Ở thành phố Hồ Chí Minh, có lẽ vụ đình đám “khu đô thị mới Thủ Thiêm” kéo dài suốt nhiều đời chủ tịch, rồi mãi tới nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm là minh thị dễ thấy nhất về tham nhũng đất đai.
Người dân tiếp tục chứng kiến rất nhiều người giàu lên từ chuyện làm ‘đày tớ nhân dân’. Nào biệt thự, biệt phủ của quan chức mọc lên nhan nhản; vợ, chồng, con của ‘đày tớ’ sống rất khác so với người dân; tài sản thậm chí chuyển ra nước ngoài. Trong khi đó, các doanh nghiệp luôn tìm mọi cách và bằng mọi giá để được làm ‘sân sau’ của các quan chức ‘đày tớ’.
Các lỗ hổng và sự bất cập của pháp luật đất đai, mở cửa cho tham nhũng phát triển đến mức triệt tiêu nhiều động lực, cạn kiệt nguồn lực, bào mòn lòng tin của người dân. Trách nhiệm cuối cùng ở đây đã được ghi rất rõ tại Hiến pháp 2013, Điều 4.2, “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”.
Nền kinh tế Việt Nam đã vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng một số điều luật cơ bản của Luật Đất đai năm 2013 vẫn trên quan điểm của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Chẳng hạn như quan điểm về quyền sở hữu đất đai. Hoặc như một số điều luật quy định quá “thoáng”.
Ví dụ khoản d điểm 3, Điều 62 Luật Đất đai 2013 quy định, thẩm quyền thu hồi đất của hội đồng nhân dân tỉnh: “Dự án khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn chỉnh trang đô thị; cụm công nghiệp; khu sản xuất chế biến; nông sản; lâm sản; thủy sản; hải sản tập trung; dự án phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng”.
Phạm vi thu hồi đất được rộng như vậy, thì trong bối cảnh tổ chức nhà nước hiện nay, lãnh đạo địa phương rất dễ thuyết phục hội đồng nhân dân chấp nhận phê chuẩn đất đai cho các doanh nghiệp, bỏ qua quyền lợi của người dân.
Với quy định như vậy, tạo ra nhiều kẽ hở cho sự tùy tiện của địa phương trong chuyển đổi mục đích sử dụng, chuyển nhượng đất đai; tạo ra cơ chế xin – cho; tình trạng các doanh nghiệp đầu tư “lách luật”, “chạy dự án” vào các khu đất vàng, đất trống để đưa vào diện thu hồi đất…
Có thể dẫn chứng hàng loạt vụ việc qua kết luận từ Thanh tra chính phủ:
Ở tỉnh Lâm Đồng, theo thông báo kết luận thanh tra về việc quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, do Phó Tổng Thanh tra Trần Văn Minh ký ban hành, thì, “Việc gia hạn đối với 164 dự án đầu tư ngoài ngân sách được thuê đất chưa đúng quy định của Luật Đất đai 2013, Luật Đầu tư 2014.
Trong đó UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Văn bản số 1034/UBND-ĐC ngày 11/3/2015 quy định về việc gia hạn dự án là chưa đúng quy định tại điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013, khoản 3 Điều 46, điểm g khoản 1 Điều 48 Luật Đầu tư”.
“Trách nhiệm để xảy ra các vi phạm, khuyết điểm, tồn tại qua thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được nêu trong kết luận thanh tra thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh; các phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách; thủ trưởng các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan qua các thời kỳ” – kết luận ghi.
Với tỉnh Kiên Giang, thì, “Trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 6-2018, UBND huyện Phú Quốc và UBND các xã, thị trấn trực thuộc đã buông lỏng quản lý về đất đai, về trật tự xây dựng đô thị, dẫn tới nhiều tổ chức, cá nhân xây dựng hạ tầng trái phép trên đất nông nghiệp nhằm mục đích phân lô, tách thửa đất nông nghiệp với diện tích nhỏ để chuyển nhượng”, kết luận thanh tra công bố hồi tháng 5-2020, viết.
Qua thanh tra phát hiện từ tháng 1-2016 đến tháng 6-2017, Sở Tài nguyên – môi trường tỉnh Kiên Giang cho phép tách 17.808 thửa đất nông nghiệp với diện tích nhỏ dưới 500m2 trên địa bàn huyện Phú Quốc, dẫn tới tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện đảo này diễn ra hết sức phức tạp, gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai.
Kết luận thanh tra cũng cho rằng việc buông lỏng quản lý rừng của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc và Vườn quốc gia Phú Quốc dẫn tới tình trạng các hộ dân lấn chiếm đất rừng diễn ra trong một thời gian dài nhưng chậm được ngăn chặn xử lý. Thậm chí có một số hộ dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lấn với diện tích đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Vườn quốc gia Phú Quốc.
Để xảy ra những sai phạm trên, theo Thanh tra Chính phủ, chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2011-2017 chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành chung; còn thủ trưởng các sở, ngành và chủ tịch UBND các huyện, thành phố trực thuộc chịu trách nhiệm chính.
Ở thành phố Hồ Chí Minh, có lẽ vụ đình đám “khu đô thị mới Thủ Thiêm” kéo dài suốt nhiều đời chủ tịch, rồi mãi tới nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm là minh thị dễ thấy nhất về tham nhũng đất đai.
Tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thanh tra chính phủ đã phát hiện hàng loạt sai phạm, đặc biệt là liên quan đến việc đầu tư các dự án bằng hình thức hợp đồng BT. Nhiều quan chức ở thành phố này bị đề nghị xem xét kỷ luật. Trong đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy…/.