LS Lê Văn Luân
Chúng ta hẳn vẫn nhớ hàng loạt những cái “tự nguyện” bắt buộc như tự nguyện đóng quỹ cho xã, tự nguyện đóng quỹ cho trường, tự nguyện làm mặt mình bị thương bởi dùi cui… những cái tự nguyện của sự cưỡng đoạt ý chí bởi “tập thể” và quyền lực.
Kẻ nào còn bênh vực những trò lố bởi các dòng chữ viết này đều là những kẻ một giuộc hoặc chúng cũng chẳng khá hơn gì. Sau khi xảy ra chuyện những loại đơn từ tự nguyện này mới xuất hiện để chúng trốn tránh trách nhiệm cho việc làm sai trái của mình.
Chủ nghĩa tập thể luôn đặt nó lên trên tất cả mọi giá trị con người, những cá nhân buộc phải thuận nguyện, và khi cá nhân nào đi ngược lại sẽ bị tập thể đó ghẻ lạnh, cô lập và rồi tiến tới “nghiền nát” không thương tiếc.
Sống ở làng, xã, ai cũng sợ mình không được đưa vào hộ nghèo (thật đau đớn thay cái nghèo cũng là một cơ hội), ai cũng sợ giấy tờ không được chứng thực, ai cũng sợ con em mình bị trù ép khi đến trường… và tập thể đó trở thành một bóng ma nhưng rất cụ thể thông qua những bộ mặt người trong làng xã.
Nhìn những con người như bị bỏ quên trong cuộc sống, chỉ cho đến khi bị thiên nhiên lật dậy người ta mới thấy cảnh sống khốn khổ của cả triệu người, và sau đó họ lại được nhắc tên một lần nữa bởi những kẻ tự cho mình quyền nhân danh quyền lực dưới cái bóng “tập thể” để cướp của dân. Họ được người ta biết đến bởi thiên nhiên đang giận dữ và cả những kẻ chực chờ cướp lấy phần sống ít ỏi được chia sẻ của họ.
Kẻ nào còn tin những cái chết tự nguyện, những sự ở lại hay ra đi tự nguyện trong một tổ chức, những sự nộp tiền tự nguyện “ngoài sổ sách” từ những kẻ có quyền chức, những sự tự nguyện đi rót bia tiếp khách vì nhiệm vụ, những sự tự nguyện “đổi chác” để được biên chế, những sự tự nguyện đóng tiền vào các loại quỹ ở trường học, ở làng xã, những sự tự nguyện để cho người khác đánh mắng hay bức áp đến cảnh cùng cực, những sự tự nguyện phải rút đơn tố cáo hay khởi kiện, những sự tự nguyện đi bầu một ứng cử viên duy nhất vào chức vị nào đó…?
Thật đau đớn và xót xa, nên tôi không dám nhìn cảnh những người dân khắc khổ lần lượt lên nhận tiền ở những sân kho, nhà văn hoá ở những nơi mà họ đang phát tiền cho. Nó ám ảnh và thật sự ăn mòn tôi vì cái thân phận của họ hiển hiện lên rõ nét quá. Bị đoạt mất rồi lại phải vui vẻ viết đơn tự nguyện nộp tiền cho kẻ có sức mạnh.
Đã quá nhiều năm từ trước, mỗi lần thiên tai, người dân nhiều nơi bị thu lại tiền hoặc bị đòi lại phần lớn số tiền được từ thiện ngay sau khi nhà hảo tâm trao cho và đi khỏi đó. Nó là một thực tế quá tàn nhẫn cho các thân phận bị bỏ quên và bị áp bức ở xứ sở này.
FB Luân Lê