- tuankhanh’s blog – RFA
Ngày 18 tháng 5 âm lịch hàng năm là ngày mà những tín đồ đạo Phật giáo Hoà Hảo (PGHH) vẫn làm lễ lớn, để tưởng nhớ Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ đã sáng lập ra hệ phái tín ngưỡng này. PGHH có tên gọi này, bởi được ghép từ hai ý nghĩa hiếu hoà và giao hảo để tạo nên chính lý. Sự có mặt của PGHH là một trong những chi tiết vô cùng độc đáo của lịch sử Việt Nam giai đoạn kháng Pháp, và xiển dương chủ nghĩa dân tộc chống độc tài.
Trong khi ở phía Bắc nổi lên Việt Nam Quốc Dân Đảng, thì ở phía Nam sự có mặt của PGHH là những lực lượng khiến cho người Pháp vô cùng lo ngại, và cũng là những cái gai trong mắt của tổ chức Việt Minh, tiền thân của đảng Cộng sản Việt Nam. Lý do đơn giản là PGHH tham gia tranh đấu với tiêu chí dứt khoát là dùng đạo nghĩa của người Việt để đoàn kết tương trợ lẫn nhau, và giành độc lập cho người Việt Nam, nước Việt Nam chứ không phụ thuộc vào một lý tưởng chính trị nào bên ngoài, và dứt khoát không chấp nhận độc tài.
Với những người không phải là tín đồ PGHH, chỉ riêng việc thu hút và thành công trong việc tạo ra một tập hợp rộng lớn, từ một vị thanh niên nho nhã, lúc chỉ mới 19 tuổi đã là một sự kỳ lạ đáng nể. Vào lúc khai đạo năm 1939, số người miền Nam theo đạo Phật Giáo Hoà Hảo đã lên đến vài trăm ngàn người. Có những buổi thuyết giảng, dân chúng kéo đến nghe đã chục ngàn người, khiến người Pháp ghép ông vào tội truyền bá chính trị và đưa đi giam lỏng ở Sa Đéc, Cần Thơ, Bạc Liêu… nhưng bất kể nơi nào có tin Đức Thầy đến, dân chúng tấp nập kéo về xin nghe thuyết giảng và xin được làm tín đồ.
Những lời kêu gọi yêu nước thương nòi như tố cáo hiện trạng của Đức Thầy, khiến người Pháp tức giận giam Đức Thầy vào nhà thương điên Chợ Quán. Tương tự như cách đã áp dụng với chí sĩ Phan Bội Châu, khi bắt cóc cụ ở Thượng Hải và đem về Hà Nội xử án (1925), người Pháp chuẩn bị bí mật đưa Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ qua Lào để tiêu diệt một nhân vật có ảnh hưởng đến phong trào đòi độc lập ở An Nam thì tin này bị lộ ra ngoài, nên các tín đồ PGHH đã tập trung đi giải vây cho ngài. Khí thế lúc ấy rất mạnh, không khác gì khi dân Việt Nam nghe tin Pháp định xử tử cụ Phan Bội Châu, thậm chí còn mạnh hơn vì có hiến binh Nhật tham gia.
Nhưng vì lý lẽ gì mà PGHH lại có thể thu hút lượng tín đồ nhanh và mạnh mẽ như vậy? Ngoài tài diễn thuyết, thuyết pháp bằng thơ văn, Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ còn đề ra những tiêu chí, kêu gọi mọi người phải luôn ghi nhớ bốn trọng ân của một người Việt, mà ngài nói rằng đã có từ thời Đức Thầy Tây An (tức người đã lập ra giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương – một người yêu nước và cải cách việc tu tập Phật giáo không cầu kỳ và hình thức).
Bốn trọng ân đó, còn gọi là Tứ Ân Đức, gồm
1. Ơn tổ tiên cha mẹ.
2. Ơn đất nước.
3. Ơn Tam Bảo
4. Ơn đồng bào và nhơn loại.
Thoạt nhìn, Tứ ân đức là những quy ước tu tâm, nhưng thật ra, ẩn sâu trong đó là chủ nghĩa dân tộc duy nhất. Phối hợp với việc giản đơn trong thờ cúng và màu nâu phục trang, đạo nghĩa làm người, đúng với tinh thần của người Việt, đã khiến người người kéo nhau đến tham gia.
Chuyện kể rằng có một người gốc Hoa vì quá hâm mộ Đức Thầy nên xin theo đạo, nhưng lại không thể ăn chay được. Ông này đến vấn ý và khóc nói rằng không hiểu vì sao không nhịn ăn thịt nổi theo lời dạy. Đức Thầy bèn hỏi rằng ông ta một tháng ăn được mấy ngày; vị này nói mỗi ngày chỉ ăn được một buổi thôi. Đức Thầy cười và nói “vậy chú đã ăn được đến 15 ngày trong tháng rồi, vậy cũng là tốt quá so với nhiều người, nên có gì là buồn?”. Kể vậy, để biết sự đơn giản và gần gũi của PGHH từ ngày ấy rất thích hợp với người Nam Bộ, nên đã thu hút được rất nhiều tín hữu.
Tư tưởng Tứ ân đức, ngay từ đầu, đã khác biệt với lý tưởng hy sinh cho quốc tế cộng sản của Việt Minh đã khiến cho PGHH và Việt Minh đi vào chỗ xung đột một mất một còn. Năm 1945, sau khi tiếm quyền từ vua Bảo Đại, những người cộng sản đã ra sức tiêu diệt những ai bị coi là đối thủ, vì không muốn mất sức cho công cuộc nhất nguyên về sau. Nhiều cuộc ám sát hay xử tử công khai là chuyện đã xảy đến với không ít người Việt trí thức, yêu độc lập, một cách vô lý và bất ngờ. Chẳng hạn như ở ngoài Bắc, Nguyễn Bá Trác (1881-1945) bị Việt Minh lôi ra xử bắn ở Bình Định vì tội làm việc với người Pháp. Ở trong Nam, em trai của Đức Thầy là Huỳnh Thanh Mậu, anh họ của học giả Nguyễn Hiến Lê là Nguyễn Xuân Thiếp bị kết tội muốn lật đổ Việt Minh nên bị xử bắn ở Cần Thơ. Tất cả những vụ như vậy, chỉ có lời kết án của toà án cách mạng, và không có nạn nhân nào được quyền biện hộ.
Nhưng vì sao giữa PGHH và Việt Minh, và sau đó là Cộng sản, lại có những xung đột dữ dội như vậy? Đơn giản là từ đầu, Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ đã xác định Việt Minh là một nhánh của Đệ Tam Cộng Sản. Vốn có một lực lượng vũ trang được hình thành cho việc kháng Pháp, sự hùng mạnh của PGHH cũng trở thành một đối thủ, mà Việt Minh biết là cần phải dẹp bỏ bằng bất cứ giá nào.
Chính vì vậy, ngày 8 tháng 9/1945, nhìn thấy khuynh hướng độc đảng của Việt Minh, PGHH đã có một biểu tình – là cuộc biểu tình đầu tiên trong lịch sử Việt Nam không chấp nhận thể chế độc tài cộng sản, đòi hỏi một chế độ dân chủ – tại Cần Thơ. Theo báo chí lúc đó, đã có khoảng 20.000 người tham gia để biểu thị một tinh thần ôn hoà đòi độc lập và một chế độ dân chủ. Nhưng ngay sau đó, những tín đồ PGHH đã bị đáp trả: hàng ngàn người bị Việt Minh chận bắt hoặc giết chết.
Theo lời kể nhà văn Hứa Hoành, tác giả các sách như Biên Hùng Liệt Sử, Những Phú Hộ Lừng Danh Nam Kỳ, Các Giai Thoại Nam Kỳ Lục Tỉnh… thì khi đối mặt với Trần Văn Giàu, người đứng đầu Lâm Uỷ Hành Chánh của Việt Minh ở miền Nam, ông có hỏi rằng “Sao cách mạng thành công rồi mà còn giết quá nhiều người có tài, có đức?” Thì Trần Văn Giàu trả lời rằng “Cách mạng cần đức để làm gì? Có cuộc cách mạng nào mà không giết người?”.
Một ngày sau, ngày 9-9-1945, Việt Minh tổ chức vây bắt Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ ở số 8 Sohier, góc đường Miche nhưng không thành công. Từ đó, sự xung đột giữa Việt Minh và PGHH ngày càng lên cao, khi các lực lượng vũ trang của PGHH bắt đầu ăn miếng trả miếng các cuộc tấn công, đặc biệt khi Trần Văn Giàu tung tin tuyên truyền là PGHH chuyên giết người ăn thịt.
Năm 1947, vì muốn hoá giải sự xung đột đẫm máu này, Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ đến Đồng Tháp Mười, để gặp Bửu Vinh, đại diện của phía Việt Minh để bàn hòa ước. Lúc đi, ngài chỉ mang theo 4 người hộ vệ, chèo xuồng vào nơi họp. Chuyện xảy ra lúc khoảng 8g tối, khi cuộc thảo luận chưa dứt, đột nhiên xuất hiện 8 người của bên Việt Minh xông vào đâm, bắn. Duy chỉ có một hộ vệ duy nhất là anh Phan Văn Tỷ thoát được, là người kể lại sự việc lúc ấy. Anh Tỷ còn thấy trong lúc hỗn loạn, chính trị viên đại đội 66 của Việt Minh là Đào Công Tâm giơ súng ngắn nhắm vào Đức Thầy, nhưng Đức Thầy đã nhanh tay hất tắt ngọn đèn khiến trong phòng tối om, không còn ai biết gì sau nữa. Hôm đó là 16-4-1947.
Người cộng sản sau đó không xác nhận mình đã giết Đức Thầy, còn phía tín hữu PGHH thì cũng không tin Đức Thầy đã chết. Đó là một bí ẩn lịch sử mà chắc nhiều thập niên nữa mới có lời đáp. Người PGHH còn tin rằng, với sự kiêu ngạo của cộng sản lúc ấy, nếu giết được Đức Thầy, họ sẽ trưng ra bằng chứng để bóp chết mọi niềm hy vọng của gần 2 triệu tín đồ Hoà Hảo lúc ấy.
Người thân của mình bị giết, tín đồ của mình bị hãm hại… đã có nhiều giả thuyết cho là nếu Đức Thầy còn sống, ắt ngài sẽ rất tức giận và trả thù, hoặc khuyến khích sự trả thù. Thế nhưng ngược lại, vào giai đoạn 1946-1947, khi mâu thuẫn lên cao, lòng người PGHH phẫn uất đòi đánh trả mạnh hơn, chính Đức Thầy có để lại hai câu thơ khuyên can rằng:
“Hãy thương lấy những Việt Minh
Đó là mặt trận của mình ngày sau”.
Đó là lịch sử. Và lịch sử cần được kể đúng, nghĩ đúng. Vì lịch sử không phục vụ cho một ai, hay cho một chế độ nào, mà lịch sử là bài học cho một Việt Nam tương lai, bất luận đau đớn hay phũ phàng thế nào.