Hà Nguyên – (VNTB) – Nếu gọi là ‘trong vòng pháp luật’, thì đó là pháp luật gì trong hệ thống luật pháp Việt Nam? Hay là đó là kiểu của luật pháp định hướng xã hội chủ nghĩa?
Mới đây, nhân việc đóng góp ý kiến cho dự thảo văn kiện đảng lần thứ 13, luật sư Hà Huy Sơn có đề xuất “Luật về sự lãnh đạo của đảng với nhà nước và xã hội”, cho thấy hóa ra lâu nay tổ chức Đảng vận hành không chịu sự chế tài của bất kỳ văn bản luật nào hết.
Về lý thuyết mà sinh viên trường luật được học, thì để nhân danh Nhà nước, chỉ có thể là Quốc hội với quyền lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề lớn của đất nước; là Chính phủ với quyền hành pháp; Là Tòa án với quyền tư pháp.
Những cơ quan Bộ, Tỉnh, Huyện, Xã chỉ là những cơ quan hành pháp với chức năng là tổ chức việc thi hành hiến pháp, luật pháp. Ngay cả cơ quan hành chính nhà nước cao nhất là Chính phủ cũng không được phân quyền hoặc ủy quyền gì của Quốc hội trong việc ban hành các qui định lập pháp.
Những gì cấm dân, những gì cán bộ được làm đều do Quốc hội qui định. Thậm chí việc Chính phủ cụ thể hóa những qui định về cấm làm và được làm trên đây cũng chỉ được tiến hành khi được Quốc hội giao trong từng luật. Đây là ranh giới đỏ, bất cứ cán bộ hành pháp nào vượt qua đều bị coi là lạm quyền, phải dừng lại, thậm chí bị trừng phạt.
Thế nhưng với hoạt động của các cơ quan Đảng, ví dụ như Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ban Bí thư thì chịu sự giới hạn quyền lực được ghi trong luật nào?
Theo quy định của Đảng năm 2011, đối với các chức danh thuộc Nhà nước và các đoàn thể cấp trung ương, Ban Chấp hành Trung ương giới thiệu 3 chức danh: Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ để Quốc hội bầu; “tham gia ý kiến” về nhân sự Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội và các thành viên Chính phủ.
Trong khi Bộ Chính trị giới thiệu các chức danh thuộc diện Bộ Chính trị quản lý để Chính phủ trình Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội bầu. Ban Bí thư giới thiệu các chức danh thuộc diện Ban Bí thư quản lý để Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm; Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội bầu.
Cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị quản lý hầu hết là ủy viên trung ương trở lên, còn cán bộ Ban Bí thư quản lý thường dưới một cấp hoặc thủ trưởng thuộc cơ quan, tổ chức ít quan trọng hơn. Do nhiều cán bộ đảm nhiệm nhiều cương vị nên nhiều cán bộ vừa thuộc Bộ Chính trị vừa thuộc Ban Bí thư quản lý.
Với những nội dung về quyền lực ở trên, cho thấy Đảng không chọn cầm quyền bằng pháp luật, mà tiếp tục dựa vào đức để cầm quyền – bởi vậy nên Điều 4.1, Hiến pháp 2013 mới viết rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
“Chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh” không phải là luật pháp, mà đó chỉ có thể coi là vấn đề của nền tảng đạo đức giai cấp. Như vậy, để tránh những suy diễn của ‘thế lực xấu’, cần thiết bằng các quy định ở những văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất là Luật, trong công nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội; công nhận sự hoạt động hợp pháp của các tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên.
Bằng không, giả dụ có ai đó nhận xét thuần ‘nghĩa đen’, là “Đảng tiếp tục tự đặt mình ra ngoài vòng pháp luật”, thì điều ấy quả tình không nên bị quy chụp là ‘phản động’, vì nó phù hợp với định chế “dân được làm tất cả những gì luật pháp không cấm”!