J.B Nguyễn Hữu Vinh
Sau 15 năm, đem lại tiếng cười cho dân chúng trong những dịp cuối năm, tết đến, xuân về. Bỗng nhiên, đến năm 2020, chương trình Táo Quân đã bị dừng hoạt động.
Một chương trình gây cười nhằm xì hơi quả bóng quá căng
Cách đây mấy năm, chúng tôi đã viết bài viết “Táo quân, cười được đến bao giờ?”. Trong bài viết, chúng tôi đã phân tích chương trình Táo quân đã được hệ thống tuyên truyền nhà nước CSVN sử dụng để làm gì, và tại sao nó tồn tại, vì sao nó được người dân chú ý.
Chương trình đã đưa những hiện tượng tiêu cực trong xã hội thành những trò cười trên sân khấu, mà ở đó có những bộ trưởng, những “tư lệnh ngành” hoặc quan chức triều đình với những hành động, lời nói chẳng có tác dụng gì ngoài việc gây cười cho dân chúng.
Nhiều lĩnh vực được đề cập đến, những chi tiết gây cười, hài hước nhất là những cảnh tham nhũng, tệ nạn, tầm mức của “quan trí”, những vụ việc được nhà cầm quyền đưa ra xét xử, được tuyên giáo bật đèn xanh cho báo chí đưa tin khi không thể nào che chắn, giấu diếm.
Trong các chương trình đã phát trên sóng truyền hình Quốc gia, cũng xuất hiện các quan chức cộng sản, với những câu nói thiếu tri thức, thiếu nhận thức đến mức ngớ ngẩn, đến mức hễ cứ nói ra là chọc cho thiên hạ cười lăn lộn.
Nhiều người cho rằng, dù bị ám chỉ, thì những người như Bộ Trưởng Giao thông, Y tế, Giáo dục, Điện lực… và những ngành nghề đã chỉ ra sẽ thấy xấu hổ mà kiềm chế, sửa chữa những điều đã chỉ ra chăng? Hoặc nếu có liêm sỉ, thì sau đó, họ sẽ đệ đơn từ chức ngay lập tức?
Xin thưa, là đừng hão huyền mà mơ mộng. Bởi nếu có liêm sỉ, họ đã không thể là quan chức cộng sản.
Đám táo quân và quần thần đó múa may trên sân khẩu, gây cười cho khán giả, nhưng những hậu quả là thật, tiền bạc người dân bị cướp là thật, mạng sống bị cướp đi là thật.
Việc đưa những vấn đề xã hội lên màn ảnh, trở thành một hiện tượng gây cười, chế nhạo, nhưng lại để nó trở thành bình thường, không hề có thái độ quyết liệt và đặt ra những yêu cầu cụ thể. Chỉ là việc làm cho xã hội nhìn vào đó như chuyện thường ngày ắt phải có và đương nhiên phải chịu.
Đó cũng là cách tiêm dần cho nhờn thuốc với các bệnh nhân, một thứ vacxin chống lại các phản ứng xã hội đối với các bệnh dịch do Chủ nghĩa Cộng sản và hệ thống chính trị này đem lại.
Trong bài viết, chúng tôi cũng đã chỉ rõ rằng:
Chẳng có bao giờ các chương trình Táo quân dám chỉ thẳng vào mặt cái tên “Ngọc Hoàng” ở trần thế nước Việt này mà rằng: Ông mới chính là nguyên nhân của mọi tội lỗi ở phía dưới. Đám táo kia, chỉ là tay chân của ông, ông hãy biến đi khỏi cái ngai vàng này để cho thiên hạ được thái bình.
Thậm chí, chẳng cần đến vai “Ngọc hoàng”. Mà trong chương trình đó, hầu như rất hiếm khi đề cập đến một ngành mà ở đó, đủ loại tiêu cực, đủ loại hài hước và những chuyện bi hài cười ra nước mắt mà người dân cần biết, cần hiểu, đó là ngành công an.
Ở đó, có những cái chết trong đồn công an, người dân bằng chiếc dây dày để tự treo cổ trong tư thế… ngồi. Hoặc những cái chết của trẻ vị thành niên khi bị đưa vào tạm giữ và chết do… rửa bát bẩn. Hay những cái chết do gặp công an được giáo dục rồi ân hận và… cướp dao của công an cất trong cặp để tự cắt cổ mình, tự lao đầu vào dùi cui, vào súng công an…
Ở đó, có cả Bộ trưởng Công an sử dụng giấy tờ giả, bằng cấp giả do sửa năm sinh, giảm tuổi nhằm ngồi thêm một vài khóa trên chiếc ghế béo bở. Có cả thứ trưởng của Bộ đã ký công văn đưa tài liệu gian manh thành “tài liệu mật” nhằm che giấu cho đồng bọn chiếm đoạt tài sản nhà nước hàng ngàn tỷ đồng nhưng không hề ai dám động tới chân lông để rồi sau đó nghiễm nhiên leo lên ghế Bộ Trưởng để răn dạy cho đàn em sự liêm khiết và đạo đức của cán bộ.
Ở đó, hệ thống cảnh sát ngoài đường miệt mài ngày đêm giăng bẫy, rình, núp tìm cớ mãi lộ người dân đi đường. Và ở tầm mức “Thiên đình” thì Bộ trưởng tìm mọi cách để bao che, bao biện cho những hành động “Gạt tay trúng má” hoặc “giơ chân hơi cao” hay “súng cướp cò” giết nhầm dân”…. Rồi đưa ra những văn bản mới, luật mới nhằm quây tròn mảng kiếm ăn trong lĩnh vực kiểm soát giao thông đường bộ từ luật lệ, thực thi cho đến cấp phép, thu hồi… lái xe ô tô vì sợ bị “làm giả”.
Còn hệ thống công an, cảnh sát các loại thực hiện những hành vi chẳng giống ai, tàn bạo với người dân, suy đồi về đạo đức, tiếp tay cho tội phạm, lợi dụng vị trí là “thanh kiếm, lá chắn của đảng” để mặc sức sử dụng cái bài “Chó cậy chủ” mà cắn càn, làm bậy trong nhiều lĩnh vực đời sống.
Ở đó, cũng có những vụ án oan khiên ngút trời với người dân bằng những cái án tử hình và nạn nhân sau hàng chục năm mới được tự người dân hoặc ngẫu nhiên biết rằng mình vô tội. Cũng có những cảnh giam giữ tù nhân hơn súc vật với những người dân, những người tù “mồ côi” hay những cảnh tù nhân vua, tù nhân được ưu tiên sống khác biệt với đám tù còn lại.
Và bất nhân hơn, ở đó chính là nơi mà những nhà bất đồng chính kiến, những người dám cất tiếng nói cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam, cho lãnh thổ của Tổ Quốc bị xâm lăng, bị chà đạp và quyền con người Việt Nam bị chà đạp… đã bị trắng trợn bắt đi, bừa bãi ghép tội, đàn áp tàn bạo bằng các bản án nặng nề.
Tất cả đều là sự hài hước, nó hài hước không vì nó chẳng giống ai, vì nó bất nhân, bất chấp luật pháp mà vì nó nghiễm nhiên được coi là chuyện bình thường trong xã hội, như một quy tắc không văn bản của những kẻ tự xưng là “Đầy tớ nhân dân”.
Nhưng, những chuyện hài hước đó chẳng khi nào được nhắc đến.
Bởi, nếu đụng đến ngành công an, thì đến “Ngọc Hoàng nước Việt” chưa hẳn đã ngồi được yên trên ghế của mình, nói chi đến ba cái đám văn, nghệ sĩ hoặc cái đài truyền hình kia.
Cũng có nhiều người tỏ vẻ ngạc nhiên là vì sao, những chương trình Táo quân cuối năm, nói năng động chạm đến nhiều lĩnh vực như vậy với giọng nhiều khi rất hài hước, rất… đểu, mà vẫn được công chiếu?
Xin thưa, ngoài việc tránh hết những hang hùm, miệng rắn thì nhà cầm quyền thấy rằng việc bịt miệng người dân đến mức nào đó, cũng không thể được, khi mà cả thế giới đang chú ý đến tình trạng tự do báo chí, khi mà cả xã hội đang hết sức bức xúc với một bối cảnh mà “Nhìn vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa. Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi” thì việc có một vài chương trình nằm trong sự quản lý, giám sát chặt chẽ để làm xì bớt sự căng thẳng của cái bong bóng xã hội là điều cần thiết.
Ở đó, người ta được cười, được vui và qua đó, coi các hiện tượng tiêu cực, suy đồi, thối nát như một chuyện bình thường “ắt, dĩ, tất, ngẫu” phải có trong xã hội.
Bị tiêu diệt
Mặc dù đã cố tình tránh đụng chạm với phương châm “Tránh voi chẳng xấu mặt nào”, đội ngũ sáng tác, kịch sĩ, diễn viên… đã tránh đi những điều cần nói nhất, những vấn đề mà người dân bức xúc nhất, nhưng đâu phải vậy là đã đủ.
Ngoài việc tránh các lĩnh vực, các quan chức, đề tài nhạy cảm nhất, thực chất nhất mà xã hội quan tâm. Cũng như, chương trình hàng năm đã được dàn dựng từ trước, để nhà Tuyên giáo duyệt, cắt xén, buộc thay đổi nội dung… cho ở mức vừa phải, vô hại mà tuyên giáo đảng chấp nhận được.
Thế nhưng vẫn chưa yên.
Tết năm 2020, chương trình được thông báo sẽ dừng hẳn. Nhiều người vẫn có thói quen tiếp thu cái cười một cách thụ động, coi như một dịp xả stress mà không hề nghĩ đến chuyện sâu xa, cảm thấy chưng hửng và quay lại hỏi nhau: Vì sao?
Vì sao mà một chương trình khá thu hút khán giả vậy bỗng nhiên đình bản, chấm dứt hoạt động?
Chẳng lẽ những hiện tượng tiêu cực trong xã hội đã hết cả rồi sao? Chẳng lẽ quan chức bây giờ không còn những chuyện cười ra nước mắt như trước? Hay xã hội đã đến lúc tự điều chỉnh mà không cần việc phê phán?
Xin thưa là không.
Việc chương trình này đã làm những năm qua, nhằm tác dụng xả stress cho xã hội qua các hiện tượng tiêu cực, nay đối với đảng là đã đủ. Đảng không cần những chương trình mà ngày càng phải quan tâm để xem xét, canh chừng để xét duyệt chỉ vì sợ nhỡ lúc nào đó sơ hở nó lại… nói thật.
Bởi những điều mà người dân cảm nhận được về những sự tha hóa, sự thối nát và sự đểu cáng, nếu đủ để gây cười, chắc chắn sẽ không dừng lại ở vài câu nói của quan chức kiểu Cờ Lờ Mờ Vờ, Cờ Lờ Vờ nữa, mà là phải những vụ án hàng ngàn tỷ được cùng nhau bắt tay trong bóng tối chia chác và bị đưa ra ánh sáng rồi lộ ra các đồng chí chuyên đi rao giảng, viết sách về đạo đức HCM, về đạo đức đảng viên… lại chính là các đồng chí tham nhũng, cướp của công đầu tiên với số tiền hàng ngàn tỷ.
Và sau đó, sẽ là các mối liên hệ trong đầu người xem rằng ai đã bảo kê cho những thương vụ làm ăn như vậy?
Và người dân cũng biết, đằng sau những câu chuyện về BOT cười ra nước mắt với những độc đáo của cánh tài xế đối phó với BOT bẩn, chặn đường cướp ngang nhiên, như những sự hài hước có thật. Thì sẽ động chạm đến các quan chức là chủ, là người đỡ đầu các sân sau này.
Người ta cũng sẽ cười về việc những tướng công an đứng đầu cơ quan phòng chống tội phạm công nghệ cao, lại là người tổ chức đánh bạc hàng chục ngàn tỷ, phạm tội công nghệ cao ngay trong trụ sở của Bộ Công An.
Người ta cũng sẽ đặt câu hỏi về việc chống tham nhũng không có vùng cấm, tại sao chỉ chống ở vùng phe củi, còn phe lò thì không?
Người ta sẽ hỏi vậy thì cái gọi là “Trách nhiệm người đứng đầu” ở đâu khi hàng loạt quan chức cộng sản, là mấy chục Ủy viên Trung ương, hàng chục tướng tá, và bốn Ủy viên Bộ chính trị cùng với hơn trăm ngàn đảng viên bị kỷ luật, thì ai là người đứng đầu cái đảng ấy, chịu trách nhiệm gì và cái đảng ấy ngày nay nên gọi là đảng gì?
Và, rồi tất cả những tiếng cười ấy, những sự liên hệ ấy, sẽ là những suối mạch để dẫn về một câu hỏi: Cơ nguyên nào, nguồn gốc nào đã dẫn đến những hậu quả, hay kết quả đó của hệ thống xã hội.
Và câu giải đáp dễ dàng nhất, đúng đắn nhất, đó là: Chính chế độ toàn trị, độc tài cộng sản mới là nguyên nhân tất cả của căn bệnh mãn tính, dai dẳng không thuốc chữa này.
Và để người dân hiểu được điều đó, thì nhà cầm quyền CSVN rất sợ. Bởi sự thật nào, cũng là nỗi sợ hãi của người cộng sản.
Ngoài ra, có một yếu tố nữa quyết định đến việc dừng chương trình này.
Đó là đến nay, khi mà nhà cầm quyền CSVN tự thấy rằng mình đã đủ khả năng, đủ tài nguyên, nhân lực cũng như vật lực. Để có thể sử dụng cho việc trấn áp bất cứ tiếng nói, tiếng thở dài, tiếng rên rỉ nào đó trong công chúng, thậm chí là sự nghi ngờ, một tiếng cười không định hướng, không được sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng bằng nhà tù, bằng xích sắt, bằng dùi cui… thì việc xả stress trong xã hội là không cần thiết.
Và người dân, khi đã được đóng cùm, gông cũi, thì có trợn mắt, nghiến răng cũng chẳng thể làm được gì hệ thống song sắt nhà tù, công cùm và bạo lực.
Điều đau đớn, là chính họ, chính những tù nhân, những người dân này đã góp tiền bạc của cải và xương máu của mình, thậm chí đã góp những người con, những người chồng mình chết nơi rừng sâu, núi thẳm, nơi biên cương hay trong đầm lầy để đúc nên những chiếc gông cùm hiện tại của chính họ.
Ngày 2/1/2021