Người viết: Anh Hoàng
Sau khi chính phủ cho phép vài trường Đại Học công tự chủ tài chính, sự thay đổi này đã đem lại những tích cực cũng như những khó khăn nhất định cho sinh viên trong thời gian tới. Cụ thể, với mô hình tự chủ tài chính sẽ giảm tải gánh nặng ngân sách cho Nhà nước chi cho giáo dục. Bên cạnh đó, nhà trường sẽ chủ động hơn trong xây dựng các chương trình, nâng cao chất lượng giảng dạy để thu hút sinh viên tốt hơn để cạnh tranh lại các trường Đại Học tư ngày càng chất lượng hiện nay như FPT, RMIT, HUTECH, VINUNI, FULBRIGHT. Ngày nay tại các trường công Việt Nam không chỉ có những chương trình học chính quy, mà còn có chương trình chất lượng cao, tiên tiến, liên kết quốc tế với giáo trình hoàn toàn được nhập khẩu từ nước ngoài, những tài liệu học tập, cơ sở vật chất cũng được cải thiện đáng kể.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực từ chính sách tự chủ tài chính ở các Đại Học công Việt Nam, khi không còn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, các trường đại học công này đang phải tăng thu để cân bằng giữa chi phí và doanh thu. Ví dụ, với trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh , đề án học phí được trường xây dựng cho mùa tuyển sinh 2020 đã khiến dư luận bất ngờ vì học phí dao động trong các ngành từ 30 triệu đến 70 triệu một năm, mức này đã tăng lên gấp nhiều lần so với năm trước khi học phí chỉ dừng ở mức 13 triệu. Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng đã công bố mức học phí áp dụng cho sinh viên năm thứ nhất trong năm học tới. Theo đó, với chương trình đào tạo chuẩn, học phí sẽ dao động từ 20 đến 24 triệu đồng tùy từng ngành, mức này đã tăng so với mức từ 16-22 triệu đồng của năm ngoái. Riêng học phí các chương trình tiên tiến bằng 1,3 – 1,5 lần chương trình chuẩn cùng ngành.
Nhiều trường Đại Học công lập tăng học phí chóng mặt, có ngành gần 90 triệu đồng/năm
Đây sẽ là rào cản lớn đối với nhiều học sinh muốn bước chân vào giảng đường Đại Học cũng như theo đuổi ngành học đam mê. Mặc dù chính phủ đã có chính sách miễn giảm học phí cho sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể, căn cứ Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ, các con em thương binh, gia đình liệt sĩ, sinh viên tàn tật, khuyết tật, sinh viên hệ cử tuyển, sinh viên là dân tộc thiểu số, sống ở vùng kinh tế khó khăn, sinh viên thuộc hộ cận nghèo và nghèo sẽ được miễn 100% học phí. Tuy nhiên, với cơ chế và tình hình quản lý hành chính thiếu minh bạch và quan liêu ở Việt Nam như hiện nay, nhiều gia đình không được xếp là hộ nghèo, trong khi nhiều gia đình khá giả nhờ quan hệ lại được xếp là hộ nghèo. Chính trong quá trình hỗ trợ trong đại dịch Covid-19 tại Việt Nam đã phơi bày rõ ràng điều đó. Kết quả, sự tăng học phí sinh viên đại học đang là áp lực lớn đến nhiều hộ gia đình và có lẽ nhiều học sinh sẽ phải bỏ đi giấc mơ bước chân vào giảng đường và nhiều hệ lụy xấu sẽ đi kèm khi vấn đề này xảy ra.