Mỹ Tàu đấu nhau và thế kẹt của con tốt Việt Nam

- Quảng Cáo -

Đỗ Ngà|

Sau COVID-19 Mỹ, Nhật đang bung tiền hỗ trợ các doanh nghiệp của họ rút nguồn đầu tư ra khỏi Trung Cộng. Điều này sẽ dẫn tới nguồn thu ngân sách chính phủ giảm, thất nghiệp tăng, xuất khẩu giảm và GDP giảm. Đứng trước làn sóng không thể ngăn chặn như vậy, thì ngày 22 tháng 5 năm 2020, Quốc Hội Trung Cộng đã nhóm họp định hình lại nền kinh tế. Họ rất thực tế, họ đã chấp nhận hy sinh tăng trưởng GDP để phát triển sức mua nội địa nhằm hạn chế sự phụ thuộc của nền kinh tế vào xuất khẩu. Họ đã biết cách làm thế nào để giảm thiểu cú sốc do các FDI rút đi hàng loạt gây ra. CS Tàu rất giỏi và biết ứng phó chứ không ngồi bàn chuyện trên mây như BCT CS Việt Nam đâu.

Song song với tình hình rút đầu tư ra khỏi Tàu Cộng, tổng thống Trump còn chặn đường đánh dập đầu những con rắn độc do chính quyền Trung Cộng thả ra như Huawei hay ZTE vv… Riêng Huawei, Tổng thống Trump cho truy đập nó tới cùng. Năm ngoái ông đã tác động Google ngưng cung cấp giải pháp phần mềm cho Huawei, thì đến hôm nay ông chặn nguồn cấp chip cho công ty làm công ty này đang lâm vào tình thế khó khăn hơn bao giờ hết. Như vậy qua đây chúng ta thấy rất rõ cách mà tổng thống Trump tấn công kinh tế Tàu, kế sách rất rõ ràng được thực hiện rất nhịp nhàng. Thứ nhất, rút ruột nền kinh tế Tàu, thứ nhì là chặt đứt các vòi bạch tuộc Tàu. Thế nhưng liệu rằng nền kinh tế Tàu đã bị tác động chưa?

Thông thường như chúng ta thấy, khi trong nước khó khăn, lòng dân bất mãn thì chính quyền Trung Cộng sẽ hướng sự bất mãn nhân dân ra khỏi biên giới bằng cách gây hấn với láng giềng. Có 2 vùng mà Tàu Cộng thường hay dùng để giải quyết bực dọc nội tâm, đó là Biển Hoa Đông và Biển Đông. Khi sự gây hấn leo thang thì cũng có nghĩa là bên trong nước Tàu đang có vấn đề. Hiện nay, mồi lửa Hồng Kông thì cứ âm ỉ cháy, còn bên trong Đại Lục thì kinh tế đang khủng hoảng rất dễ là dân bất mãn chế độ. Mà lòng dân bất mãn thì chẳng khác nào thứ rơm khô dễ bắt lửa cả. Rơm khô gần lửa thì về lâu về dài khó mà giữ được cho rơm khỏi cháy. Tình thế nguy hiểm này chắc chắn Bắc Kinh không thể nào không tính đến.

- Quảng Cáo -

Trước tình hình như vậy, Trung Cộng đang có các hành động leo thang căng thẳng trong khu vực. Hôm ngày 9 tháng 6, cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết một số phi cơ chiến đấu của Trung Cộng đi vào khu vực nhận diện phòng không của Đài Loan. Trước đó vào tháng 4, Nhật Bản cũng thông báo hàng không mẫu hạm của Trung Cộng đi từ khu vực gần đảo Okinawa của Nhật Bản đến Thái Bình Dương và biển Đông. Thế thì đã rõ, lại một lần nữa bên trong Đại Lục có vấn đề thì Trung Cộng lại gây hấn. Lần này với biển Hoa Đông. Còn vấn đề Biển Đông thì chắc chắn rồi Tập Cận Bình cũng giở trò trong những ngày sắp tới thôi.

Để ứng phó với tình hình, thì Nhật và Hàn đã có kế hoạch rất chu đáo, và trong kế hoạch của họ rõ ràng không thể thiếu sự hiện diện của Mỹ. Theo hãng tin Yonhap cho biết, thì ngày 10 tháng 9, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo nói rằng Hàn Quốc và Mỹ đã tiến hành một cuộc tập trận thể hiện năng lực sẵn sàng chiến đấu của không quân và một cuộc tập trận tích hợp hệ thống phòng thủ tên lửa. Trong khi đó theo Sputnik thì ngày 8 tháng 6, Mỹ đã cho xuất phát 3 tàu sân bay gồm: USS Nimitz rời cảng San Diego-California; tàu USS Ronald Reagan rời cảng Yokosuka-Nhật, và tàu USS Theodore Roosevelt rời đảo Guam nhằm đến Thái Bình Dương để chế ngự Trung Cộng.

Sự bắt tay chặt chẽ giữa Mỹ với Hàn và Mỹ với Nhật như thế dường như với Mỹ vẫn chưa đủ. Việc hợp tác với Nhật và Hàn chỉ trấn giữ con hổ dữ Tàu ở mạn Đông, còn ở mạn Tây thì sao? Được biết, ngày 10 tháng 6, Tổng Thư ký NATO- Jens Stoltenberg đã phát biểu rằng, NATO cần hành động cứng rắn để có thể đương đầu với cách hành xử “bắt nạt và áp bức” của Bắc Kinh, mặc dù ông này vẫn rất khéo léo khi nói rằng “NATO không coi Trung Quốc là kẻ thù”. Tất nhiên ngôn ngữ ngoại giao thì phải nói vậy, nhưng về hành động thì dường như NATO đã đi quá xa. Họ đã với đến tận Trung Quốc ở Á Châu, trong khi Trung Quốc chẳng liên quan gì đến vùng Bắc Đại Tây Dương – nơi mà NATO có nhiệm vụ bảo vệ.

NATO là Tổ chức Hiệp ước Quân Sự Bắc Đại Tây Dương. Tổ chức này hiện nay có 30 thành viên mà chủ yếu là các nước Âu Châu và 2 nước Bắc Mỹ mà thôi. Với các nước Âu Châu và Canada thì chắc chắn họ không có tham vọng soi mói chuyện Trung Cộng, vậy nên việc NATO chõ mũi vào chuyện của Trung Cộng thì điều đó chúng ta nên hiểu, đó là tham vọng của Mỹ chứ không ai khác. Như vậy là rõ ràng qua đây chúng ta thấy, Mỹ đang đánh Trung Cộng bằng kinh tế và về quân sự thì đang siết Trung Cộng ở mạn Tây và mạn Đông để con mãnh thú này không thể làm càn. Thế nhưng phía Nam Tàu Cộng thì sao? Phía Nam của Tàu Cộng là Biển Đông và các nước Đông Nam Á. Vùng này thì toàn là những quốc gia yếu nhưng lại rất “chảnh” không chịu gắn kết với Mỹ như Hàn và Nhật đang làm. Vì thế mà vùng Biển Đông sẽ là vùng dễ bị Trung Cộng bắt nạt nhất.

Nếu muốn bắt nạt những nước Đông Nam Á thì chắc chắn Việt Nam sẽ là nơi mà Trung Cộng gây hấn đầu tiên. Đã bao nhiêu năm nay chúng ta thấy rằng, Việt Nam cứ mãi làm cái bao cát cho Trung Cộng đấm đá xả stress. Vì sao như vậy? Vì mỗi lần Tàu Cộng giơ nắm đấm thì Ba Đình run rẩy nhượng bộ. Sự nhượng bộ dễ dàng của Ba Đình chắc chắn sẽ làm dân Đại Lục thỏa mãn. Lúc đó sự bất mãn của họ với chính quyền Bắc Kinh sẽ được hạ hỏa. Vậy nên, trong trò chơi của 2 nước lớn Mỹ-Tàu thì chúng ta thấy rằng, Việt Nam là nước thiệt nhiều nhất. Đất nước chúng ta rơi vào thế kẹt như vậy cũng bởi sự vô minh của ĐCS mà ra. Đó là cái giá mà chúng ta phải trả khi cúi đầu chấp nhận sự cai trị của cái đảng vô minh này./.

-Đỗ Ngà-

Tham khảo:

https://tuoitre.vn/google-ngung-hop-tac-nguoi-dung-dien-tho…

https://tuoitre.vn/my-chan-nguon-chip-cua-huawei-2020051519…

https://www.sggp.org.vn/trung-quoc-bo-qua-muc-tieu-gdp-thuc…

https://vietnamfinance.vn/nato-trung-quoc-khong-phai-ke-thu…

https://www.sbtn.tv/ba-hang-khong-mau-ham-cua-hoa-ky-den-t…/

https://www.sggp.org.vn/my-han-tap-tran-phong-thu-ten-lua-6…

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here