VietTuSaiGon’s blog – RFA
Tại buổi tiếp xúc cử tri tại quận Cái Răng, Cần Thơ vào hôm nay, thứ Ba ngày 23 tháng 6, bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói “Nâng máy xét nghiệm từ hai tỉ lên bảy tỉ là ăn quá dày, phải làm rõ vấn đề…”. Câu nói này, mới nghe thì cử tri sẽ vỗ tay và xem như họ thỏa lòng, giải tỏa được nỗi bức xúc bấy lâu nay. Nhưng thực ra, trong sâu xa vấn đề, cả người nói và người nghe (vỗ tay) đều có vấn đề trầm trọng, vô hình trung nó cho thấy một thứ văn hóa ngấm ngầm theo kiểu tảng băng trôi đang làm kẹt dòng chảy phát triển của Việt Nam – thứ văn hóa tham nhũng. Và một khi tham nhũng đã thành văn hóa của giới quan chức thì đương nhiên, cách nói về nó sẽ thay đổi, sẽ nhìn theo chiều kích đồng thuận, thỏa hiệp. Và sự xuống cấp đạo đức không còn là xa lạ, vấn đề là nó được hiển lộ bao nhiêu phần trăm trước bàn dân thiên hạ mà thôi!
Trong tiến trình phát triển của Nam Hàn, người ta nhớ đến câu nói nổi tiếng của Cố Tổng thống Park Chung Hee: “… Tôi sẽ bắn bất kì kẻ nào ăn cắp của công dù chỉ một đồng. Tôi sẵn lòng chết cho lý tưởng đã đề ra.” Và đất nước Nam Hàn từ một quốc gia có nền kinh tế què quặt, thiếu thốn, chấp nhận đưa lính đi đánh thuê… đã trở thành một cường quốc khu vực, cường quốc châu Á. Sở dĩ có được ngày hôm nay, Nam Hàn không thể phủ nhận tinh thần và công lao của ông Park, bởi chính cái tinh thần bài trừ tham nhũng, lấy liêm chính làm kim chỉ nam xây dựng quốc gia của ông đã giúp cho đất nước không có đội ngũ quan tham, sâu mọt, đục khoét của dân, chí ít cũng trong thời đoạn ông làm lãnh đạo.
Nhắc tới ông, chỉ để muốn nhấn mạnh rằng vấn đề tham nhũng, hoặc là có, hoặc là không. Nếu có tham nhũng thì đất nước dẫn đến tình trạng bệ rạc, điêu đứng, phe nhóm cát cứ và người dân còng lưng gánh chịu thuế, gánh chịu nợ công, gánh chịu sự bức xúc, bất công. Nếu không có tham nhũng thì người dân cùng chung tay với chính phủ xây dựng, kiến thiết quốc gia, cùng hướng tầm nhìn của mình về một quốc gia tươi sáng, quật cường trong tương lai. Nói như vậy để thấy rằng tham nhũng không thể có chuyện tham nhũng một đồng thì bỏ qua, tham nhũng nhiều đồng thì xét tội. Và nói như vậy để thấy rằng chính sách chống tham nhũng của Việt Nam đã hỏng hóc từ những năm 1990 của thế kỉ trước.
Nếu như trước đây, tại điều 279 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định nhận hối lộ trên 300 triệu đồng sẽ bị tử hình thì tại điều 354 bộ luật hình sự đã bổ sung sửa đổi năm 2015, có qui định ‘tội nhận hối lộ có khung hình phạt cao nhất là 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình nếu nhận của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 01 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 05 tỷ đồng trở lên’. Và đây là cơ hội tốt nhất cho mọi kiểu tham nhũng, hối lộ, con số tham nhũng, hối lộ nếu nhát gan thì sẽ giữ ở chừng mực dưới 1 tỷ hoặc dạn dày một chút thì sẽ hô biến, chẻ nhỏ từ vài tỉ xuống còn vài trăm triệu đồng. Đương nhiên là điều khoản này quá lạc hậu đối với bây giờ bởi đồng tiền Việt mất giá, nếu tử hình với mức tham nhũng, hối lộ 1 tỷ thì có lẽ phải tử hình gần hết hệ thống quan chức Việt Nam. Và điều đáng bàn ở đây chính là ngay trong qui định về tham nhũng từ trước đến nay cũng đã có sự mặc nhiên chấp nhận sự tham nhũng, không có sự rốt ráo, triệt để trong chống tham nhũng. Bởi một khi quyết tâm xây dựng đất nước trong sạch, lành mạnh thì không thể chấp nhận bất cứ mức tham nhũng nào, đặc biệt, xét trên góc độ tiêu chuẩn đảng viên, xây dựng đảng thì việc bất kì đảng viên nào tham nhũng dù chỉ một đồng cũng đã đi lệch tiêu chuẩn/tiêu chí xây dựng đảng. Đó là chưa muốn nói đến vấn đề xây dựng quốc gia, trong lúc đất nước đang xây dựng và phát triển, việc bất kì cán bộ nhà nước nào có dấu hiệu tham nhũng đều cần được loại bỏ khỏi hệ thống.
Tuy nhiên, việc định ra mức giá để xử phạt tội tham nhũng là một cách để ngỏ cho kẻ tham nhũng có cơ hội tính toán và hành sự. Và bằng chứng của vấn đề thất bại này là hàng loạt các công trình đội vốn, đắp chiếu, từ Vinashin, Vinalines, nhà máy lọc dầu Dung Quốc, nhà máy tinh luyện đường, gang thép Thái Nguyên… cho đến dường sắt Cát Linh – Hà Đông. Sự tham nhũng, ăn chia, bè phái đã làm cho nền kinh tế đứng bên bờ kiệt quệ. Ngay cả những nhóm ngành lấy thiên lương làm kim chỉ nam như giáo dục, y tế cũng nở rộ tham nhũng. Và vấn đề bà Ngân mới nhắc đến chính là vấn đề tham nhũng của ngành y tế, một cái vảy tham nhũng trong một con cá tham nhũng to tướng. Và không riêng gì lĩnh vực y tế, lại thêm một vấn đề đáng bàn khác, ấy là bà Ngân là lãnh đạo của một cơ quan đại diện cho tiếng nói của nhân dân, lẽ ra bà phải có thái độ chống tham nhũng quyết liệt chứ không thể nói theo kiểu ầu ơ thỏa hiệp như vậy được.
Bởi ở đây bà Ngân nói “ăn quá dày” chứng tỏ rằng trong bà đã có khái niệm ăn dày, ăn mỏng và thứ hoạt động tham nhũng đã ăn dằm trong hệ thống. Hơn nữa, vì ăn quá dày nên mới xử lý, chứng tỏ rằng nếu ăn mỏng thì có thể du di, bỏ qua. Và hơn hết, chữ nghĩa, lời nói của một người đại diện cho nhân dân lại mang hơi hướm của người kẻ chợ, lại nói chuyện “dày – mỏng” nghe cứ như dân cá độ bóng đá hay dân anh chị đang bàn luận với nhau về một cú áp phe nào đó. Bởi, với cương vị Chủ tịch Quốc hội, bà Ngân chỉ được phép bày tỏ và đưa ra quan điểm chống tham nhũng, tuyệt đối không được phép định giá trong vấn đề này. Vì định giá cũng có nghĩa là đã có sự chấp nhận, công nhận hiện tượng. Và một khi đã có định giá thì đương nhiên hiện tượng đó không những không được tiêu trừ mà còn tiếp diễn, thậm chí còn nảy nở tỉ lệ thuận với phát triển kinh tế và hàm chứa rủi ro quốc gia.
Ở đây, cách trả lời cử tri của bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho thấy thái độ hoàn toàn không nghiêm túc của một bà Chủ tịch Quốc hội trước nhân dân, thậm chí nó cho thấy ngay trong bản thân bà đã có sự mặc định về chuyện ăn mỏng, ăn dày, về thứ văn hóa tham nhũng đang tràn lan đất nước. Và, liệu đây có phải là cách bà Ngân lấy lòng đàn em quan chức bên dưới, cách bà bắn tiếng cho họ rằng “với tao, chuyện tham nhũng tao không chấp, nhưng đừng ăn quá dày, ăn dày lộ mặt thì tao buộc lòng phải mất lòng tụi bay” trong lúc ông Nguyễn Phú Trọng đang cố gắng đốt lò chống tham nhũng để làm sạch hệ thống?
Liệu cách nói của bà Ngân có phù hợp với vị trí Chủ tịch Quốc Hội? Hay là cách nói của một chị đại đang đi vận động, lấy lòng một đám đàn em ô hợp đang sợ sốt vó trước công cuộc truy tìm kẻ tội phạm (cụ thể ở đây là tội tham nhũng)? Và đây có phải là cách để thu phục đàn em trước đại hội đảng 13? Dường như mọi câu hỏi cũng chỉ là câu hỏi. Vấn đề đáng bàn, đáng buồn ở đây lại là chuyện về cung cách, nhân cách và tư cách của một vị Chủ tịch Quốc hội, vị đại diện nhân dân tối cao lại có gì đó bất ổn, mang giọng điệu chị đại giang hồ. Và một khi giới quan chức lãnh đạo có giọng điệu kiểu như vậy thì đừng trách xã hội trở nên bất ổn và khủng hoảng!