Dư luận đang dõi theo sát sao vụ án Đồng Tâm trong những ngày này.
Tin mới nhất cho hay, Viện Kiểm Sát Hà Nội đề nghị 2 án tử hình đối với ông Lê Đình Công và ông Lê Đình Chức, cùng 1 án chung thân đối với ông Lê Đình Doanh. Cả ba người này đều là con cháu của ông Lê Đình Kình – người đã chết tại nhà lúc rạng sáng 9 tháng Giêng năm 2020.
Dư luận không còn bàng hoàng và chết lặng – như biết tin ông Lê Đình Kình chết không toàn thây – khi hay tin những mức án được nêu ra.
Vụ án Đồng Tâm cũng tạo ra phản ứng từ quốc tế.
Ngày 11 tháng 1 năm 2020, bà Saskia Bricmont, dân biểu nghị viện châu Âu, Trợ lý Ủy viên Phụ trách Báo cáo về Việt Nam, thuộc Đảng Xanh, và ông Iuliu Winkler, Trợ lý Ủy viên Phụ trách Báo cáo về Việt Nam, thuộc Đảng Nhân dân Châu Âu, đã kêu gọi chính phủ Đức hoãn phê duyệt EVFTA với Việt Nam.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) cũng kêu gọi “Việt Nam mở cuộc điều tra công khai, khách quan về vụ việc tại Đồng Tâm”.
Ngày 14 tháng 2 năm 2020, bình luận về vụ việc Đồng Tâm, Đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết “Chúng tôi theo dõi rất sát tất cả những diễn tiến của vụ việc này và đang thu thập thông tin từ các nguồn để có thể hiểu hơn những biến cố tại Đồng Tâm. Chúng tôi đặc biệt quan ngại về việc tổn thất nhân mạng từ cả hai phía qua đụng độ giữa lực lượng an ninh và người dân Việt Nam. Điều quan trọng là tất cả các bên cần tìm cách giải quyết tranh chấp theo phương cách công khai, ôn hòa và minh bạch”.
Những hệ quả từ vụ án Đồng Tâm có thể nhận thấy:
- Về lịch sử:
Có thể nhìn nhận, lịch sử đau thương của thời Cải Cách Ruộng Đất (1953 – 1956) được tái diễn với định nghĩa của người phát ngôn Bộ Công An – Thiếu tướng Tô Ân Xô: Ông Lê Đình Kình “là loại cường hào địa chủ mới”.
Giai đoạn lịch sử bi thảm kéo dài trong 3 năm nói trên, thế hệ sinh sau đẻ muộn chỉ biết đến sự tàn khốc cùng những hậu quả kéo theo dai dẳng, thông qua sách báo và phim ảnh, nay tận mắt chứng kiến sự man rợ bằng cái chết không toàn thây của “cường hào địa chủ mới” Lê Đình Kình.
- Về lý luận:
Căn cứ theo khoản 1 và khoản 2 chương I của Cương lĩnh ĐCSVN và căn cứ vào Hiến pháp 2013 của Nhà nước CHXHCNVN cho thấy “cường hào địa chủ” đã hoàn toàn bị tiêu diệt từ khi cướp chính quyền thành công vào năm 1945. Vậy tại sao ĐCSVN lại để “loại cường hào địa chủ mới” sinh sôi?
- Về điều lệ ĐCSVN:
Điều lệ ĐCSVN là văn bản pháp lý cơ bản. Theo đó, Thiếu tướng Tô Ân Xô tuyên bố tức là Bộ Công An tuyên bố. Bộ Công An tuyên bố tức là đại tướng Tô Lâm tuyên bố.
Ông Tô Lâm là Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSVN. Theo quy định tại điều 9 Chương I và điều 17 chương III của điều lệ đảng, mọi ý kiến của ông Tô Lâm tức là ý kiến của Bộ Chính trị.
Như vậy, hoặc Bộ Chính trị phải chịu trách nhiệm về sự sinh sôi của “cường hào địa chủ mới” hoặc Thiếu tướng Tô Ân Xô và đại tướng Tô Lâm đã vi phạm điều lệ ĐCSVN.
- Về cải cách tư pháp:
Nghị quyết 49 -NQTW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, do Bộ Chính trị ban hành ngày 02 tháng Sáu năm 2005 với mục tiêu, quan điểm được quy định tại khoản 1 và khoản 2 mục I Chương I, nhằm “xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý” hoàn toàn phá sản thông qua việc xử án 29 người dân Đồng Tâm với hàng loạt vi phạm về: trình tự, thủ tục tố tụng như: xác định sự thật của vụ án (điều 15), không thực nghiệm hiện trường (điều 204), xử công khai (điều 25) nhưng người thân của các bị cáo cũng như nhiều người dân quan tâm vụ án đều bị cản trở tới tòa hoặc bị bắt giữ phi pháp.
- Về công ước quốc tế:
Quyết định số 364/QĐ-TTg ngày 17 tháng Ba năm 2015 do đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào lúc bấy giờ, ký ban hành triển khai thực hiện công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (tiếng Anh: United Nations Convention against Torture and Other Cruel, Inhuman or Degrading Treatment or Punishment) bị chà đạp hoàn toàn, thông qua phiên xử 29 người dân Đồng Tâm.
- Về chính trị:
Mảnh đất hơn 50 hecta – bị cho là vi phạm pháp luật từ người dân Đồng Tâm – cùng lắm chỉ đáng ba đến năm ngàn tỷ đồng Việt Nam. Đó là số tiền quá nhỏ nhoi, so với hàng trăm ngàn tỷ đồng do tham nhũng và hối lộ gây ra suốt hàng chục năm qua. Sự so sánh này làm dư luận cố gắng tìm hiểu ý nghĩa chính trị đứng phía sau vụ án tàn nhẫn và phi nhân nhất tính từ thời “hậu Cải Cách Ruộng Đất” đến nay.
Nếu thật sự vì giá trị kinh tế, có cần chết quá nhiều mạng người như vậy không? Tất nhiên, phải tính cả 3 người phía công an được phong liệt sĩ.
Nếu thật sự vì thực thi pháp luật, có cần nhiều phát đạn găm trên thân thể ông Lê Đình Kình?
Nếu thật sự vì răn đe dân chúng trong tương lai, có cần đề nghị thêm 2 án tử hình và 1 án chung thân?
Nếu thật sự vì bảo vệ công lý, tại sao phía tòa bác bỏ đề nghị triệu tập cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung của luật sư? Trong khi ông Chung là một mấu chốt quan trọng bởi tờ cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự với dân làng Đồng Tâm, do chính tay ông Chung ký trực tiếp vẫn còn nguyên đó?
Bộ Chính trị có thể không ngờ ông Lê Đình Kình bị sát hại dã man nhưng chắc chắn họ cho phép tấn công đánh úp làng Đồng Tâm vào rạng sáng 9 tháng Giêng năm 2020 với sự phong tặng liệt sĩ cho 3 viên công an chết trong khuất lấp. Điều gây sững sờ trong dân chúng lại là sự xuất hiện của bà Trương Thị Mai với tư cách Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân Vận – trong lễ truy điệu 3 viên công an. Liệu bà Mai vận động nhân dân điều gì qua lễ truy điệu đó?
Kết
Xoay quanh vụ án gây rúng động dư luận tại làng Đồng Tâm với 6 trụ cột quan trọng nói trên, trụ cột trọng tâm – mang tên “Lòng Dân” – hoàn toàn gãy đổ.
ĐCSVN khởi từ 1945 cho đến nay, luôn luôn và mãi mãi tuyên bố: Lấy dân làm gốc. Và cội rễ của “Gốc Dân” đã bị băm vụn qua cái chết của ông Lê Đình Kình và 2 án tử đang lơ lửng treo trước mặt 2 người con trai ông ấy cùng 1 án chung thân cho đứa cháu nội.
Cội nguồn dòng tộc Lê Đình Kình đang bị hủy hoại. Gốc rễ ĐCSVN đang rữa nát. Bộ Chính trị ĐCSVN khóa 12 với 15 đảng viên cao cấp nhất phải chịu trách nhiệm về điều đó trước toàn thể đảng viên ĐCSVN.
https://luatminhkhue.vn/quyet-dinh-364-qd-ttg-nam-2015-phe-…
#Đồngtâm