Thành tích hay tội ác của đảng?

- Quảng Cáo -

nguyenhuuvinh’s blog|

Những màn đấu đá vẫn còn tiếp diễn

Những ngày này, thời tiết chính trị Việt Nam đang nóng dần cho đến gần ngày Đại hội đảng Cộng sản. Những cuộc thanh trừng nội bộ, đấu đá ở cấp thấp lên dần đến cao. Cho đến những ngày này những “vụ án” những “sự kiện” ở cấp địa phương trong phong trào “Chống tham nhũng” hoặc “tố giác tội phạm” đã vắng dần để chuyển lên cấp cao hơn.

Đơn giản, chỉ là vì ở các địa phương, màn đấu đá tranh giành quyền chức, tranh đấu với nhau để chiếm bằng được những chiếc ghế béo bở đã kết thúc bằng các đại hội đảng bộ địa phương, các ngành, các cấp. Cũng với đà đó, người ta lại thấy hiện tượng các “tội phạm” cấp địa phương giảm hẳn.

- Quảng Cáo -

Ngược lại, cấp cao hơn, những cuộc đấu đá càng ngày càng quyết liệt và đến hồi gay cấn.

Đã qua kỳ hội nghị thứ 14, nhưng việc “chốt” các danh sách những người được “đảng cử” để “Dân bầu” ra làm “đầy tớ nhân dân” vẫn chưa ngã ngũ. Con số vào Bộ Chính trị, vào Ban Bí thư, ai đi, ai ở vẫn ở thế giằng co và chưa phân thắng bại. Cuộc hội nghị đành phải “tan chợ” sớm, để tiếp tục bàn thảo, thỏa thuận giữa các bên để rồi sau đó vào hiệp đấu mới mang tên “Hội nghị 15”.

Những vấn đề đó, đảng vẫn cứ bí mật và âm thầm như đám trộm cướp hội kín bàn việc cướp của giết người.

Cái gọi là Hội nghị 14 để đánh giá văn kiện, đánh giá và tiếp thu ý kiến góp ý vào cái gọi là Dự thảo Báo Cáo chính trị… chỉ là nói cho vui. Bởi giờ này, ai mà còn tâm trạng chú ý vào cái báo cáo chính trị ấy làm gì khi mà đồng phe, cùng nhóm vẫn chưa ngả ngũ, chưa phân thắng bại dù đã đến hiệp thứ 14.

Cũng vì cái gọi là văn kiện kia, chẳng cần đọc thì người ta vẫn có thể thuộc lòng nội dung của nó sẽ nói gì. Lại là những điều sáo ngữ, hoang tưởng và kiên định một cái bánh vẽ mơ hồ, để rồi qua đó, đăt ra những mục tiêu không tưởng.

Ở một mặt trận khác, những cuộc xử án, những thông tin bí mật… được lôi ra tiến hành khẩn cấp, nhằm để loại những đối thủ cần loại cách “danh chính, ngôn thuận” nhất.

Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Đức Chung được khẩn trương đem ra xét xử, tuyên cái án tù làm ví dụ cho có ngay trong dịp này, dù được đặt vào dạng “trọng án”. Bởi cho đến khi Nguyễn Đức Chung đã bị kết án tù xong, Hội nghị 14 họp thì Nguyễn Đức Chung và Hồ Thị Kim Thoa vẫn còn là đảng viên cộng sản.

Nếu không xử kịp, nghĩa là Chung con vẫn chưa có tội, nghĩa là về mặt lý thuyết, vẫn là Ủy viên trung ương, vẫn có thể yêu cầu đưa xe đến nhà tù chở về để dự Hội nghị Trung ương 14 bàn về công tác nhân sự, để lựa chọn những người có tài, có đức vào Trung ương thì sao?

Và cũng không chỉ có thế, việc xử Nguyễn Đức Chung ngoài việc dứt điểm được mối họa là diệt được cái nguy cơ Chung Con, một người “tuổi trẻ tài cao” sẽ “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” lên Bộ Chính trị. Đến khi đó, thì khác gì hổ mọc thêm cánh.

Thế nên, trừ xong mối họa chính, chặn đường tiến lên là mục đích, phần còn lại thì là sự thỏa thuận giữa hai bên. Một bản án ví dụ, đổi lấy sự im lặng cần thiết.

Bởi, ai cũng vậy, cứ dồn đến đường cùng, thì chưa biết điều gì sẽ xảy ra. Cha ông ta đã dặn rằng “Chó cùng thì còn rứt dậu” kia mà.

Mà Nguyễn Đức Chung vốn là một công an giỏi, có dày dạn kinh nghiệm về tội phạm. Mà tội phạm trong đảng bây giờ thì nhiều vô khối, móc đồng chí nào ra mà chẳng thấy vết nhọ khắp mặt.

Vụ xét xử, cũng là một đòn dằn mặt của “phe lò” cho thiên hạ biết rằng: Hãy cẩn thận, dù đối phương đang ở chức vụ nào, việc biến thành củi là chuyện như trở bàn tay.

Khi mà đảng lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện, trong ngoài lục đục, trên dưới không yên, thiên hạ bất đồng, nhân tâm ly tán, thì những cố gắng nhằm tô vẽ cho cái gọi là “đoàn kết, nhất trí” trong đảng, hay “giữ gìn sự đoàn kết trong đảng như giữ con ngươi của mắt mình” như lời Hồ Chí Minh, cũng chỉ là khẩu hiệu mà không bao giờ có thể là hiện thực.

Trước tình hình đó, hệ thống tuyên giáo của đảng ra sức phát huy vai trò của hệ thống truyền thông độc tài nhằm biến không thành có, lộng giả thành chân…

Một trong những chiêu thức tuyên truyền của đảng giai đoạn này, là công lao của đảng, thành tích của đảng hết sức lớn lao trong việc loại trừ, chống lại tham nhũng

Những con số đảng đưa ra, khiến người ta giật mình.

Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vừa chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020.

Theo báo cáo của Ban này, trong giai đoạn 2013 đến 2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131.000 đảng viên. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 87.000 cán bộ, đảng viên, trong đó, có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng.

Cũng những con số đi kèm với số đảng viên bị kỷ luật nói trên, thì “Từ năm 2013 đến nay, qua công tác thanh tra, kiểm toán, các cơ quan đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 700.000 tỷ đồng, hơn 20.000 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 14.000 tập thể, nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý gần 700 vụ việc có dấu hiệu tội phạm”.

Và “Từ năm 2013 đến nay, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng, với gần 4.400 bị cáo”.

Và đây được Nguyễn Phú Trọng coi là “Bước đột phá” trong công tác xây dựng đảng. Nguyễn Phú Trọng báo cáo các con số này như những thành tích của đảng với nhân dân, với đất nước vậy.

Thành tích hay tội ác?

Mặc dù hệ thống tuyên giáo đảng ra sức tô vẽ rằng đó là thành tích chống tham nhũng của đảng, rằng không có vùng cấm trong chống tham nhũng để xây dựng đảng…

Nhưng, ngẫm lại, thì đó là thành tích hay tội ác?

Người ta có quyền đặt câu hỏi đơn giản: Với con số 131.000 đảng viên được phát hiện và bị kỷ luật nêu trong báo cáo, thì con số “các đồng chí chưa bị lộ” sẽ là bao nhiêu?

Bởi ai cũng biết điều này: Để phát hiện một đồng chí đảng viên đến mức bị kỷ luật, thì không phải là điều dễ dàng. Bởi các đồng chí ấy, đã có “thẻ bài miễn tội” là cái thẻ đảng viên.

Với cái thẻ đó, thì mọi cơ quan điều tra, luật pháp đều bó tay đứng ngoài vì những cái quy định kỳ quặc, đặc thù để “xây dựng đảng” như cái “Chỉ thị 15 của Bộ Chính Trị” đã quy định rằng: Không một đảng viên nào bị điều tra, nếu cơ quan cấp ủy không đồng ý cho phép.

Bởi nếu không có cái quy định quái gở này, thì lấy đâu ra đảng viên mà sinh hoạt đảng? Đây cũng là cái định nghĩa “không có vùng cấm” và “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” mà các lãnh đạo đảng ra rả suốt ngày.

Vậy trong số các đồng chí tham nhũng kia, mấy % trong đó bị cấp ủy đồng ý cho điều tra? Và mấy % trong số bị điều tra kia, cơ quan điều tra có thể đưa ra ánh sáng để cho đảng kỷ luật? Cái quy luật nghiệt ngã “kim tiền” đã chẳng phát huy tác dụng hết mọi ngõ ngách xã hội và đến từ các chi bộ lên đảng ủy, đảng bộ cho đến Bộ chính trị đó thôi?

Thế nên, với con số tính được là 131.000 đảng viên đại diện cho số đảng viên tham nhũng, cướp bóc kia, số tài sản, tiền bạc và công quỹ của nhân dân bị cướp, bị phá biết cơ man nào cho xiết?

Có lẽ cần nhớ rằng, một đảng viên tham ô, tham nhũng thôi, thì con số đã cả tỷ đồng là chuyện nhỏ.

Chỉ một ủy viên Trung ương thôi, thì Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa cũng đã bị lôi ra con số cả chục ngàn tỷ đồng.

Chỉ một Ủy viên Bộ Chính trị như Đinh La Thăng thôi, thì con số tiền dân đã bị đốt hàng chục ngàn tỷ với hàng trăm ngàn tỷ thiệt hại mà người dân, đất nước phải chịu.

Và đó cũng chỉ là con số điều tra, thống kê và được công bố, còn con số thật là một cấp số nhân.

Vậy với hàng triệu đảng viên có chức, có quyền, thử hỏi con số tham nhũng sẽ là bao nhiêu, con số phá hoại sẽ lớn dường nào?

Bởi, để tìm một cán bộ, đảng viên có chức có quyền mà không tham nhũng, khác gì đáy bể mò kim.

Điều người ta đặt ra là: Tại sao, cứ tham nhũng lại là đảng viên?

Câu trả lời không hề khó, bởi chỉ có đảng viên, mới được đặc ân là có chức, có quyền, và chỉ có những người có chức, có quyền mới có thể tham nhũng.

Do vậy, người ta kết luận rất có cơ sở rằng: Không phải tất cả đảng viên đều tham nhũng, nhưng chắc chắn 100% rằng những kẻ tham nhũng là đảng viên cộng sản.

Vậy đảng viên từ đâu ra?

Câu hỏi có vẻ ngô nghê, nhưng lại là điều cần hiểu thật rõ. Tất cả đảng viên, đều từ cái gọi là Đảng Cộng sản mà ra. Điều đó cũng đồng nghĩa rằng, mọi sự tham nhũng, phá hoại tài sản, tiền bạc của người dân, tàn phá tài nguyên đất nước, gây biết bao thảm họa cho người dân bằng mọi cách, mọi hình thức, mọi nơi chốn… đều từ đảng mà ra.

Với con số tiền bạc, đất đai, quyền con người của người dân đơn giản nhất là quyền được sống, được tự do, được mưu cầu hạnh phúc bị cướp đoạt, bị đàn áp… vậy thủ phạm chính là từ Đảng Cộng sản.

Và người dân có quyền đặt câu hỏi rằng: Nếu không có cái đảng độc tài, thì liệu những con số của cải, tiền bạc kia có dễ dàng vào  được túi các quan chức của đảng đơn giản như vậy hay không?

Vậy, đó là công, hay là tội của Đảng trước nhân dân, đất nước và dân tộc Việt Nam?

#đảngcsvn

- Quảng Cáo -