J.B. Nguyễn Hưũ Vinh – RFA
Giờ này 9 năm trước, ngày 31/7/2011 mình từ Hoa Kỳ trở về Việt Nam sau hai tháng lang thang trên đất nước của xứ giãy chết.
Nhiều anh em bạn bè bảo mình nên ở lại, về thì sẽ nguy hiểm với tình hình ở Việt Nam sau những vụ mình bị tấn công đánh đập tại Đồng Chiêm bởi công an và đám chó má.
Khi đó, ở khắp hai miền Nam – Bắc đang sôi sục biểu tình chống Trung Cộng xâm lược, vợ mình sắp sinh con, nhiều thứ khác đang thôi thúc mình trở về.
Anh Nguyễn Khanh – Giám đốc RFA Việt Ngữ sau khi chở mình đi chơi một vòng khắp các tiểu bang Đông Bắc nước Mỹ thì bảo mình:
– Cậu về đến nơi, mở máy liên lạc ngay nhé, và dặn cô Thủy mở máy điện thoại để liên lạc cho biết tình hình. Nếu sau 30 phút mà tớ không liên lạc được sau khi hạ cánh là tớ loan tin cậu bị bắt đấy. Nó mà không cho cậu vào VN nữa thì tớ lại phải kiếm cho cậu một chân làm ở đài này đấy.
Mình cảm ơn anh Khanh và chia tay sau mấy ngày sống ở nhà anh, một ngôi nhà tuyệt đẹp trong một khuôn trang rộng rãi giữa thiên nhiên bên bờ sông Potomac. (Ảnh 2 và 3).
Về đến sân bay Nội Bài, Hà Nội thì trời cũng đã khuya, mấy chiếc valy của mình đâu chẳng thấy khi hầu hết mọi người đã lấy xong hành lý. Cuối cùng thì hành lý của mình cũng ra.
Mình cảnh giác trước việc chậm trễ này, ngay khi ở California, ông bạn già của mình cũng đã chú ý việc bảo vệ hành lý cho mình. Chẳng có gì ngoài mấy thứ quà cáp nhiều người gửi về cho anh em đấu tranh như quần áo và những thứ linh tinh khác. Nhưng ông khóa cẩn thận, dùng dây nhựa buộc thắt các chỗ có thể mở và in nhãn tên, số điện thoại gắn lên từng chiếc valy.
Ở bên ngoài, bạn bè mình đã tập trung rất đông đón minh bằng hai chiếc xe đợi sẵn. Một loạt nhiều người đứng lố nhố ngoài cửa nhìn vào, máy quay máy ảnh hoạt động liên tục khi thấy mình đẩy xe ra. Mình thấp thoáng thấy Thanh Hieu Bui , Lê Quốc Quân , Vien Nguyen và nhiều anh em tham gia biểu tình khác.
Đến cửa kiểm tra hành lý, mình bị chặn lại, một nhân viên hỏi:
– Anh là Anh Vinh phải không? Anh đi đâu về vậy?
– Đúng, tớ là Vinh, đi về từ Mỹ, có việc gì không?
– Mời anh vào đây kiểm tra hành lý.
– Tại sao hàng loạt người, tất cả đều không kiểm tra mà lại kiểm tra tớ?
– Họ có kiểm tra qua máy cả rồi chứ anh.
– Vậy sinh ra máy làm gì, đầu tư cả tỷ đồng để chơi sao mà không kiểm tra lại lôi của tớ vào kiểm tra?
– Thì cũng có những trường hợp máy chưa đủ.
Và họ lôi hành lý của mình vào phòng.
Tại đó, ngoài vài người mặc áo quần đồng phục, còn lại mặc áo quần thường phục, tất cả có 7 người. Họ bắt đầu xông lại đống hành lý của mình gồm 3 valy và một túi đeo vai, một cặp mang máy tính. Mình chặn lại:
– Bây giờ thế này, tôi không muốn chuyện tự nhiên đi kiểm tra mình tôi. Nhưng các anh muốn, thì cứ kiểm tra, tôi đồng ý nhưng với các điều kiện sau:
1- Tôi chỉ chịu trách nhiệm những gì là của tôi trong hành lý tôi, những gì bên ngoài hoặc kể cả ở trong nhưng không phải của tôi thì không nhận. Bởi hành lý tôi ra cuối cùng và rất chậm nên tôi có quyền nghi ngờ. Do vậy, cái nào còn nguyên khóa và niêm phong, tôi chịu trách nhiệm, cái nào có nghi ngờ bị can thiệp, chúng ta lập biên bản trước khi mở.
2- Tôi chỉ có một mình, do vậy yêu cầu các anh đứng ra xa hành lý của tôi, việc kiểm tra chỉ được một người, tay không đụng vào hành lý của tôi khi mở ra và họ chịu trách nhiệm về công việc của mình một cách minh bạch, công khai. Kiểm tra từng cái xong, yêu cầu sắp xếp lại như cũ và khóa lại mới kiểm tra cái khác.
3- Chỉ những người có nhiệm vụ, tên tuổi và đầy đủ các yếu tố như pháp luật yêu cầu mới được tiến hành công việc với tôi, còn lại đề nghị ra khỏi đây. Nếu các anh đồng ý vậy thì tôi mở valy kiểm tra, còn nếu không thì các anh cứ làm không cần luật theo ý các anh.
Sau khi mình đặt vấn đề thẳng thắn và quyết liệt, các cán bộ hội ý xong đồng ý những yêu cầu của mình đã đưa ra. Và cuộc khám xét hành lý bắt đầu.
Mình đặt tất cả hành lý sang một bên, yêu cầu các cán bộ cả sắc phục lẫn thường phục đứng sang phía khác. Một đám chạy lại chỗ hành lý của mình, mình chặn lại:
– Không được, chỉ một người tay không được đến gần đó thôi, chúng ta đã thỏa thuận như vậy. Yêu cầu mấy người thường phục kia đi ra nơi khác, ra ngoài.
Đồng thời, mình giương máy quay lên. Một tên thường phục vội nói:
– Anh không được quay phim chụp ảnh ở đây?
– Tại sao? Ở đây làm gì có biển cấm? Tôi phải quay lại, chụp hình lại khi kiểm tra hành lý tôi xem có gì bất thường không chứ sao lại không?
Chợt hắn gằn giọng:
– Tôi nói cho anh Vinh biết nhé: Ở đây, chúng tôi có thể làm những việc mà người khác không làm đấy nhé.
Ngay lập tức mình nói lớn đến mức người phía ngoài cũng nghe:
– Anh là ai? Có nhiệm vụ gì ở đây mà đuổi ra ngoài không ra? Anh vừa mới đi mượn được ở đâu bộ quần áo này? Có phải anh nói ý rằng tôi ở đây một mình và các anh có 7 người có thể làm gì tôi thì làm kiểu lấy thịt đè người theo luật rừng không? Tôi cực lực phản đối cách làm việc không luật pháp này. Không có khám xét gì nữa, thích thì giữ luôn đi.
Vậy ở đây không quay phim chụp ảnh sao thằng này vẫn quay tôi từ nãy đến giờ? Các anh nghĩ tôi không biết nó là ai và làm gì đấy sao? Yêu cầu đuổi những người không nhiệm vụ không đúng chức năng ra ngoài.
Thấy mình nói lớn, tay cán bộ bên cạnh bảo:
– Thôi, anh nói nhỏ thôi, còn anh kia, anh bỏ máy xuống và ra ngoài.
Họ đi ra và một lúc sau mấy người đó quay lại mang trang phục của nhân viên tại sân bay.
Và việc lục soát được mình đồng ý tiếp tục.
Cũng nói thêm, là trong valy của mình chỉ quần áo người ta gửi cho bạn bè là nhiều và thêm ít vitamin mọi người gửi cho bà già. Trước hôm về, mình đã xếp lại từng chiếc bỏ vào bao rác, xong lấy máy hút chân không của nhà bác sĩ Trần Cảo hút kiệt không khí đên mức quần bò thành những tấm cứng như khúc gỗ và xếp chồng lên nhau chặt cứng valy.
Thế nên khi một cán bộ lại kiểm tra, cứ kéo miệng túi nilon là chiếc quần hoặc cái áo phồng to như cũ. Anh ta bỏ ra ngoài một đống lộn xộn kiểm tra kỹ càng.
Xong một chiếc, anh ta khoát tay:
– Xong, không có gì, kiểm tra cái khác đi.
Mình chặn lại:
– Không được, đúng thỏa thuận, làm từng cái một. Xong cái nào bỏ vào khóa lại mới mở cái khác.
Anh ta loay hoay mất nửa tiếng không thể nào nhét hết đống đồ vào valy vì nó nở ra thành đống lớn. Trời nóng, một mình anh ta vật lộn toát mồ hôi nhưng không ai được đến giúp vì đã thống nhất một người kiểm tra.
Tất cả đứng nhìn mà không thể giúp anh ta được, dù anh ta dùng tay nhét, dùng chân dẫm đủ các kiểu. Anh ta bảo:
– Công nhận anh đóng hàng giỏi thật.
Mình bảo:
– Giỏi gì, ai chẳng thế. Tớ không biết cậu kiếm cái gì trong đó? Cứ nói đi, nếu có thì tớ chỉ cho mà lấy. Thời buổi này mà còn lục valy tìm cái các cậu cần thì quả là ấu trĩ. Lần này tớ giúp còn mở cái khác là cậu phải tự nhét vào đấy nhé.
Rồi mình mở thêm lớp khóa bên ngoài và giữ cho cậu ấy bỏ vào đủ, khóa lại mở cái khác.
Lần này, anh chàng này rút kinh nghiệm không mở các bao nilon ra nữa mà chỉ lấy ra đặt ở đất xong bỏ vào.
Đến cái máy tính, đây là cái máy tính mới anh Nguyễn Khanh tặng mình. Anh ta cầm lấy mở ra, bấm vào nút start. Mình bảo:
– Từ từ. Hàng hóa thì được, riêng máy tính muốn kiểm tra phải lập biên bản trước khi mở nhé.
Anh ta bảo:
– Ồ, máy tính mới à, thế thì thôi.
Rồi anh ta bấm nút tắt nguồn. Mình cáu:
– Cái thằng này, ngu thế, mày không biết tắt máy tính vậy nó hỏng đi à?
Hắn vội bảo:
– Thôi anh, không sao đâu. Còn cái máy tính kia có gì không?
Mình bảo: Có bàn phím, ổ chứng và các phần mềm…
Hắn cười và bảo:
– Thôi, được rồi.
Cuộc khám xét kết thúc và mình đẩy đồ ra khi bạn bè chờ phía ngoài, dọc đường Hiếu Buôn Gió bảo mình:
– Anh chưa về đã thấy hai xe biển xanh của Bộ công an đón từ nãy phía ngoài.
Nhưng, chẳng có gì lớn. cả hội kéo nhau về Cầu Giấy vào quán vỉa hè mở chai rượu uống mừng ngày hội ngộ sau chuyến đi Mỹ.
Đêm đó về ngủ, sáng hôm sau đi gặp anh em biểu tình tại Cột cờ Hà Nội.
Đã 9 năm, câu chuyện ngày đó bây giờ mới kể.
Một kỷ niệm vui.
31.7.2020 – 2011.
JB Nguyễn Hữu Vinh