Cứ cờ đến tay ai người đó phất thôi…

"Cứ cờ đến tay ai người đó phất thôi”.
- Quảng Cáo -

Hà Nguyên – (VNTB)

“Liên quan đến lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, những ai không vào Trung ương khóa này thì phải kiện toàn”.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã cho báo chí biết như vậy ngay sau khi kết thúc phiên họp ngày 23-2-2021 của Thường vụ Quốc hội về chương trình kỳ họp thứ 11.

Phát biểu trên có nghĩa là bất kỳ quan chức nào nếu đã không ‘lọt’ vào danh sách Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII gồm có cả thảy 180 vị, thì cũng phải được miễn nhiệm ngay về các chức danh lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

- Quảng Cáo -

Dĩ nhiên trong chuyện việc Đảng buộc phải ‘miễn nhiệm/ bãi miễn’ kiểu như nói trên là công khai vi phạm Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Quốc hội 2014.

Một vài dẫn chứng về chuyện vi Hiến và vi phạm pháp luật của Bộ Chính trị – cơ quan quyền lực tối cao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII:

Hiến pháp năm 2013, tại Điều 69, ghi: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”.

Điều 71 của Hiến pháp 2013, ghi: “1. Nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội là năm năm. 2. Sáu mươi ngày trước khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Quốc hội khóa mới phải được bầu xong”.

Như vậy, nếu tuân thủ đúng quy định, sẽ không có việc những lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nào ở hiện tại không vào danh sách 180 vị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII buộc phải ‘thay giữa dòng’, vì đến nay vẫn chưa biết ai sẽ ứng cử cho Quốc hội khóa XV mà có thể quyết định chức danh để gọi là “Quốc hội khóa mới phải được bầu xong”.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, đương kim Chủ tịch Quốc hội ở hiện tại. Bà Ngân không nằm trong danh sách 180 vị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, nên vào cuối tháng 3-2021 này, bà buộc phải rời ghế chủ tịch, nhưng vẫn là đại biểu Quốc hội. Người sẽ thay bà Ngân là một vị được Đảng chọn trong danh sách 180 vị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

“Các lãnh đạo không vào Trung ương khóa này thì phải có người thay. Riêng hai vị trí của phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ và chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – an ninh Võ Trọng Việt, hai nhân sự dự kiến thay thế hiện chưa phải đại biểu Quốc hội, do đó phải đợi đến Quốc hội nhiệm kỳ mới”, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng có thông tin như vậy.

Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, tại Điều 2 “Nhiệm kỳ Quốc hội”, ghi:

“1. Nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội là 05 năm, kể từ ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa đó đến ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá sau.

2. Sáu mươi ngày trước khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Quốc hội khoá mới phải được bầu xong.

3. Trong trường hợp đặc biệt, nếu được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thì Quốc hội quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của mình theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Việc kéo dài nhiệm kỳ của một khóa Quốc hội không được quá 12 tháng, trừ trường hợp có chiến tranh”.

Điều 8.1 của Luật Tổ chức Quốc hội, “Bầu các chức danh trong bộ máy nhà nước”, quy định: “Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội trong số các đại biểu Quốc hội theo danh sách đề cử chức vụ từng người của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa trước”.

Xem ra câu quen thuộc lâu nay rằng “Đảng cử – Dân bầu” hiện không còn đúng nữa, mà thực chất là “Đảng cử – Đảng quyết luôn” mà không cần đến những trình tự của luật định.

Nói thêm, ở phiên họp sáng ngày 23-2, bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, người cũng sắp rời ghế, đã có phát biểu rất bỗ bã:

“Đây là khóa đầu tiên mà các đồng chí chủ chốt của Quốc hội nghỉ cả, đề nghị chúng ta kiện toàn đảm bảo số lượng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để họp. Tôi đề nghị chúng ta nên kiện toàn lãnh đạo trước. Lúc đó, bầu xong có hiệu lực, người đó là Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Quốc hội có quyền ký các văn bản rồi, cứ cờ đến tay ai người đó phất thôi”.

- Quảng Cáo -