Người viết: Anh Hoàng
Chính sách triển khai mô hình dự án hợp tác công tư: Build- Transfer (BT) nhằm mục đích giúp chính phủ giảm ngân sách cho các dự án đầu tư công; tuy nhiên, chính sách này đã bị lợi dụng để các doanh nghiệp bắt tay với các quan chức để trục lợi. Do đó, chiều 18.6, Quốc hội đã thông qua luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Như vậy, kể từ thời điểm ngày luật này có hiệu lực (1.1.2021), sẽ không còn bất cứ dự án nào được đầu tư bằng hình thức BT. Thậm chí, điều 101 của luật này cũng quy định, các hợp đồng BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư dừng thực hiện kể từ ngày 15.8.2020.
Theo mô hình dự án BT các dự án công sẽ được thực hiện hoàn toàn bởi các nhà thầu tư nhân, sau khi kết thúc dự án nhà thầu có trách nhiệm chuyển giao cho nhà nước quản lý, các nhà thầu sẽ được những ưu tiên trong các dự án tiếp theo, cũng như được bán đất công với giá ưu đãi để tái đầu tư. Mô hình trở thành công cụ hữu hiệu để một số quan chức trục lợi và doanh nghiệp kiếm lợi. Cụ thể, các dự án BT không được thực hiện xác định nhà thầu thông qua đấu thầu mà thông qua hình thức chỉ thầu. Kết quả, nhiều quan chức nhận được nhiều khoản hối lộ từ các doanh nghiệp để mong được nhận thầu từ các dự án này dù năng lực tài chính, chuyên môn không đảm bảo hoàn thành dự án. Kết quả, nhiều công trình bị đội vốn khi thực hiện, chất lượng cũng khó được đảm bảo. Nhà nước tiếp tục phải chi thêm tiền để hoàn thiện dự án, sau khi kết thúc dự án các chủ thầu được hưởng lợi khi nhận lại những mảnh đất vàng đắc địa và nhiều tài sản công có giá trị với giá rẻ gây thất thoát ngân sách của nhà nước. Ví dụ như dự án tại thành phố Hải Phòng, Uỷ Ban Nhân Dân Thành phố Hải Phòng đã chỉ định thầu cho Công ty cổ phần Đầu tư dịch tài chính Hoàng Huy (Công ty Hoàng Huy) triển khai các dự án cải tạo chung cư cũ theo hình thức BT. Trong đó, đáng chú ý có dự án cải tạo chung cư cũ HH3, HH4 tại phường Đồng Quốc Bình, Quận Ngô Quyền.
Với dự án này, Công ty Hoàng Huy đã được Uỷ Ban Nhân Dân Thành phố Hải Phòng ưu tiên giao cho 99 ha đất sạch, vị trí đắc địa. Sau đó, phía Công ty Hoàng Huy đã đầu tư nhiều dự án bất động sản như trung tâm thương mại, khu đô thị, nhà liền kề, biệt thự.
Đáng nói, mức giá mà Uỷ Ban Nhân Dân Thành phố Hải Phòng phê duyệt khi giao đất chỉ khoảng 3,8 triệu đồng/m2, còn giá mà nhà đầu tư sau đó bán các sản phẩm trên lô đất này lên tới hàng chục triệu đồng/m2.
Bên cạnh các dự án BT, các dự án BOT ( Build-Operate-Transfer) cũng những được nhiều phản hồi tiêu cực của người dân khi thu phí quá cao trong quá trình vận hành để hoàn vốn, nhiều dự án được vẽ ra để kiếm lời và ép người dân sử dụng. Đây là vấn nạn mà chính phủ cần sớm giải quyết nếu muốn chấm dứt tình trạng thâm hụt ngân sách và phát triển hạ tầng để kích thích thương mại và sản xuất cho dự phát triển kinh tế của đất nước.
Nguồn tham khảo:
https://thanhnien.vn/thoi-su/lo-that-thoat-ngan-sach-quoc-hoi-khai-tu-du-an-bt-1239588.html