Thuế, Grab và Chính phủ ăn hại

- Quảng Cáo -

Nguyễn Tráng|

Sự kiện hàng nghìn tài xế Grap xuống đường đình công sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 126, áp thuế 10% đối với kinh doanh vận tải, đang tạo ra nhiều ý kiến trái chiều. Dù vậy, người viết quan tâm nhiều nhất là những hình ảnh các bạn trẻ mặc đồng phục màu xanh lá cây tràn ngập trên đường phố.

Thống kê năm 2017 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, có 80% sinh viên, cử nhân ra trường hiện đang chạy xe cho Uber, Grab. Tất nhiên, xe ôm là một nghề bình đẳng như bao ngành nghề khác. Việc kiếm tiền lương thiện bằng mồ hôi, công sức của chính mình là điều đáng trân trọng, nhất là trong bối cảnh xã hội suy giảm niềm tin nghiêm trọng, nạn tham nhũng của quan chức xảy ra từ trung ương cho đến địa phương. Dù vậy, có đến 80% sinh viên, cử nhân làm nghề này thì lại là hiện tượng không ổn đối với sự phát triển của xã hội.

Làm tài xế công nghệ chỉ cần vài cú click chuột vô cùng đơn giản, tận dụng phương tiện đi lại hàng ngày, lại tạo nguồn thu nhập khá rõ ràng không phải lựa chọn tồi ở cấp độ cá nhân. Tuy nhiên, con số “80% sinh viên, cử nhân ra trường hiện đang chạy xe cho Uber, Grab” lại phản ánh sự bế tắc ở cấp độ toàn xã hội.

- Quảng Cáo -

Hẳn nhiên, ai cũng muốn được làm việc, cống hiến cho những lĩnh vực đã được đào tạo và trang bị kiến thức chứ không phải là một tài xế cả ngày bám mặt đường và đối mặt với khói bụi hiểm nguy. Chắc chắn, nếu có cơ hội lựa chọn, họ sẽ thay đổi quyết định.

Tuổi trẻ là trụ cột của quốc gia, với tính cách táo bạo không ngại khó khăn, họ phải là những mũi tên tiên phong chinh phục những lĩnh vực mới, công nghệ mới, mô hình mới. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi mà Việt nam đang bước vào thời kỳ hội nhập, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang đến gần. Nghĩ đến đó, chắc hẳn bất cứ ai cũng chép miệng tiếc nuối xen lẫn xót xa khi đội ngũ đông đảo trí thức thất nghiệp buộc phải chọn cho mình cái nghề lao động giản đơn: xe ôm.

Cử nhân, thạc sĩ phải khoác lên người đồng phục xanh chạy xe ôm lông nhông ngoài đường, không chỉ là sự lãng phí thời gian và tài chính của chính bản thân và gia đình, mà còn là sự lãng phí trí tuệ, chất xám của toàn xã hội. Từ đây, chúng ta thấy rõ sự tụt hậu của Việt Nam. Thật không để đâu cho hết tiếc nuối, khi mà những người tri thức trẻ tối ngày nhìn vào màn hình smartphone để chờ khách hàng “nổ địa chỉ”. Đội ngũ này làm sao có thể đủ sức đương đầu, cạnh tranh với nguồn nhân lực của các nước trong khu vực Đông Nam Á, chứ chưa nói đến mặt bằng chung của thế giới?

Nguồn lực trí tuệ đóng vai trò then chốt trong mỗi quốc gia, đây là nền móng để đất nước chuyển mình từ nông nghiệp lạc hậu sang nền kinh tế tri thức. Ở góc độ vĩ mô, không thể nào chấp nhận được thực trạng đa số cử nhân sau nhiều năm miệt mài đèn sách lại cặm cụi làm nghề xe ôm. Điều đất nước cần nhất hiện nay là bác sĩ, nhà khoa học, kỹ sư,… chứ không phải là hàng trăm nghìn cử nhân lái xe ôm.

Sinh viên, cử nhân Việt Nam ra trường cặm cụi vào nghề xe ôm đã phản ánh quan hệ cung – cầu nhân lực trên thị trường và cấu trúc lao động của Việt Nam hiện nay là rất lãng phí. Và để xảy ra cái đống lộn xộn này, Chính phủ là nơi phải gánh chịu toàn bộ trách nhiệm./.

#tăngthuếxeômGrab

- Quảng Cáo -