Trân Văn – VOA
Một số cơ quan truyền thông tại Việt Nam vừa công bố báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) về kết quả kiểm tra cổ phần hóa 30 doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Những thông tin mà các cơ quan truyền thông tại Việt Nam trích dẫn từ báo cáo này cho thấy, nhiều cá nhân đang chuyển từ trộm cắp sang công nhiên cướp giật công sản…
***
Trong báo cáo vừa kể, KTNN lưu ý: Thứ nhất, tiến trình cổ phần hóa quá chậm (từ 2016 đến nay, chỉ có 38/177 DNNN nằm trong kế hoạch cần tiến hành cổ phần hóa đã được giải tư – chuyển từ sở hữu nhà nước thành sở hữu tư nhân. Thứ hai, việc xác định giá trị tài sản của nhà nước để cổ phần hóa có rất nhiều điểm đáng ngờ. Chẳng hạn, việc lựa chọn phương pháp định giá tài sản khiến chênh lệch giữa giá trị thực với giá thẩm định để giải tư – đổi chủ, lên tới 236… tỉ!
Từ kết quả kiểm tra 30 DNNN đã cổ phần hóa, KTNN cảnh báo, trong và sau cổ phần hoá có đủ loại sai phạm, tiêu cực liên quan đến đất đai, tài sản vô hình, làm thất thoát tài sản nhà nước, làm sai lệch mục tiêu tăng trưởng, năng lực phát triển của doanh nghiệp sau khi đã cổ phần hoá,… Ít nhất, giá trị vốn thực tế của nhà nước tại 30 doanh nghiệp cổ phần hóa đã sụt giảm tới 30.000 tỉ đồng. Cần lưu ý, vốn hay tài sản của nhà nước chính là vốn, tài sản của toàn dân, nhà nước chỉ là phía nhận ủy quyền!
***
Trò chuyện với Dân Trí về thực trạng vừa đề cập, ông Nguyễn Minh Phong – một chuyên gia kinh tế, cho rằng: Những… kẽ hở trong cổ phần hóa DNNN không chỉ làm thất thoát công sản mà còn gây hệ lụy tiêu cực về công bằng xã hội. Lãnh đạo một số DNNN đã lạm dụng quyền lực để khống chế DNNN và sau khi cổ phần hóa, biến DNNN thành sở hữu tư nhân, hình thành “gia đình trị”. Ông Phong ước tính, có hàng ngàn tỉ đồng bị thất thoát và nhà nước bị thất thu vì các loại giá trị không được tính đúng, tính đủ (1)…
Chẳng riêng chuyên gia, báo giới, từ lâu, công chúng đã bàn ra, tán vào về tình trạng cổ phần hóa nhưng để… sót giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền thuê đất khi tính giá trị doanh nghiệp. Định giá những DNNN được cổ phần hoá thấp hơn nhiều so với giá trị thực. Định giá nhưng quên không cộng các tài sản vô hình khác như thương hiệu, lợi thế kinh doanh. Chuyển đổi hình thức sở hữu DNNN nhưng không tổ chức đấu giá, niêm yết trên thị trường chứng khoán và không thực hiện nghĩa vụ tài chính…
***
Nhờ kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, các DNNN có quyền vắt sạch tất cả nguồn lực quốc gia bằng vô số dự án không cần sinh lợi! Dẫu là nguyên nhân chính khiến nội lực quốc gia suy kiệt, nợ nần gia tăng, kinh tế liên tục suy thoái nhưng vì định hướng XHCN, DNNN vẫn liên tục được tiếp sức bằng “xóa nợ”, “khoanh nợ”, “giãn nợ”, “ưu đãi thuế”, “chính phủ bảo lãnh”, “cơ chế đặc thù” và vì vậy thua lỗ, thất thoát càng ngày càng làm thiên hạ choáng váng.
Giữa thập niên 2010, chỉ riêng Bộ Công Thương đã có 12 “đại dự án” ngốn của quốc gia khoảng 63.610 tỉ, không những không sinh lợi mà còn tạo ra khoản nợ khoảng 47.000 tỉ. Tổng KTNN lúc ấy là ông Hồ Đức Phớc , tiết lộ, con số “đại dự án” mất vốn, thua lỗ kiểu đó không phải 12 mà là… hơn 40 (2). Cũng vì vậy, một số người như ông Võ Trí Hảo – giảng viên đại học, mới cảnh báo: Cứu DNNN là xén bớt miếng bánh phúc lợi của người nghèo (3)!
Năm 2016, nợ của DNNN đã vọt lên mức 324 tỉ Mỹ kim, tương đương 158%… GDP (4). Đến lúc đó, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam mới thật sự nới tay, buông các DNNN để đẩy mạnh giải tư nhưng các chuyên gia kinh tế tiếp tục thất vọng bởi thay vì dùng nguồn tiền thu được từ giải tư để hỗ trợ tăng trưởng, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam lại rót nguồn tiền ấy vào các… DNNN khác!
***
Giờ, mục tiêu mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam xác định cách nay năm năm: Đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN thực chất và hiệu quả, đến 2020, sắp xếp 240 DNNN, cổ phần hóa 137 DNNN, thu về cho ngân sách 296 ngàn tỉ đồng để tạo tác dụng tích cực cho tăng trưởng (5) không chỉ phá sản mà còn khai mở một vấn nạn khác: Sau giai đoạn “hà hơi, tiếp sức”, giúp cả viên chức đảm nhận vai trò giám sát lẫn viên chức quản trị, điều hành DNNN cùng nhau trộm cắp công quỹ qua việc soạn thảo, phê duyệt, thực thi đủ loại dự án – ý tưởng thay đổi chức năng cơ bản và dài hạn của DNNN, thôi sử dụng DNNN như công cụ để nhà nước dẫn dắt nền kinh tế và các doanh nghiệp, nên cần bố trí nguồn lực, cách thức vận hành và cơ cấu sở hữu DNNN đã tạo điều kiện cho nhiều cá nhân cướp giật công sản, biến các DNNN trở thành tài sản hợp pháp của mình.
Chuyện ông Phạm Phú Quốc, chỉ quản trị, điều hành các DNNN nhưng dư giả tới mức có thể chi 2,5 triệu Mỹ kim để đổi quốc tịch của Cyprus, hay chuyện bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu Tổng giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang, tuy cùng thân nhân tận dụng cổ phần hóa thâu tóm cả Công ty Bóng đèn Điện Quang lẫn Công ty Nhựa Rạng Đông – hai DNNN trị giá hàng ngàn tỉ đồng – nhưng vẫn được cất nhắc, làm Thứ trưởng Công Thương gần tám năm… là hai ví dụ trong vô số trường hợp mà thiên hạ đã biết! Cho đến giờ này, trộm cắp rồi cướp giật công sản qua cổ phần hóa dẫu công nhiên, thiệt hại dẫu được xác định là đang tăng rất nhanh từ hàng chục tỉ, hàng trăm tỉ, hàng ngàn tỉ rồi hàng chục ngàn tỉ nhưng cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền Việt Nam vẫn thế, vẫn chỉ… cảnh báo và… khuyến cáo chứ không làm gì khác!
Định hướng XHCN đã cũng như đang gom công sản – mồ hôi, nước mắt, hiện tại, tương lai của nhiều thế hệ người Việt – đúc thành những tảng bê tông để nhiều cá nhân xây dựng… sự nghiệp cho gia đình, gia tộc của họ (6). Còn người Việt tiếp tục được khuyến khích thắt lưng, buộc bụng, được nhắc nhở phải biết chia sẻ khó khăn để… xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đảng và nhà nước chẳng để sót giới nào, kể cả bần cùng như những người chạy xe ôm cho nên mới có chủ trương nâng thuế thu nhập cá nhân từ 3% lên 10%!
Chú thích
(3) https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/cuu-dnnn-la-xen-bot-cua-nguoi-ngheo-305140.html
(4) https://www.thesaigontimes.vn/156693/No-tra-no-va-khung-hoang.html
(5) http://www.mpi.gov.vn/_layouts/MPIPortalCMS/InChiTietTin.aspx?idTin=37539