Đỗ Đăng Liêu – Việt Tân
Trong đời sống hàng ngày, hẳn chúng ta thường nghe những tiếng than: “Một mình tôi thì làm được gì?”
Điều này không có gì là sai quấy vì có những việc không thể làm một mình dù là việc đó lớn hay nhỏ, cho nên mới có câu: “Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.”
Không nói đến những nỗ lực mang tính chất thay đổi một chế độ độc tài, với những hành động chính trị nguy hiểm đến bản thân và gia đình; ngay cả những chuyện không dính dấp gì tới chính trị, hoàn toàn không nguy hiểm như không vứt rác bậy bạ hay không xả những loại rác plastic (phải mất cả trăm năm mới tự hủy) tàn hại môi trường, người ta cũng thường nói “Một mình tôi thì làm được gì!” vì… dù tôi ngừng xả rác thì vẫn có hàng tỉ người khác tiếp tục xả thì sao?
Có một bãi rác khổng lồ được các nhà khoa học đặt tên là “Bãi rác khổng lồ của Thái Bình Dương” mà ít ai để ý. Bãi rác này có diện tích khoảng 1,6 triệu cây số vuông (lớn gấp 5 lần diện tích nước Việt Nam, và lớn gấp 1.600 lần diện tích Hong Kong) đang trôi nổi trên mặt biển giữa California và Hawaii. Bãi rác khổng lồ này phần lớn gồm các chất thải nhựa do con người, từ nhiều thế hệ, từ nhiều thập niên đã vô tình vứt bỏ bừa bãi những ly nhựa, chai nhựa, dĩa nhựa… sau khi dùng.
Nếu tự mình ngừng xả rác; nhưng hàng triệu người khác vẫn “vô tư” tiếp tục xả rác một cách vô tội vạ, quả thật là một vấn nạn lớn của nhân loại đang chung sống trên hành tinh ngày một thu hẹp vì rác thải. Tuy nhiên, điều mà mọi người trong chúng ta nên cảm nhận rằng “nếu tự mình có ý thức ngưng xả rác,” thì một ngày nào đó cũng sẽ có hàng ngàn, hàng triệu, rồi lên đến hàng tỉ người sẽ tự ý thức khi đời sống bị đe dọa để phải ngừng xả rác. Nhiều người đã ngừng xả trước Bạn, và nhiều người khác sẽ ngừng xả sau Bạn.
Nhưng, điều mà nhiều người không biết là bất cứ những việc làm nào được nhiều người hưởng ứng đều đến từ sự khởi xướng ban đầu của một hay một vài cá nhân xung phong đi trước. Sau đó việc làm được số đông hiểu ra, chấp nhận, và lan rộng.
Thánh Gandhi, linh hồn và biểu tượng của phương thức đấu tranh bất bạo động, khi khởi xướng “Hành Trình Muối” (Salt March), chuyến đi bộ dài 400 cây số kéo dài 24 ngày vào năm 1930 để phản đối việc thực dân Anh cấm người Ấn Độ sản xuất muối, chỉ có vài người đồng hành nhưng sau đó đã lôi kéo được cả trăm ngàn người tham gia, và cuối cùng đã khiến thực dân Anh phải nhượng bộ vì áp lực của số đông.
…
Những cuộc xuống đường biểu tình kêu gọi chấm dứt các chế độ độc tài cộng sản tại Đông Âu và ngay cả tại Liên Xô, và sau này tại nhiều quốc gia độc tài ở Bắc Phi vào năm 2011, đều đã khởi đầu bởi những cá nhân nhỏ bé rồi lan rộng thành phong trào với hàng triệu người tham gia.
Trong nhiều năm qua, nhiều nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam đã can đảm đứng lên để kêu gọi thay đổi. Họ không hề nghĩ là chính họ có thể làm được gì nhưng họ biết rất rõ là việc làm chính nghĩa của họ sớm muộn sẽ được nhiều người hưởng ứng, trong đó có Bạn. Sở dĩ việc làm, sự hy sinh của họ đến nay chưa đạt được điều chúng ta mong muốn cũng bởi vì bị cản trở bởi suy nghĩ “Một mình tôi thì làm được gì.”
Làm người tiên phong là công việc khó khăn, không phải bất cứ ai cũng làm được, và không ai đòi hỏi Bạn hay tôi làm công việc khó khăn đó.
Tuy nhiên, “Hưởng ứng trong hoàn cảnh và khả năng của mỗi người” là điều bất cứ ai trong chúng ta đều làm được. Và đó là điều những người đi tiên phong mong đợi ở chúng ta.
Nếu ngày hôm nay Bạn, vâng, chính Bạn, bỏ đi quan niệm “Mình tôi thì làm được gì!” thì ngày mai chẳng chế độ độc tài nào có thể tồn tại được!
Đỗ Đăng Liêu