Việt Nam làm gì khi Trung Quốc thuê những khu vực trọng yếu?

- Quảng Cáo -

RFA

Thuê đất trồng rừng hơn một thập niên trước

Báo Thanh Niên Online, hồi tháng 5 năm nay loan báo thông tin liên quan Công ty TNHH MTV InnovGreen, chủ người Trung Quốc, thuê đất trồng rừng nguyên liệu giấy gần khu vực biên giới Việt-Lào, thuộc tỉnh Nghệ An hồi năm 2007.

Tin cho biết Công ty InnovGreen đặt mục tiêu thuê 70 ngàn héc-ta ở 4 huyện, tỉnh Nghệ An để “xây dựng vùng trồng rừng nguyên liệu giấy tập trung có quy mô lớn và kỹ thuật thâm canh tiên tiến, phục vụ chế biến và xuất khẩu”.

- Quảng Cáo -

Tháng 3/2008, Chính quyền tỉnh Nghệ An đồng ý cho Công ty InnovGreen thuê gần 980 héc-ta đất, với phương thức hỗ trợ cho vay vốn và kỹ thuật để nông dân trồng rừng nguyên liệu phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Công ty InnovGreen chỉ trồng cây keo trên 1/3 diện tích của khoảng 980 héc-ta đất rừng được thuê và bỏ phế phần đất còn lại. Chính quyền địa phương huyện Huế Phong được nói là đang đề nghị thu hồi.

Không những vậy, vào tháng 5/2020, Chính quyền tỉnh Quảng Ninh cho biết một dự án của InnovGreen thuê hơn 3.300 héc-ta để trồng cây bạch đàn tại một số địa phương của tỉnh này. Tuy nhiên đến cuối năm 2013, Chính quyền tỉnh Quảng Ninh thu hồi khoảng 1.600 héc-ta đất rừng, bởi vì doanh nghiệp không đủ năng lực thực hiện dự án.

Trong khi đó, Chính quyền tỉnh Quảng Nam thông báo đã dừng và thu hồi dự án của InnovGreen từ năm 2015. Công ty InnovGreen đã đầu tư dự án trồng rừng tại 9 huyện miền núi và trung du thuộc tỉnh Quảng Nam, với vốn đầu tư 40 triệu USD trong thời hạn 50 năm.

Riêng Chính quyền tỉnh Lạng Sơn cho biết InnovGreen thuê 63 ngàn héc-ta đất trồng rừng, nhưng khu vực giáp biên giới không được phép trồng rừng mới và ngừng sản xuất. Đồng thời, sẽ tiến hành thu hồi tại một số địa điểm còn trồng cây bạch đàn.

Chính quyền các tỉnh Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam và Lạng Sơn đều nhận được cảnh báo của Bộ Quốc phòng về dự án thuê đất trồng rừng của Công ty InnovGreen “không có lợi cho quốc phòng, an ninh”.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một chuyên gia nghiên cứu độc lập, xác nhận với RFA về thông tin doanh nghiệp Trung Quốc thuê đất của Việt Nam trồng rừng hơn một thập niên qua:

“Cách đây 10 năm thì có một việc là tỉnh Nghệ An cho một nhóm Đài Loan thuê diện tích rất lớn ở phía Tây của Nghệ An để trồng rừng. Nhưng thực chất đấy là người Trung Quốc vì người Đài Loan đứng ra thuê cho người Trung Quốc làm. Thế nhưng mà khoảng 1 năm sau, do phản ứng của nhiều người thì Chính phủ, Trung ương quyết định cho người Việt thuê, mà không cho người Trung Quốc thuê. Đây là trường hợp nghiêm trọng nhất. Cũng may là người ta dừng toàn bộ việc cho Trung Quốc thuê rừng lại rồi. Không có nữa đâu.”

Trung Quốc vẫn tiếp tục thuê đất tại các khu vực trọng điểm

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp ghi nhận mặc dù không còn việc người Trung Quốc thuê đất trồng rừng nhưng những năm qua tình trạng người Trung Quốc tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa điểm trọng yếu của Việt Nam qua hình thức đầu tư vào du lịch, địa ốc, trang trại điện gió, trang trại điện mặt trời, các hồ thủy điện…

Nhà quan sát tình hình Việt Nam, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhấn mạnh liên quan an ninh quốc phòng, qua trình trạng người Trung Quốc:

“Có một vấn đề như thế này, tức là những trang trại điện mặt trời hoặc điện gió (‘solar farm’ và ‘wind farm’) ở gần biên giới giữa Việt Nam và Campuchia hay giữa Việt Nam với Lào thì có vẻ không hay. Tại vì Luật Biên giới của Việt Nam quy định rất rõ rằng người nước ngoài không được mua hay thuê đất làm bất cứ việc gì ở sát biên giới cả. Có quy định cách bao nhiêu mét, bao nhiêu cây số, rất rõ ràng. Thế nhưng, người ta vẫn có thể chuyển đổi được hoặc người ta vận dụng như thế nào đấy để cho người Trung Quốc được thuê trang trại điện gió, trang trại điện mặt trời ở gần biên giới.

Và còn ở Đà Nẵng vẫn xảy ra vì đó là nơi du lịch. Ví dụ chẳng hạn, người ta mua đất ở sát sân bay, thì người ta lấy pháp nhân Việt Nam. Sau này là pháp nhân Trung Quốc thì việc đã xảy ra rồi. Thực ra, Bộ Quốc phòng phải kết hợp với Ủy ban Nhân dân Đà nẵng để xử lý và trả lại tiền cho họ dời cơ sở chỗ khác. Không thể để như thế được. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng chỉ nêu lên mà không kết hợp với chính quyền địa phương để giải quyết vấn đề. Thế thì nói để làm gì? Nói mà không để làm gì cả.”

Ảnh minh họa. Rừng ở tỉnh Đăk Lắk. Hình chụp ngày 12/3/2013.
Ảnh minh họa. Rừng ở tỉnh Đăk Lắk. Hình chụp ngày 12/3/2013. AFP

Cảnh báo và tiếp theo thế nào?

Vào trung tuần tháng 5/2020, truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn báo cáo của Bộ Quốc phòng ghi nhận hầu hết các lô đất do cá nhân và doanh nghiệp Trung Quốc đứng tên sử dụng đều ở các vị trí đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ.

Một dẫn chứng cụ thể, tại khu vực biên giới Đà Nẵng có 134 lô và 1 thửa đất do doanh nghiệp và người Trung Quốc đứng tên sử dụng, thuê trực tiếp từ Chính quyền thành phố Đà Nẵng, từ 2011-2015.

Bộ Quốc phòng Việt Nam đã đưa ra cảnh báo về tình trạng một số người nước ngoài đầu tư bất động sản ở Việt Nam, bằng cách thức nhờ doanh nghiệp hoặc cá nhân người Việt đứng tên mua nhà tại một số địa điểm “nhạy cảm,” có ảnh hưởng đến quốc phòng và an ninh…

Cựu đại úy Võ Minh Đức, thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam, vào tối ngày 24/8 lên tiếng với RFA về ghi nhận của cá nhân ông liên quan tình trạng mà Bộ Quốc phòng đã cảnh báo:

“Theo nhận thức của tôi, tôi cho rằng mấy năm nay họ mang vốn qua đầu tư ở Việt Nam, mua đất trồng rừng…Đặc biệt ở các vùng trên cao nguyên là họ đầu tư rất nhiều, toàn là những vùng trọng yếu. Theo như tôi biết, các dự án điện ở tận vùng Cà Mau, hàng nghìn người Trung Quốc làm việc ở đó. Tôi nghĩ rằng họ có ý đồ về lâu về dài. Người Trung Quốc rất bền bỉ và họ rất kiên trì với ý đồ của họ. Họ sẵn sàng bỏ ra 70,80 năm hay hàng trăm năm để họ đầu tư tại một vùng nào đó, rồi đưa người sang làm việc, rồi những người đó lập gia đình ở lại đây, thành lập những làng Trung Quốc. Và đến một lúc nào đó thì họ sẽ có ý định giống như là thành lập một tô giới riêng của họ.”

Ông Võ Minh Đức bày tỏ nỗi quan ngại với RFA:

“Mặc dù Bộ Quốc phòng, đặc biệt một vài vị tướng đã nhìn nhận vấn đề này rất sâu sắc và hiểu rất rõ bản chất của Trung Quốc như thế nào cũng như đã cảnh báo và báo cáo với Chính phủ và Nhà nước rồi; thế nhưng thật sự động thái để giải quyết, về mặt truyền thông công khai thì không thấy Nhà nước có một chủ trương, chính sách nào đối với những doanh nghiệp như thế này cả.”

Dưới góc độ chuyên môn, cựu đại úy quân đội Võ Minh Đức cho rằng, trong trường hợp xấu nhất xảy ra thì sẽ rất nguy hiểm cho đất nước. Bởi vì hàng trăm, hàng ngàn người Trung Quốc qua Việt Nam làm việc có thể sẽ trở thành một lực lượng binh sĩ hùng hậu đã biết rõ đường đi nước bước trên đất liền, lẫn vùng ven biển và cả trên khu vực miền núi. Điều đó có nghĩa là Việt Nam bị đưa vào một tình thế rất bất lợi.

Hồi tháng 6/2018, hàng ngàn người dân Việt Nam đồng loạt xuống đường phản đối Dự luật Đặc khu cho thuê đất 99 năm, vì mối lo ngại Trung Quốc sẽ lợi dụng nhằm mưu đồ bất lợi cho Việt Nam về sau.

Và khi cựu đại úy quân đội, ông Võ Minh Đức cùng một số người dân trong nước Đài RFA trao đổi chia sẻ rằng họ không có nhiều thông tin về Chính phủ và Nhà nước Việt Nam sẽ giải quyết tình trạng người Trung Quốc thuê các khu vực trọng yếu như thế nào, trước cảnh báo của Bộ Quốc phòng. Thế nhưng, một thực tế không thể chối cãi là ngày càng nhiều người dân bị bắt giam vì lên tiếng phản đối các vấn đề liên quan Trung Quốc có hành động gây hấn ở Biển Đông hoặc nhà đầu tư Trung Quốc gây ô nhiễm môi trường như các nhà máy điện than và thảm họa biển Fomosa.

Về các dự án thuê đất trồng rừng của Trung Quốc, tuy không còn được tiếp tục nữa nhưng dân chúng ở Nghê An cho biết doanh nghiệp Trung Quốc hiện tại đang đẩy mạnh và phát triển các nhà máy gỗ băm phục vụ cho sản xuất giấy.

“Từ năm 2008 trở đi, phía Trung Quốc bắt đầu gia tăng thu mua các nguyên liệu giấy. Cho nên họ xây lên những nhà máy hoặc phía Việt Nam xây dựng lên những nhà máy gỗ băm. Tức là, đưa những cây gỗ vào để băm nhỏ rồi chất lên container để chở đến cảng ở khu chế xuất Nghi Sơn để bán cho Trung Quốc. Một phần để bán cho các nhà máy giấy ở Việt Nam. Các nhà máy đó hoạt động vẫn bình thường và rất mạnh. Thậm chí, bây giờ họ thuê lại các chủ người Việt Nam bởi vì việc đầu tư một nhà máy không tốn quá nhiều, nhưng lợi nhuận lại khá cao.”

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here