Đồng bộ chính sách, điều mà ĐCS chưa bao giờ làm được

- Quảng Cáo -

Đỗ Ngà|

Muốn doanh nghiệp sống thì phải có doanh số, muốn doanh nghiệp phát triển phải nâng cao doanh số. Nói chung ngành sản xuất hay thương mại gì thì đầu ra cho hàng hóa luôn là yếu tố quyết định tính sống còn của doanh nghiệp. Đó là nguyên tắc cơ bản cho mọi doanh nghiệp và nó cũng là nguyên tắc mà người đứng đầu chính phủ cần phải hiểu để ra chính sách.

Ai cũng biết, giá thành sản phẩm quyết định rất lớn đến việc tăng và duy trì doanh số cao. Vì vậy việc ra chính sách của chính phủ cũng phải nhắm vào điều đó để làm sao kích cho doanh nghiệp lớn mạnh. Công cụ mà chính phủ dùng để điều tiết giá thành sản phẩm cho mọi loại hàng hóa trong một đất nước, đó chính là thuế. Nếu chính phủ tăng thuế thì tất giá thành sản phẩm tăng, mà giá thành sản phẩm tăng thì doanh số giảm, mà doanh số giảm thì cơ hội phát triển doanh nghiệp bị bóp nghẹt. Điều này dẫn tới kết quả hoặc doanh nghiệp chậm lớn hoặc không lớn nổi hoặc thậm chí dẫn đến phá sản.

Năm 2017, tổng thu từ nguồn thuế của Việt Nam là 23,8% GDP, cao thứ 3 thế giới chỉ sau EU và Trung Cộng. Với các nước EU, họ thu thuế để tái phân phối phúc lợi, vả lại các doanh nghiệp của EU hầu hết là những cây lớn hoặc đại thụ rồi dễ dàng trụ vững trước gió, vì vậy thuế cao vẫn không bẻ được họ. Còn Trung Cộng thì sao? Những doanh nghiệp đầu tàu của Trung Cộng cũng là đại thụ hết rồi, họ đánh thuế cao thì nó vẫn vững. Còn Việt Nam thì sao? Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là tí hon, rất yếu nên chỉ cần có gió hơi mạnh là đã ngã, vậy thì tại sao chính quyền CS duy trì mức thuế cao hàng vào top đầu thế giới để làm gì? Để phát triển nền kinh tế ư? Vô lý. Vậy thì họ duy trì thuế cao làm gì? Chỉ có cách giải thích duy nhất, là để nuôi bộ máy tham nhũng khổng lồ, hết.

- Quảng Cáo -

Với đất nước nghèo như Việt Nam mà đặt hàng rào thuế quá cao thì doanh nghiệp gần như không lớn nổi, đó là thực tế. Và ngành công nghiệp ô tô là một trong những ngành chịu hậu quả nặng nề do chính sách thuế bất hợp lý mà chính quyền CS mang lại. Mỗi chiếc ô tô dù cho lắp ráp trong nước hay nhập khẩu từ nước khác thì đều có giá gấp 2 đến 3 lần giá xe ở các nước có mức thuế phí hợp lý. Với giá bán như vậy thì các doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất ô tô tại Việt Nam làm sao nâng cao doanh số được? Mà không nâng cao doanh số thì tất nhiên doanh nghiệp ấy chỉ quanh quẩn lắp ráp cầm chừng chứ không thể đầu tư để phát triển. Đổ tiền ra đầu tư mà doanh số không tăng thì ai dám? Tại sao CS không nghĩ ra điều này?

Dân số Thái Lan hiện nay gần 70 triệu, còn dân số Việt Nam là 100 triệu, thế nhưng thị trường ô tô Việt Nam rất bé, tính loại xe Toyota Vios là loại bán chạy nhất thị trường Việt Nam thì doanh số của nó cũng chỉ bằng 1/8 so với Thái. Lý do tại sao? Về cơ bản thì có 2 lý do: thứ nhất, người Thái giàu hơn người Việt Nam; Thứ nhì thuế Việt Nam cao hơn Thái. Với đất nước nghèo, doanh nghiệp yếu thì lẽ ra chính quyền CS phải giảm thuế để các doanh nghiệp tăng doanh số chứ? Nhưng không, họ vẫn bóp suốt nhiều thập kỷ và đến nay, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam xem như hoàn toàn thất bại cho mục tiêu này.

Hiện nay một chiếc ô tô từ nước ngoài chui vào được Việt Nam thì phải chịu từ 4 đến 5 tầng thuế chính: Thứ nhất, thuế nhập khẩu với 70% cho ngoài khu vực ASEAN và 0% cho khu vực ASEAN; Thứ nhì là thuế tiêu thụ đặc biệt từ 40 đến 150% tùy theo loại xe và dung tích xy lanh máy; Thứ ba là thuế VAT 10% của giá xe sau khi cộng thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt (tức thuế chồng thuế); Thứ tư là thuế thu nhập doanh nghiệp 22%; Thứ năm là trước bạ từ 10% đến 12% tính trên giá niêm yết. Ngoài 5 tầng thuế ấy thì xe ô tô ở Việt Nam còn cõng thêm một số loại phí mà khi xe ra bảng số là lăn bánh phải đóng, trong đó có nhiều phí rất vô lý như “phí bảo trì đường bộ” khoảng 1,5 triệu/năm, trong khi đó dân phải đóng tiền “mua đường” cho BOT đều đặn.

Như vậy xe nhập khẩu ngoài ASEAN và xe sản xuất trong ASEAN khác nhau thuế nhập khẩu, còn mọi loại thuế khác đều không thay đổi. Vậy nên nếu nói thuế nhập khẩu ngăn xe từ ngoài ASEAN vào thì với lộ trình giảm thuế nhập khẩu trong khối ASEAN về 0% xe sản xuất trong nước không có sức cạnh tranh với xe nhập khẩu từ ASEAN nữa rồi. Chính vì thế đã có một số doanh nghiệp từng lắp ráp cũng phải đóng cửa nhà máy và chọn cách nhập khẩu xe từ các nước ASEAN để bán có lợi hơn. Lý do tại sao vậy?

Để biết lý do thì ta bắt đầu từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi đó ĐCS đã đặt mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô nhưng lại dùng thuế nặng đánh vào ô tô bóp nghẹt doanh số ở đầu ra của doanh nghiệp. Vì doanh số quá nhỏ nên không một doanh nghiệp ô tô nào phát triển nổi, vì vậy gần 30 năm mà tỷ lệ nội địa hóa không thể nâng lên được. Điều này kéo theo những doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ trợ không thể hình thành mà phát triển nổi, bởi đơn giản đầu ra của họ chính là đầu vào của doanh nghiệp sản xuất ô tô. Doanh số ô tô thấp thì làm sao doanh nghiệp phụ trợ nâng doanh số được? Mà không có doanh số thì không doanh nghiệp nào phát triển nổi.

Chỉ khi doanh số lớn thì giá thành sản phẩm mới hạ được, điều này là hiển nhiên ai cũng biết. Cũng nhà máy đó nếu sản xuất 1 triệu sản phẩm thì giá thành tất nhiên thấp hơn chỉ sản xuất ra 1 ngàn sản phẩm. Vậy khi doanh số bị bóp thì tất giá thành sản xuất bị đẩy lên cao ngất ngưởng, mà giá thành sản xuất cao nên buộc doanh nghiệp phải hy sinh lợi nhuận để hạ giá bán sản phẩm ngang bằng với hàng hóa cùng loại nhập khẩu từ các nước ASEAN, vậy thì lắp ráp không lợi bằng nhập khẩu. Và đó là lý do tại sao nhiều doanh nghiệp lắp ráp có lúc họ không lắp ráp nữa mà chuyển sang nhập khẩu. Hiện nay các doanh nghiệp phụ trợ ngành ô tô Việt chỉ sản xuất những chi tiết thô sơ chất lượng thấp nhưng giá thành lại đắc gấp 2 đến 3 lần chi tiết cùng loại trong khu vực. Lý do thì ai cũng biết! Doanh số.

Việc duy trì thuế đánh lên ô tô cao từ nhiều năm nay được chính quyền CS giải thích là “chống kẹt xe”. Thế nhưng thực tế dù có dùng thuế cao hạn chế doanh số thì các thành phố lớn vẫn kẹt xe như thường. Vấn đề kẹt xe ở đây là hạ tầng giao thông không đáp ứng chứ không phải chỉ là do ô tô. Thực chất thuế cao là để chính quyền CS có đủ tiền để nuôi tham nhũng chứ chẳng phải “chống kẹt xe” gì cả. Và đến nay, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam gần như không còn cơ hội nữa khi mà hàng rào thuế nhập khẩu trong khối ASEAN đã dỡ bỏ. Đây là bài học cho việc làm chính sách chỉ tính được một mà không tính được hai, ĐCS Việt Nam vẫn không hề biết đồng bộ chính sách để khai thông cho doanh nghiệp phát triển được./.

-Đỗ Ngà-

https://zingnews.vn/thue-cua-viet-nam-co-cao-thu-3-the…

https://www.youtube.com/watch?v=9RDPJLAbB7Y

http://thuonggiaonline.vn/ganh-nang-thue-phi-day-doanh…

#chếđộcsvn #chínhsáchkinhtế

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here