TC (Trung Cộng) có ba hạch nhọt nhạy cảm nhất. Nhạy cảm đến nỗi những nước lớn cũng e ngại không dám chạm vào, sợ phiền phức với TC, những nước nhỏ có cho kẹo cũng không dám léng phéng nếu không muốn bị TC trút cơn thịnh nộ bão tố. Ba hạch nhọt ấy là :
1. Đảng Cộng sản TC được nhân dân TC tín nhiệm độc quyền lãnh đạo vĩnh viễn đất nước, không cho phép đối lập, thậm chí những cá nhân chỉ trích đảng đều bị rủ tù, nói chi đến chuyện đa nguyên đa đảng.
2. Đài Loan là một phần lãnh thổ của TC không thể tách rời, khi cần thiết TC có thể dùng vũ lực thu lại.
3. Biển Đông là quyền lợi cốt lõi không thể tranh cãi của TC. TC có chủ quyền lịch sử theo bản đồ hình lưỡi bò chín đoạn chiếm gần 90% diện tích Biển Đông. TC sẽ dùng tất cả mọi biện pháp, kể cả quân sự để thu hồi…
Các đời tổng thống Mỹ từ Richard Nixon đến Barack Obama đều né tránh ba hạch nhọt này.
Thời Obama Biển Đông dậy sóng khi TC chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines, tôn tạo 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa cướp của Việt Nam.
Song chính phủ Obama cũng chỉ chạm nhẹ bên rìa hạch nhọt ấy khi tuyên bố, Mỹ không có yêu sách chủ quyền trong Biển Đông, không đứng bên nào trong các nước tranh chấp… Chỉ quan tâm đến tự do hàng hải, kêu gọi các bên tranh chấp giải quyết bất đồng bằng đối thoại trên cơ sở luật pháp quốc tế, cụ thể là công ước quốc tế về luật biển 1982 (UNCLOS).
Đến thời tổng thống Mỹ Donald Trump mọi chuyện đã khác. Chính phủ của tổng thống Trump không chỉ chạm mà chọt vào hạch, không chỉ chọt một mà chọt luôn ba hạch nhọt cực kỳ nhạy cảm của TC, thì TC không nhảy dựng mới lạ.
Lạ là, dường như TC chỉ phản ứng bằng miệng, chưa thấy những biện pháp đáp trả bão tố, và ngay cả đánh trả giặc miệng, TC cũng chỉ dừng lại ở mức độ la làng la xóm như mấy bà bán cá, chưa thấy những lời răn đe dữ dội nào đáng kể. Cụ thể :
1. New York Times đưa tin các giới chức Mỹ đang nghiên cứu cấm các đảng viên đảng Cộng sản TC nhập cảnh Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ và nhiều quan chức cao cấp trong nội các Trump đang tách đảng Cộng sản TC khỏi nhân dân TC, rằng đảng Cộng sản TC mới gian ác xấu xa chứ không phải nhân dân, và rằng đảng cộng sản TC không phải là nhân dân, không chính danh lãnh đạo Trung Hoa. Mỹ chống đảng cộng sản TC chứ không chống nhân dân Trung Hoa.
Đây là hạch nhọt to bự và trọng yếu nhất của TC, nước nào cũng thừa hiểu đụng đến hạch nhọt này thì má nhìn không ra với TC. Từ năm 1979 đến nay chưa có lãnh đạo Mỹ nào đủ số má chạm vào đại hạch nhọt này. Nhưng có vẻ như chính phủ của Ông Donald Trump “điếc không sợ súng”, công khai chọt mạnh, chọt đau… TC chưa đưa ra phản ứng tương thích ngoài tờ Global Times ăng ẳng như chó sủa ma. Bộ Ngoại giao TC cũng chỉ làm ầm một cách kềm chế chứ không sống mái bão tố…
2. Ngoại trưởng Mỹ gửi công hàm đến Liên Hiệp Quốc phản đối công hàm sai trái của TC. Ông Pompeo chính thức tuyên bố bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền sai trái của TC, hỗ trợ các nước trong Biển Đông bảo vệ vùng EEZ của mình.
Rõ ràng Mỹ không chỉ chạm, mà công khai chọt mạnh vào hạch nhọt cốt lõi Biển Đông của TC, nếu trong các đời tổng thống khác, TC đã nổi tam bành…
Đụng phải lão già gân xâm mình Donald Trump, TC chỉ dừng lại ở mức chụp mũ vu vơ, quan ngại và kêu gọi… Hành động quân sự tương thích của TC là lủi vào khu vực cửa ngõ vịnh Bắc Bộ tập trận đại quy mô để răn đe…vì giữa Biển Đông (vùng biển tây Philippines) hai nhóm tác chiến hai tàu sân bay Mỹ đang tập trận.
3. Hạch nhọt Đài Loan có vẻ đơn giản hơn, song là hạch nhọt dễ biến thành “hạch tâm” nhất. Bởi từ khi Đặng Tiểu Bình và Jimmy Carter ký kết bình thường hóa quan hệ ngoại giao Trung Mỹ tại Washington năm 1979, Mỹ cam kết công nhận một nước Trung Hoa, xem Đài Loan là một tỉnh của TC. Sau đó TC đôi lần kéo quân giải phóng Đài Loan, bị quân Mỹ cản trở phải bỏ tham vọng. Từ đó hình thanh làn ranh đỏ, nếu Đài Loan tuyên bố Độc lập TC sẽ ngay lập tức tấn công thu hồi Đài Loan.
Thời Quốc dân đảng giữ ghế tổng thống Đài Loan, quan hệ hai bên eo biển Đài Loan nồng ấm, tư bản đôi bờ đầu tư vào nhau rất lớn, trao đổi thương mại sầm uất, hai bên eo biển có những bước đi thiện chí cho tiến trình thống nhất. Rất tiếc là cuộc gặp gỡ giữa tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu thuộc quốc dân đảng và Tập Cận Bình tại Singapore hồi 2015 diễn ra hơi sớm khi điều kiện cần có cho tiến trình đàm phán thống nhất đôi bờ chưa chín… Dẫn đến việc Mã Anh Cửu thua đậm trong ký bầu cử tổng thống kế tiếp, để tiến sĩ Thái Anh Văn của đảng Dân tiến nẫng mất ghế.
Bà Thái Anh Văn bị Tập Cận Bình nổi đóa vì xuất hiện không đúng lúc cản trở tiến trình đối thoại đôi bờ nên liên tục bị Tập đe dọa, nhắc đi nhắc lại làn ranh đỏ là ngày Đài Loan tuyên bố độc lập, cũng là ngày Đài Bắc bị xóa sổ. Từ ấy, TC luôn duy trì một lực lượng quân sự răn đe gần Đài Loan. Bởi bà Thái Anh Văn chủ trương độc lập cho Đài Loan và may mắn giành được ghế tổng thống nhờ chủ trương này.
Song bà Thái còn may mắn hơn khi Ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Ông Trump phá lệ tiếp điện đàm chúc mừng tân tổng thống Mỹ của bà Thái rất sớm, khiến Bắc Kinh giận dữ tố cáo Mỹ vi phạm thỏa thuận một nước Trung Hoa.
Từ bấy đến nay, không chỉ tổng thống Trump dành quá nhiều ưu ái cho Đài Loan tách xa dần TC, mà cả lưỡng viện Quốc Hội Mỹ cũng ban hành nhiều luật ủng hộ và bảo vệ Đài Loan khiến Tập Cận Bình nuốt không trôi cục tức.
Đó là lý do TC lợi dụng Mỹ và cộng đồng quốc tế bị cúm Tàu gây tang thương, nhiều chiến hạm, gồm cả hàng không mẫu hạm Mỹ bị dịch tấn công tê liệt… để điều quân và vũ khí hiện đại áp sát giải phóng Đài Loan. Tiếc cho TC là lão già gân Donald Trump đã cảnh giác, đặt quân Mỹ trong tư thế sẵn sàng bảo vệ Đài Loan nên TC chưa thể ra tay.
Tuy vậy, TC cũng không thu quân, còn tăng thêm hỏa lực, tăng thêm cường độ tập trận, nhiều lần cho phi cơ và tàu chiến xâm nhập không phận và hải phận Đài Loan khiêu khích.
Khi rộ tin bộ trưởng y tế Mỹ thăm Đài Loan, là quan chức cao cấp nhất của Mỹ đến Đài Bắc kể từ khi Trung Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường năm 1979. TC phản đối dữ dội vì cho là Mỹ vi phạm thỏa thuận một nước Trung Hoa, nên có thể xem là đã chạm đến lằn ranh đỏ của TC. Đó là lý do PLA không chỉ tăng thêm hỏa lực và quân lực, mà còn đặt quân đội vào tư thế sẵn sàng chiến đấu, chờ lệnh bóp cò.
Đại hạch nhọt Đài Loan nóng lên từng giờ… Chiều qua bộ trưởng y tế Mỹ đã đặt chân đến Đài Bắc để nhìn vật đổi sao dời sau 41 năm đoạn giao, bồi hồi nhìn biển cả hóa nương dâu… Song cho đến lúc này chưa thấy PLA khai hỏa ?