Một Hội Cựu giáo chức của một trường đại học nọ tổ chức lễ 20.11 để vinh danh… nhà giáo đã nghỉ hưu. Nhiều người dự lễ xong kháo nhau rằng, trong buổi lễ toàn những người nghỉ hưu mà cũng có biển đề chức danh đặt trước từng ghế: Nguyên Bí thư đảng uỷ, Nguyên Hiệu trưởng, Nguyên Hiệu phó, Nguyên Trưởng khoa. Không ai vinh danh công trạng thì tự vinh danh mình bằng cái bảng tên cho cái ghế mỗi năm đến ngày 20.11 được ngồi một lần?
Nghe kháo như vậy, tôi phải bật cười và hỏi: Giáo dục cộng sản hay giáo dục phong kiến vậy? Nghỉ hưu rồi mà chức vẫn còn nguyên? Thời phong kiến gọi là bậc tiên chỉ đấy! Nói hỗn với các cụ, lần sau mỗi khi được ngồi mâm trên thì nhớ thó cái đôi móng giò cho vào túi mang về cho đúng phong cách bậc tiên chỉ của làng Vũ Đại nhé!
Thảo nào, một lần đương kim Hiệu trưởng giao Trưởng phòng Tổ chức cán bộ in giấy mời mời “nguyên Hiệu trưởng” vào dự liên hoan cuối năm. Trưởng phòng Tổ chức cán bộ bị vị “nguyên” Hiệu trưởng điện thoại mắng te tát vì giấy mời ghi thiếu “nguyên” nhiều chức danh: “Bí thư Đảng uỷ, Nhà giáo ưu tú…”. Rồi dỗi, quyết không vào dự. Vậy là một suất ăn phải đổ… cho chó.
Mà cũng lạ. Có ghi vào giấy mời đủ nguyên cả ba chức thì cũng ăn chỉ được một suất chứ chẳng nhẽ ăn hết ba suất như phụ cấp lúc đương chức?
Thì ra cái chức “nguyên” nó quan trọng đến vậy, cho nên Anh Cả mới có sáng kiến “cách chức nguyên” lãnh đạo vi phạm. Dư luận cười chứ tôi thấy rất thâm. Mất “nguyên” cái chức là mất cái đôi móng giò mỗi khi ra đình ăn cỗ đấy chứ!
Đấy, Việt Nam còn lâu mới có nền giáo dục khai phóng hay chí ít là cộng sản đúng nghĩa. Vẫn là giáo dục phong kiến đặc sệt từ trong máu của lãnh đạo cộng sản. Họ tự lấy họ làm trung tâm chứ không có chuyện lấy người học hay người dân làm trung tâm. Họ tuyên bố lấy chủ nghĩa Marx làm kim chỉ nam cho hành động: đấu tranh chống phong kiến, chống tư sản, đến mức một thời từng “đào tận gốc, trốc tận rễ” những gì hủ bại của chế độ phong kiến để lại, nhưng cái đầu của họ còn phong kiến hơn cả phong kiến. Vẫn cái bệnh có chức thì cứ đòi phải được trọng vọng, được ăn trên ngồi trốc, quyết không chịu đối xử bình đẳng với nhau. George Orwell mà còn sống cũng phải bật cười lần nữa khi đọc lại tiểu thuyết Trại súc vật của mình, rằng mọi con vật sinh ra đều bình đẳng, nhưng có những con vật được đối xử bình đẳng hơn.
Truy lại 15 điều trong Hiến chương nhà giáo mà các lãnh đạo công đoàn cộng sản đưa ra tại Hội nghị Warszawa (1949), có điều nào nói khôi phục tinh thần “Tôn sư trọng đạo” của giáo dục phong kiến, tức tôn cái ghế “nguyên” đâu hè? Hiệp ước này đòi tự do, bình đẳng giữa nhà giáo với nhà giáo, giữa nhà giáo với người học, và đặc biệt chỉ đề cao trách nhiệm của chính quyền đối với nhà giáo, của nhà giáo đối với sự phát triển cá tính của trẻ em. Xa hơn, chủ nghĩa Marx còn đòi lật đổ hoàn toàn tôn ti luận phong kiến, đánh bật gốc thói háo danh và hám lợi của kẻ thống trị chứ có chỗ nào nói “nguyên” lãnh đạo thì được suy tôn thành bậc tiên chỉ để được ăn trên ngồi trốc?