Nghị Định 126 đang tạo phẫn nộ xã hội

Nghị Định 126/2020 khiến giới tài xế Grab lao đao.. Ảnh: Zing
- Quảng Cáo -

Anh Hoàng – Việt Tân

Dư luận đang xôn xao về việc Cục Thuế Vụ đã tăng 10% thuế VAT đối với dịch vụ lái xe Grab. Thuế VAT (Value Added Tax) là thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Thuế giá trị gia tăng chỉ áp dụng trên phần giá trị tăng thêm mà không phải đối với toàn bộ giá trị hàng hóa, dịch vụ. Như vậy, trước nay Grab đều phải chịu mức thuế giá trị gia tăng trên doanh thu là 10%, tuy nhiên con số này chỉ tính trên 20% hoặc 25% phí sử dụng ứng dụng mà các tài xế công nghệ phải trả cho Grab, và đó cũng là doanh thu của doanh nghiệp Grab.

Sở dĩ tồn tại điều này bởi lẽ Grab chỉ đơn thuần là công ty cung cấp dịch vụ gọi xe, không hề có tài sản hay nguyên liệu phát sinh trong quá trình kinh doanh, bởi lẽ nguyên liệu kinh doanh là xe máy hay ô tô đều thuộc quyền sở hữu của người tài xế. Các chi phí xăng dầu, bảo dưỡng cũng do các tài xế chịu. Đây cũng là điểm khác biệt giữa Grab và đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải truyền thống.

Các tài xế Grab được định nghĩa là các cá nhân kinh doanh và có tài sản, nguyên liệu kinh doanh là xe máy hoặc ô tô vì vậy phải đóng thuế VAT là 3%. Tuy nhiên, theo Nghị Định 126 có hiệu lực từ ngày 5 tháng Mười Hai vừa qua, bỗng chốc biến Grab, Go Jek là các doanh nghiệp kinh doanh vận tải truyền thống phải chịu mức thuế VAT cho toàn bộ doanh thu từ người tiêu dùng trả. Điều này khiến cho các doanh nghiệp như Grab phải tăng thu chiết khấu từ tài xế  từ 23,6% lên 28,364% đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 20%, và tăng từ 28,375% lên 32,841% đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 25%. Đồng thời họ phải tăng phí mỗi chuyến cho dịch vụ gọi xe.

- Quảng Cáo -

Do đó, Grab đồng loạt điều chỉnh giá cước tối thiểu của GrabCar tại Hà Nội sẽ tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho cây số đầu và tăng thêm 1.000 đồng (từ 8.500 đồng lên 9.500 đồng cho mỗi cây số tiếp theo). Tương tự, GrabCar 7 chỗ sẽ áp dụng mức tăng từ 30.000 đồng lên 32.000 đồng cho 2 cây số đầu tiên và từ 10.000 đồng lên 11.000 đồng cho mỗi cây số tiếp theo.

Tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, giá cước tối thiểu của GrabCar cũng tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2 cây số đầu tiên và tăng thêm 500 đồng cho mỗi cây số tiếp theo. Giá các dịch vụ GrabBike, GrabFood, GrabExpress cũng được điều chỉnh tăng. Ứng dụng gọi thức ăn của Hàn Quốc Baemin công bố tỉ lệ chiết khấu của tài xế áp dụng từ 20% lên 27,273% kể từ ngày 5 tháng Mười Hai.

Hệ quả, người tiêu dùng phải trả nhiều tiền hơn cho việc gọi xe Grab, vì vậy họ sẽ tìm những giải pháp thay thế phù hợp khác cho việc đi lại của họ. Những tài xế Grab bị giảm nguồn thu nhập khi phải chịu phí chiết khấu cao hơn và lượng khách giảm. Rõ ràng, Nghị Định 126 đã bóp méo đi về luật VAT, đồng thời dồn ép người lao động phải gánh thêm những khoản thuế vô lý. Điều này bắt nguồn từ vấn đề thu chi ngân sách từ chính phủ.

Cụ thể, Bộ Tài Chính cho biết tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 9 tháng qua đạt 975.300 tỉ đồng, bằng 64,5% dự toán, giảm 11,5% so với cùng kỳ nhiều năm gần đây do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, đồng thời hàng trăm dự án đội giá khiến ngân sách ngày càng thâm hụt.

Người dân đang trở thành nạn nhân của bộ máy hành chính yếu kém và tham nhũng, mặc dù khó khăn vì dịch bệnh nhưng doanh nghiệp và người dân không  những không được sự hỗ trợ từ nhà nước  mà ngược lại họ đang phải chịu sự bóp nghẹt về tài chính từ những khoản thuế, phí vô lý.

Nếu nhà cầm quyền, đặc biệt là Cục Thuê Vụ không sớm đưa ra những điều chỉnh về Nghị Định 126, về dài hạn sẽ gây khó khăn cho nhiều người dân, ngăn chặn sự phát triển và ổn định xã hội.

Anh Hoàng

#grab

- Quảng Cáo -