Câu hỏi đặt ra là làm sao người dân miền Trung có thể sống được với lũ như đã từng sống bao đời qua mà giảm thiểu được tối đa thảm họa như hiện nay nếu bước đầu tiên không phải là dẹp dần các loại thủy điện “cóc” và khôi phục lại rừng phòng hộ thượng nguồn?
Điều này nằm trong tầm tay của mọi cấp chính quyền nếu coi sinh mạng và tài sản của người dân là ưu tiên phải giải quyết.
Cả nước đang hướng về miền Trung. Chỉ trong 3 tuần lễ tính từ ngày 5 đến 25 tháng Mười, trận lũ lụt đã giết chết 130 người, 18 người vẫn đang mất tích bao gồm 12 người tại Thủy điện Rào Trăng 3. Hơn 900 căn nhà bị hư hại, trong đó thiệt hại nặng nề nhất là Quảng Nam (210 căn nhà), Quảng Bình (129 căn nhà), Quảng Trị (175 căn nhà) và Quảng Ngãi (161 căn nhà). Hiện có nhiều đoàn cứu trợ từ miền Nam và cả từ miền Bắc liên tục ra vào các khu vực bị lũ lụt để cứu trợ các gia đình nạn nhân. Qua những chia xẻ trên mạng xã hội của các đoàn cứu trợ, người ta đã thấy tận mắt những hình ảnh bi thảm của trận lũ lụt để lại sau khi nước rút đi.
Nhưng theo tin tức thì miền Trung có thể sẽ phải hứng chịu thêm cơn bão mới số 8 và 9 từ biển Đông tràn vào trong những ngày sắp tới.
Tại sao miền Trung luôn luôn bị bão lụt như vậy?
Miền Trung: Trời hành cơn lụt mỗi năm
Miền Trung là nơi mà hàng năm thường hứng chịu nhiều trận lũ lụt. Mùa mưa bão thường kéo dài từ tháng Bảy đến đầu tháng Mười Một và trung bình có từ 5 đến 8 trận bão mỗi năm.
Biển Việt Nam là vùng biển nhiệt đới chịu ảnh hưởng của gió mùa. Gió mùa Đông thổi theo hướng Đông Bắc mang hơi lạnh đến Việt Nam từ tháng Mười Một năm trước đến tháng Tư năm sau. Gió mùa Hè mang hơi nóng ẩm từ Ấn Độ Dương thổi qua theo hướng Tây Nam từ tháng Năm đến tháng Mười hàng năm.
Sau thời gian nắng nóng kéo dài do gió Tây Nam thổi qua, nhất là nửa sau mùa Hè (tháng Bảy đến tháng Mười) thì nguồn nước từ biển Đông bốc lên cao tạo ra nhiều rãnh áp thấp. Rãnh áp thấp là dãi thời tiết xấu được hình thành do sự hội tụ của hai luồng gió tín phong (trade wind) chủ yếu theo chiều Đông Bắc – Tây Nam (Bắc Bán Cầu) hoặc Đông Nam – Tây Bắc (Nam Bán Cầu) trong những miền cận xích đạo.
Đó là nguyên nhân phát triển thành áp thấp nhiệt đới và hình thành nên những cơn bão. Và với sự biến đổi khí hậu càng gia tăng, làm mặt biển nóng hơn, thì những vùng biển nhiệt đới gió mùa như Việt Nam hơi nước sẽ bốc lên nhiều hơn, biến số lượng những tâm áp thấp mạnh lên thành bão nhiều hơn.
Theo một số nghiên cứu khoa học thì nguyên nhân chính của trận lũ lụt xảy ra ở miền Trung là do các cơn bão được hình thành từ biển Đông và gió mùa Đông Bắc dựa vào đặc điểm thời tiết miền Trung rất phù hợp để hình thành con đường di chuyển của bão.
Khi những trận bão từ biển Đông kéo vào và bị rặng Trường Sơn phía Đông ngăn cản không thể vượt qua phía Tây Trường Sơn nên miền Trung vừa bị hứng những cơn mưa lớn lại vừa chịu những cơn lũ đổ xuống từ Trường Sơn Đông.Vì thế các tỉnh miền Trung trở thành nơi hứng chịu những thiên tai từ thiên nhiên là điều khó tránh khỏi.
Người dân miền Trung từ lâu đã quen thuộc với cảnh “Tháng Bảy nước nhảy lên bờ” vì “Trời hành cơn lụt mỗi năm” mà trong ca khúc “Tiếng Sông Hương,” nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã viết câu ca này để nói lên cảnh lũ lụt tại Huế nói riêng và miền Trung nói chung. Có người còn ví von rằng: “Bão lụt là đặc sản của miền Trung,” hoặc ta thán “làm lụng vất vả, dành dụm, rồi cuối năm đem dâng cho Hà Bá.”
Thật vậy, với bờ biển dài 1.200 cây số và có dãy Trường Sơn chạy suốt theo bờ biển, hầu như năm nào cũng đều bị “trời hành cơn lụt,” không Bắc Trung Bộ thì Trung Trung Bộ hoặc Nam Trung Bộ, không lớn thì nhỏ mà những trận lụt lịch sử gây nhiều tổn thất về nhân mạng và tài sản.
Trong khoảng 120 năm vừa qua, người miền Trung không thể nào quên những trận lũ lụt lịch sử vào các năm: 1904 (Giáp Thìn) hay còn gọi là “lụt năm Thìn;” năm 1953; năm 1964 (cũng năm Giáp Thìn); năm 1983; năm 1999 – trận lụt này đã làm ngập trắng 10 tỉnh, thành và khiến 595 người chết, thiệt hại tổng cộng hơn 3.773 tỷ đồng, nó được xem là trận lụt lớn nhất xảy ra tại Việt Nam từ trước đến thời điểm đó; năm 2007 miền Trung chịu liên tiếp sáu trận lũ chồng lên lũ từ đầu tháng Mười đến giữa tháng Mười Một; năm 2008; năm 2010; năm 2011; năm 2013… và trận lũ lụt năm nay 2020 vẫn còn đang tiếp diễn trên diện rộng từ Phú Yên đến Hà Tỉnh.
Nguyên nhân trận lũ lụt hiện nay
Theo một số chuyên gia khí tượng thì đợt mưa kỷ lục năm 2020 do ảnh hưởng của La Niña, kết hợp của hai hình thái thời tiết là không khí lạnh và áp thấp nhiệt đới nên Biển Đông liên tục đón bão trong thời gian qua.
Trong những năm có La Niña, mưa bão thường xuất hiện dồn dập vào cuối năm. Ngoài ra, tác động của biến đổi khí hậu cũng khiến các hiện tượng thời tiết ngày càng trở nên cực đoan; mà cụ thể, chỉ trong gần 2 tuần, khu vực biển Đông đón liên tiếp hai đợt không khí lạnh. Ngoài ra, sườn phía đông của dãy Trường Sơn cũng đón một luồng gió mùa Đông Bắc đem hơi ẩm từ trên cao lục địa vào đất liền. Tiếp đó, bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện dồn dập, mang nước từ Biển Đông vào cũng gây mưa.
Còn theo ông Trần Quang Năng, Trưởng Phòng Dự Báo Thời Tiết (Trung Tâm Dự Báo Khí Tượng Thủy Văn Quốc Gia), lượng mưa này dù không quá lớn nhưng vẫn gây nguy cơ lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi phía Tây do đất đai đều đã ngấm nước, lũ ở nhiều nơi chưa kịp rút hết.
Giáo Sư Nguyễn Ngọc Lung, chuyên gia ngành lâm nghiệp Việt Nam cho rằng lũ lụt, sạt lở ngày càng trầm trọng là do mất rừng. Rừng nhiệt đới có nhiều tầng, có cây 40-50m, dưới còn có thảm thực vật và các tầng cây khác. Nếu lượng mưa không lớn, nước chỉ ở trên tầng các lá cây, thậm chí không rơi được xuống đất. Còn khi nước mưa xuống đất, đã có lớp đầu thảo mục (cành, lá cây mục…) sẽ giữ nước tới 80-90% và ngấm dưới đất tạo thành mạch nước ngầm. Còn nước mặt 10-20% là lượng nhỏ, ít có khả năng gây lũ ống, lũ quét cho con người. Cũng theo ông, với các loại rừng khác, chỉ có tác dụng cản lũ và giữ nước khoảng 20-50% so với rừng tự nhiên.
Mặc dù miền Trung là nơi “trời hành cơn lụt mỗi năm” nhưng trước đây hầu như người ta không nghe thấy tình trạng lũ quét, sạt lở đất trên thượng nguồn dù có mưa lũ lớn. Hiện tượng này chỉ bắt đầu xảy ra từ những năm cuối thập niên 1990 đến nay, sau khi nạn phá rừng đầu nguồn để khai thác gỗ, phát triển nông nghiệp,… một cách vô tội vạ ngày càng lan rộng trên khắp vùng Tây Nguyên, cũng như hàng loạt đập thủy điện được xây dựng trên thượng nguồn các con sông tại miền Trung. Vì vậy nguyên nhân chính khiến gây nên những trận lũ quét và sạt lở ngày càng trầm trọng thường được nhắc đến là nạn phá rừng, xây đập thủy điện, khai thác sỏi cát trên các con sông…
Nạn phá rừng
Theo Tổ chức Lương Nông Quốc Tế (FAO), Việt Nam là nước có tỉ lệ phá rừng nguyên sinh đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Nigeria. Nguyên nhân là do sự yếu kém và tham nhũng trong công tác bảo vệ rừng, sự thông đồng, cấu kết, tiếp tay, chia chác của các giới quan chức nhà nước cũng như lực lượng kiểm lâm đã tiếp tay cho lâm tặc chặt phá rừng.
Các hình thức phá rừng ngày càng tinh vi và trắng trợn mà theo ông Hà Công Tuấn, Thứ Trưởng Thường Trực Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn cho rằng do phá rừng để xây dựng thủy điện, thủy lợi, giao thông và các công trình tái định canh định cư. Điều này đã gây bất bình trong dư luận nhưng lại bị nhà cầm quyền cố tình bỏ lơ. Diện tích hệ sinh thái rừng tự nhiên trên khắp cả nước bị suy giảm một cách nghiêm trọng. Trong đó, theo con số thống kê còn cho biết độ che phủ rừng chỉ còn nằm trong con số là chưa đầy 40%. Diện tích mặt hệ sinh thái rừng nguyên sinh chỉ còn khoảng 10%.
Theo thống kê mới nhất của Cục Kiểm Lâm Việt Nam thì trong 9 tháng đầu năm 2017 có khoảng 155,68 ha rừng bị chặt phá và khoảng 5.364,85 ha rừng bị cháy. Riêng năm 2019, diện tích rừng bị thiệt hại là 3.312,6 ha, gấp 2,9 lần năm 2018, trong đó diện tích rừng bị cháy là 2.716,5 ha, gấp 4,7 lần; diện tích rừng bị chặt phá là 596,1 ha, tăng 6,6%. Mặc dù nhà cầm quyền nỗ lực trồng mới rừng từ năm 1996 đến nay nhưng những nỗ lực này không thấm vào đâu so với tỷ lệ rừng tự nhiên trong tổng diện tích rừng bị phá. Các quan chức còn sai lầm khi nghĩ trồng cây phục vụ kinh tế có thể thay thế rừng, mà không biết rằng cây trồng không thể thay thế thảm rừng trong việc ngăn lũ.
Thủy điện
Theo Bộ Công Thương Việt Nam, hiện nay trên cả nước có đến 825 dự án thủy điện. Trong đó đã đưa vào sử dụng 385 dự án và đang nghiên cứu đầu tư 290 dự án.
Vì cho phép chính quyền cấp tỉnh phê duyệt các dự án thủy điện nhỏ hay còn gọi là thủy điện “cóc,” thì khắp nơi hiện tượng thủy điện “cóc“ mọc lên như nấm sau mưa, đặc biệt tại các tỉnh miền Trung.
Riêng toàn khu vực miền Trung và Tây Nguyên có 54 thủy điện bậc thang (7.025 MW) và 156 thủy điện nhỏ (1.565 MW) đang khai thác; 11 dự án bậc thang (704 MW) và 72 dự án thủy điện nhỏ (859 MW) đang thi công xây dựng.
Cụ thể là trong một đoạn thượng nguồn chưa đầy 30 km và dốc trên sông Bồ thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, Thừa Thiên-Huế đã có đến 4 thủy điện “cóc” là A Lin B1, B2, Rào Trăng 4, Rào Trăng 3. Chỉ riêng một nhóm thủy điện “cóc“ này, rừng phòng hộ đã mất đi hơn 200ha trong vùng lõi của rừng quốc gia Phong Điền, thì với 825 dự án thủy điện nêu trên cũng đã góp phần đáng kể vào nạn phá rừng nguyên sinh thượng nguồn từ miền Bắc đến miền Trung, mà theo thông tin truyền thông nhà nước, đã có hơn 50.000 hecta rừng bị tàn phá.
Thủy điện “cóc“ là loại thủy điện ít vốn, công xuất nhỏ, không sản xuất được bao nhiêu điện năng, không có chức năng điều tiết lũ, mưa là xả, tạo ra lũ chồng lũ, góp phần tạo nên những thảm họa lũ lụt hạ nguồn, nhưng lại được phá rừng hợp pháp và khai thác khoáng sản, lại vừa đáp ứng chỉ tiêu kinh tế của địa phương dâng lên trung ương. Phá rừng lấy gỗ bán và khai thác khoáng sản là nguồn lợi chính vô cùng to lớn của chủ đầu tư và quan chức chính quyền địa phương.
Rừng bị tàn phá dẫn đến tình trạng lũ quét, sạt lở làm trầm trọng thêm các cơn lũ lụt, nhất là trong các lưu vực dốc và hẹp như ở miền Trung. Bởi khi cây cối có khả năng giữ nước, giữ đất bị chặt phá khiến thảm thực vật trên lưu vực ngày càng giảm dẫn đến khả năng cản dòng chảy kém; làm cho tốc độ di chuyển của mưa lũ cùng đất đá bị cuốn đi nhanh hơn, gây hậu quả nặng nề hơn.
Theo Tổng Cục Phòng Chống Thiên Tai, thì nạn phá rừng, xây thủy điện là nguyên nhân chính của lũ quét, sạt lở đất. Thống kê cho thấy từ năm 2010 đến 2019 đã xảy ra 260 trận lũ quét, sạt lở đất ảnh hưởng tới các vùng dân cư, làm chết và mất tích 910 người, thiệt hại về kinh tế ước tính hàng chục nghìn tỉ đồng.
Lũ lụt miền Trung: Trách nhiệm của ai?
Mưa bão là hiện tượng thiên nhiên. Người dân miền Trung đã hứng chịu lũ lụt hàng năm quen rồi vì địa hình và thay đổi khí hậu hàng năm. Tuy nhiên, hiện tượng sạt lở, đi cùng với những trận xả lũ vô tội vạ của các đập thủy điện là nguyên nhân chính đưa đến thảm kịch to lớn cho những trận lũ lụt gần đây.
Câu hỏi đặt ra là làm sao người dân miền Trung có thể sống được với lũ như đã từng sống bao đời qua mà giảm thiểu được tối đa thảm họa như hiện nay nếu bước đầu tiên không phải là dẹp dần các loại thủy điện “cóc” và khôi phục lại rừng phòng hộ thượng nguồn?
Điều này nằm trong tầm tay của mọi cấp chính quyền nếu coi sinh mạng và tài sản của người dân là ưu tiên phải giải quyết.
Vấn đề quan trọng là những người lãnh đạo đất nước có nhìn ra điều nguy hiểm của lề lối quản lý đất nước theo kiểu tư duy nhiệm kỳ “ăn xổi ở thì” ở các địa phương. Họ chỉ quan tâm đến chuyện vơ vét vào túi riêng qua những dự án gọi là “phát triển kinh tế – xã hội,” nhưng thực chất trút tai họa lên đầu người dân. Thảm họa lũ lụt tại miền Trung hiện nay là trách nhiệm của bộ máy đảng và chính quyền của các tỉnh: Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh…
Đã đến lúc người dân miền Trung phải đứng lên đòi hỏi những nguyện vọng chính đáng của mình vì cuộc sống hôm nay và các thế hệ mai sau./.
#lũlụtmiềntrung #nạnphárừng #thủyđiệncóc