để bật lại các nhà khoa học.
Những tờ như Fortune, Wall Street Journal, Business Week cho đăng những loạt bài chất vấn mức độ tin cậy của các nghiên cứu về mưa axit.
“Có lẽ mưa axit không phải là kẻ xấu”
“Mưa axit không phải là nguyên nhân chính (gây ra các tác hại môi trường)”
“Có tranh cãi nghiêm trọng về các bằng chứng liên quan đến mưa axit”
“Những kẻ kích cuồng về mưa axit”
Tác giả những bài viết này đa phần đều không phải là các nhà khoa học, thậm chí có người còn là chuyên gia tư vấn từng làm việc cho ngành thuốc lá.
Fred Singer cũng đăng đàn, tự hào dẫn lại “đóng góp” của mình trong nhóm làm việc của Nierenberg, khẳng định trong một tạp chí chuyên ngành của Viện Cato rằng nhờ việc không thực thi các biện pháp kiểm soát “vội vã” (premature) mà “chúng ta tiết kiệm được từ năm đến 10 tỷ đô-la mỗi năm”.
Một quan chức của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) xuất hiện trên truyền hình, khi được hỏi “chẳng phải chúng ta đã có các bằng chứng về mưa axit sao?”, đã thản nhiên trả lời “À, không phải đâu … Chúng ta không biết nguyên nhân gì gây ra mưa axit.”
Trong thời gian tại vị còn lại của Ronald Reagan, không có bất kỳ ai thông qua được luật lệ nào về việc kiểm soát ngăn chặn mưa axit.
Phải sáu năm sau đó, vào nhiệm kỳ của Tổng thống George H. W. Bush, Dự luật Không khí Sạch (Clean Air Act) mới được chỉnh sửa, thêm vào phần kiểm soát khí thải.
Những người như William Nierenberg trở thành “đồng đội tuyệt vời” của những nhà làm luật tôn sùng chủ nghĩa tư bản tự do tuyệt đối, chống lại mọi nỗ lực kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp.
Về phần mình, những nhà khoa học đã tham gia trong nhóm nghiên cứu của Nierenberg, như Gene Likens, cố gắng đăng bài giải thích chuyện gì đã xảy ra đối với báo cáo nghiên cứu của nhóm. Tuy vậy, các bài viết như của Likens chỉ được đăng ở các tạp chí khoa học chuyên ngành không có mấy người đọc.
Những thứ phản khoa học thì ngược lại, xuất hiện nhan nhản trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng phổ biến.
Nhưng bằng cách này hay cách khác, sự thật khoa học vẫn không thể bị chối bỏ, nhất là khi dấu tay phá hoại môi trường của con người ngày càng đậm nét.
#BiếnĐổiKhíHậu