Ông Lê Khả Phiêu từ trần ngày 7 tháng Tám năm 2020, thọ 90 tuổi. Cái chết của ông ta được tổ chức ở mức quốc tang theo Nghị định 105/2012/NĐ-CP. Trong Nghị định này, hình thức – nội dung cũng như trình tự và chi phí cho đám táng đều được quy định rõ, do cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành ngày 17 tháng Mười Hai năm 2012.
Thực tế bày ra…
… vừa khôi hài vừa đạo đức giả.
Người ta tung lên mạng những trang giấy chia buồn bằng những con chữ viết tay của ông Nguyễn Xuân Phúc trong tư cách Thủ tướng và bà Đặng Thị Ngọc Thịnh trong tư cách Phó Chủ tịch nước. Những con chữ đều được số đông công nhận: Đẹp!
Điều gây thắc mắc nhưng dễ giải đáp – bởi so lại với những dòng viết tay của những quốc tang trước – chữ của ông Phúc và bà Thịnh hoàn toàn khác nhau.
Hình ảnh quốc tang vẫn còn nguyên đó.
Trong khi những lãnh đạo cấp cao của ĐCSVN đứng nghiêm trang, mang khẩu trang thì ông Phúc lại không đeo và thế đứng không được ngay ngắn lắm.
Bên cạnh nhiều hình ảnh đoàn viên cầm ảnh ông Phiêu đứng dọc bên đường đưa tiễn với vẻ mặt u buồn, người ta thấy có 2 phụ nữ ôm 2 giỏ hoa đi song song trước linh cữu ông Phiêu và nhiều cánh hoa được rải dọc theo lối đi, khi di quan.
Thật nghịch lý và vô cùng khôi hài, khi so sánh hình ảnh nghiêm trang của đoàn viên Đoàn TNCSHCM lúc đó với những trò chơi tục tĩu, vô văn hóa của họ, diễn ra đầy trên các trang mạng. Còn việc rải hoa cho người chết, lại không phải là phong tục của người Việt. Ngay cả trong Nghị định 105 nói trên cũng không quy định những việc làm “hoa lá cảnh” như vậy. Người dân giễu cợt và chê bai cho những hành vi đó là điều có thật!
Người cộng sản là những kịch sĩ rất tài nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó, lại vô phúc nhận những vai kịch vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. Đó là bi kịch mang tên “bôi bẩn” tự họ gây ra, bởi nó dễ bị lật mặt không mấy khó khăn dưới mắt người dân.
Khác với đám ma của ông Võ Nguyên Giáp, người ta hầu như không thấy những dòng lệ trên khuôn mặt đau đớn của một số người dân trong đám tang của ông Lê Khả Phiêu, ngoại trừ bà cựu Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa có… nhăn mặt mà không rõ nước mắt chảy vào đâu sau lớp khẩu trang đen (!) trong lễ truy điệu tại Tp.HCM.
Tất nhiên, nước mắt nếu có, cũng được diễn đạt nhiều ý nghĩa, như “vui sao nước mắt lại trào” mà cố nhạc sĩ Xuân Hồng mô tả trong nhạc phẩm “Mùa Xuân Trên Thành Phố Hồ Chí Minh” để ăn mừng ngày “giải phóng Sài Gòn” của 45 năm về trước!
Di sản hay di họa (?!)
Những bàn luận và đàm tiếu xung quanh các hiệp định biên giới với Trung Quốc trong quãng thời gian ông Phiêu làm Tổng Bí thư tiếp tục được dư luận nhắc lại với những địa danh: Thác Bản Giốc, Ải Nam Quan, Bãi Tục Lãm v.v…
Trong bài “Sự chuẩn bị kỹ càng, bước đi thận trọng vì lợi ích dân tộc” ra ngày 13 tháng Tám năm 2020 của ông Nguyễn Đăng Tấn [1] cho biết ông Trần Công Trục nói (trích): “… Sau này bọn phản động nước ngoài lu loa rằng ta đã phải nhượng cho Trung Quốc mấy trăm km2, số km2 đó còn lớn hơn diện tích hai bên khi đối chiếu bản đồ chưa thống nhất thì là cả là câu chuyên nực cười. Thực chất sau khi đối chiếu bản đồ giữa ta và Trung Quốc, số lệch nhau chỉ 227 km2 và khi ký kết hai bên đã thống nhất: Việt Nam 113km2, Trung Quốc 114 km2…” (hết trích)
Thuở ông Nguyễn Trọng Vĩnh sinh tiền đã cho hay vào ngày 6 tháng Hai năm 2014 [2]: “Trong đàm phán biên giới trên bộ, Trung Quốc gian xảo lấn của ta một nửa thác Bản Giốc, 100m từ ải Nam Quan xuống đến Tân Thanh vốn là điểm nối đường ray trước đây để tàu Trung Q uốc đưa hàng hóa vào đất ta, cộng với lấn chiếm những nơi khác, họ lấn của ta một diện tích bằng tỉnh Thái Bình”.
Tỉnh Thái Bình có diện tích 1.570,5 km2 với dân số 1.942.000 người.
Tạm kết
Báo Tuổi Trẻ ra ngày 15 tháng Tám năm 2020 với bài [3] “Tiễn đưa nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về miền cao xanh” do 4 phóng viên: Lê Kiên, Mai Hương, Nguyễn Khánh, Liên Phan đồng thực hiện.
Bài báo tường thuật chi tiết với nhiều cận ảnh cùng clip, cho thấy họ làm việc nghiêm túc và công phu. Chỉ tiếc, chữ “cao xanh” – tiếng Việt cổ – đã không được dùng đúng nghĩa. Nó phá hỏng cả quốc tang.
… Ngàn xưa mấy kẻ gian ngay,
Xem cơ báo ứng biết tay trời già.
Tuần hoàn lẽ ấy chẳng xa,
Chớ đem nông nỗi mà ngờ cao xanh…
(Nhị Độ Mai)
Trong đoản thơ trên, tác giả khuyên răn không nên đem những việc làm nông nổi, hồ đồ do con người gây ra mà nghi ngờ “cao xanh” tức là Ông Trời, bởi tuần hoàn quả báo ắt sẽ xảy đến cho những kẻ gian tà.
Vì vậy, khi 4 phóng viên mong muốn ông Lê Khả Phiêu được về cõi vĩnh hằng mà dùng chữ “cao xanh” tức họ đang nói thay tâm trạng dân tộc Việt Nam trước cái chết của ông Lê Khả Phiêu nói riêng và họa ngoại xâm lừng lững từ Trung Cộng nói chung.
Để an ủi gia quyến ông Lê Khả Phiêu trước lời đàm tiếu và lên án xung quanh các hiệp định biên giới, trong đó có ông Lê Khả Phiêu tham gia với vai trò quan trọng, có lẽ hai câu thơ dưới đây tỏ ra thích hợp:
Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Vong hồn ông Lê Khả Phiêu – đang đổ dốc xuống cửu tuyền – nên lắng lời khuyên của nhà Vật Lý – Thiên Văn nổi tiếng thế giới – Trịnh Xuân Thuận [4]:“Tôi nghĩ vấn đề tâm linh rất quan trọng, vì khoa học không thể cho chúng ta biết cái gì phải hoặc trái, chỉ có tâm linh như là đạo Phật mới cho ta biết, chỉ cho chúng ta một cách sống sao cho phải với gia đình và người khác xung quanh chúng ta”.
Những người Cộng Sản Việt Nam cấp cao hiện diện trong đám tang ông Lê Khả Phiêu với trang phục đen thẫm cùng giải khăn sô đen trên bắp tay, đó như là biểu hiện những khuất tất quanh vấn đề biên giới Việt – Trung vẫn phủ màn đen u tối – Món nợ vẫn còn đó, đối với dân tộc Việt Nam – Bao giờ được bạch hóa?!