Trân Văn – VOA
Bởi bà Thoa từng khẳng định, trong kê khai thu nhập – tài sản hàng năm, bà luôn luôn trung thực nên nhiều người cho rằng…
Không soạn giả nào đủ khả năng tưởng tượng để viết được một vở cải lương hoặc vở kịch về phòng – chống tham nhũng tại Việt Nam hay hơn tiến trình điều tra – xử lý vụ án “vi phạm quy định về quản lý đất đai” và “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”, liên quan tới việc chuyển hóa quyền sử dụng 6.000 mét vuông đất ở trung tâm TP.HCM!
6.000 mét vuông công thổ này được giao cho một doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công Thương (Sabeco) sử dụng. Giữa thập niên 2010, Bộ Công Thương cho phép Sabeco thành lập một liên doanh, sau đó tiếp tục cho phép Sabeco chuyển nhượng hết cổ phần của nhà nước trong liên doanh đó cho đối tác, rồi chính quyền TP.HCM cho đối tác này thuê 6.000 mét vuông ấy với giá rẻ…
Ba năm sau vụ chuyển hóa quyền sử dụng 6.000 mét vuông đất gây thiệt hại cho công quỹ chừng… vài ngàn tỉ đồng, tám viên chức ở TP.HCM bị Bộ Công an khởi tố. Mất thêm hai năm miệt mài… điều tra, Bộ Công an quyết định khởi tố thêm ba viên chức từng lãnh đạo Bộ Công Thương – trực tiếp dính líu đến vụ chuyển hóa quyền sử dụng đất vừa kể…
Quyết định khởi tố ông Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Công Thương), bà Hồ Thị Kim Thoa (cựu Thứ trưởng Công Thương), ông Phan Chí Dũng (cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ của Bộ Công Thương) được công bố cùng lúc với việc công bố Kết luận Điều tra, xác định bà Thoa là tác nhân chính song Bộ Công an công bố thêm quyết định đình chỉ điều tra với bà Thoa vì bà đã… bỏ trốn (1)!
***
Bà Thoa vốn đã nổi tiếng từ lâu. Vào năm 2000, bà Thoa vốn chỉ là nhân viên Phòng Kế hoạch cùa Công ty Bóng đèn Điện Quang (DQC) – một doanh nghiệp nhà nước – được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc DQC. Năm 2005, sau khi DQC được cổ phần hóa, bà Thoa kiêm nhiệm thêm vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị của DQC vì bà, hai cô con gái, mẹ, em, em dâu, nắm trong tay đa số cổ phiếu của DQC.
Năm 2010, bà Thoa được cất nhắc làm Thứ trưởng Bộ Công Thương. Ông Hồ Quỳnh Hưng, em trai bà Thoa thay chị đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc DQC. Một trong hai cô con gái của bà vừa là thành viên Hội đồng Quản trị, vừa đảm nhận vai trò Phó Tổng giám đốc DQC. Ông Hồ Đức Lam, một người em trai khác của bà Thoa tuy không có cổ phần tại DQC nhưng là thành viên Hội đồng Quản trị của DQC và sau khi Công ty Nhựa Rạng Đông (RDP) – một doanh nghiệp nhà nước khác – được cổ phần hóa, ông Lam có trong tay 65% cổ phiếu của RDP nên trở thành người điều hành doanh nghiệp gốc nhà nước này.
Cho đến giờ này vẫn chưa ai thử tìm hiểu xem việc bà Thoa là Thứ trưởng Bộ Công Thương liên quan như thế nào tới chuyện tháng 9 năm 2014, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) – nơi giám sát việc sử dụng vốn nhà nước trong các doanh nghiệp – quyết định rút hết vốn ra khỏi DQC và tháng 8 năm 2015, SCIC đã thực hiện hành động tương tự với RDC.
SCIC không có những động tác khác thường này đối với hai doanh nghiệp thuộc loại “ăn nên, làm ra” thì sau khi cổ phẩn hóa, hai doanh nghiệp nhà nước thuộc sở hữu toàn dân vẫn chưa thể trở thành tài sản của riêng bà Thoa và gia đình bà. Năm 2017, riêng tại DQC, bà Thoa và gia đình nắm giữ 11 triệu 780 ngàn cổ phiếu, trị giá lượng cổ phiếu này khoảng… 800 tỉ đồng.
Bà Thoa chỉ bị đảng ta để ý sau khi xảy ra scandal Trịnh Xuân Thanh và đảng ta xác định bà là một trong những người trực tiếp dính líu tới việc sắp đặt, bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh sai qui định. Lúc đầu, bà chỉ bị “khiển trách”. Sau đó, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) của BCH TƯ đảng quyết định “cảnh cáo”. Quyết định “cảnh cáo” của UBKT của BCH TƯ đảng được công bố cùng lúc với sự kiện bà Thoa “nộp đơn xin thôi việc” (2).
Có một điểm đáng chú ý là dường như Đơn xin thôi việc của bà Thoa đã hóa giải toàn bộ trách nhiệm của bà: Từ chuyện định giá DQC để giải tư, chuyển nhượng cổ phần của DQC, đến chuyện chuyển nhượng 4.000 mét vuông đất ở quận 4, TP.HCM (3)… Kể cả khi UBKT thuộc BCH TƯ đảng liệt kê hàng loạt chuyện liên quan đến bà và rồi kết luận đó là những sai phạm “nghiêm trọng”!
Đã tròn ba năm từ khi UBKT của BCH TƯ đảng xác định bà Thoa có nhiều sai phạm “nghiêm trọng” – những sai phạm mà chỉ dựa theo kết luận của UBKT thuộc BCH TƯ đảng công bố tại kỳ họp thứ 16 (tháng 7 năm 2017) đã khiến công quỹ thiệt hại hàng trăm tỉ đồng và mất hai năm tính từ khi Bộ Công an khởi tố vụ chuyển nhượng 6.000 mét vuông đất ở trung tâm TP.HCM, “ta” mới nhìn ra rằng cần truy cứu trách nhiệm hình sự của bà Thoa, ít nhất là trong vụ chuyển nhượng 6.000 mét vuông đất ở trung tâm quận 1. Chỉ tiếc là bà Thoa nhìn xa, thấy nhanh hơn “ta” nên bà đi trước một… bước. Một số nguồn thạo tin khẳng định trên mạng xã hội rằng bà Thoa đã qua Pháp định cư.
Trong… dở (bà Thoa bỏ trốn) có… hay! Khi “ta” công bố cùng lúc hai quyết định: Quyết định khởi tố và quyết định tạm đình chỉ điều tra – thì “ta” tạo ra một cái sọt lớn cho những bị can khác như bị can Vũ Huy Hoàng có chỗ để trút trách nhiệm. Kết luận Điều tra đã ghi chép rất cẩn thận ý kiến của ông Hoàng rằng ông chỉ chịu trách nhiệm vì là Bộ trưởng Công Thương còn bà Thoa mới là người… chịu trách nhiệm chính!
***
Cách nay ba năm, khi UBKT của BCH TƯ đảng công bố kết luận xác minh và kỷ luật bà Thoa, ông Lê Văn Cương (Thiếu tướng, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược của Bộ Công an) khẳng định đó là một biểu hiện rất nghiêm túc, khách quan, đáng mừng. Bởi bà Thoa từng khẳng định, trong kê khai thu nhập – tài sản hàng năm, bà luôn luôn trung thực nên nhiều người cho rằng, việc kê khai thu nhập – tài sản mà không bận tâm đến nguồn gốc tài sản là không thỏa đáng, ông Cương nhìn nhận đó là sự lỏng lẻo cả về quy chế, quy trình lẫn hệ thống giám sát quản lý (4). Đến giờ, sự lỏng lẻo đó vẫn còn, không phải do vô tình mà là cố ý. Từ hệ thống chính trị đến hệ thống công quyền cùng kiên quyết từ chối xác định “giàu có bất minh” (không thể giải thích hợp lý về nguồn gốc tài sản) là tội phạm, cần xử lý hình sự (5) nên liên tục để sót vô số đồng chí.
Nếu chống tham nhũng thật sự không có ngoại lệ, không có vùng cấm, tại sao ba năm qua, cho dù UBKT của BCH TƯ đảng đã xác định là có nhiều sai phạm “nghiêm trọng” trong việc định giá DQC để cổ phần hóa, chuyển nhượng cổ phần,… mà vẫn không ai yêu cầu, không nơi nào làm gì cả? Dẫu bà Thoa đã nằm ngoái tầm với của “ta” nhưng tài sản của bà, với rất nhiều câu hỏi, vẫn còn đó!
Cứ khăng khăng bảo rằng, kỷ luật bằng xử lý hành chính, hoặc xử lý hình sự một số viên chức như bà Thoa là bằng chứng về sự quyết liệt trong chỉnh đốn đảng nhưng lờ đi việc công bố các tờ khai tài sản cho dân chúng giám sát và không dốc toàn lực trong việc thu hồi công sản đã bị biến thành tài sản cá nhân chẳng khác gì càng… quyết thì nguy cơ nội lực của quốc gia, dân tộc bị… liệt càng lúc càng cao!
Chú thích
(1) https://thanhnien.vn/thoi-su/de-nghi-truy-to-cuu-bo-truong-vu-huy-hoang-va-9-bi-can-1251138.html
(3) https://laodong.vn/kinh-te/ba-ho-thi-kim-thoa-da-thoi-4700-met-vuong-dat-bay-vao-tui-ai-688416.bld