Bộ Công An lại “nợ” luật biểu tình đến năm 2021

Người dân biểu tình vụ cá chết hàng loạt ở miền trung Việt Nam. Ảnh VOA/EPA
- Quảng Cáo -

Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân

Câu chuyện về “luật biểu tình,” tưởng đã trở thành dĩ vãng, bỗng dưng báo chí lề đảng nhắc lại vì Bộ Công An mới đây xin bà Kim Ngân “khất nợ” sang năm 2021 với một lý do vô cùng minh bạch là “chưa an tâm các nội dung quy định” vì sợ những thế lực  thù địch khai thác.

Hóa ra, đối tượng của luật biểu tình mà Bộ Công An soạn thảo không phải nhằm tôn trọng quyền hiến định của công dân mà chính là để làm sao không cho “thế lực thù địch” khai thác. Sự chần chừ không nộp dự thảo luật biểu tình của Bộ Công An đã cho thấy là bộ này cố tình vi phạm hiến pháp do chính chế độ soạn thảo và ban hành năm 2013.

Điều 25, Hiến Pháp CSVN đã quy định rằng: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”

- Quảng Cáo -

Ở hầu hết các nước trên thế giới, quyền biểu tình là một trong những quyền căn bản của công dân được nhà nước bảo vệ dưới những quy định của luật pháp để cân bằng sự ổn định của xã hội. Vì thế, biểu tình là hình thức đấu tranh bằng cách tụ họp đông đảo để bày tỏ ý chí, nguyện vọng và biểu dương lực lượng chung của một tập thể.

Nhưng ở Việt Nam, nhà nước được nói do dân làm chủ, lại là một ngoại lệ về xây dựng pháp luật. Cho đến nay quyền hiến định này lại bị coi là vi phạm pháp luật  dưới con mắt của đảng độc tài nếu có những tụ tập đông người dưới bất cứ hình  thức nào.

Điều này cho thấy là những điều ghi trong Hiến Pháp chỉ là hoa lá cành cho mục tiêu tuyên truyền.  Sự vắng bóng của luật biểu tình và những thứ luật khác cho thấy sự vô pháp luật trong cách ứng xử của nhà cầm quyền cộng sản đối với người dân của mình.

Để trả lời cho thắc mắc từ năm 2019 của một số cử tri Bình Thuận về dự luật biểu tình chưa đưa ra Quốc Hội biểu quyết, Bộ Công An hôm 12 tháng Năm, 2020 giải thích rằng vì cần phải “nghiên cứu kỹ, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng.

Một lần nữa sự giải thích này cho thấy, nhà nước Việt Nam lại né tránh tôn trọng những quyền con người căn bản nhất ghi trong Hiến Pháp do chính chế độ viết ra. Sự kiện giao cho Bộ Công An quyền soạn thảo dự luật biểu tình từ nhiều năm nay mà vẫn chưa xong, giống như một vở bi hài kịch không có màn kết thúc.

Dĩ nhiên về phía Bộ Công An, “thanh kiếm và lá chắn” sắc bén của chế độ toàn trị, khi được giao soạn thảo luật biểu tình, họ bất cần quyền của người dân. Mà họ chỉ quan tâm đến những rào cản, những điều luật cho phép họ ngăn chặn, bắt bớ, xử phạt người biểu tình sao cho có vẻ hợp pháp. Đó là thứ luật biểu tình mà Bộ Công An đang cân nhắc để giữ phần thắng về mình.

Tại sao chế độ cộng sản lại nhìn đâu cũng thấy thế lực phản động, chống đối và sợ có luật biểu tình đến thế? Có lẽ lý giải của nhà báo độc lập Lê Trọng Hùng trong nước phần nào nói lên được sự thật: “Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và trước đây là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà được sinh ra từ một cuộc biểu tình lật đổ chính quyền. Vì cái ám ảnh lật đổ đó ở trong đầu nhà cầm quyền cộng sản, cho nên họ rất sợ rằng trong cuộc đời cai trị của họ, họ sẽ lại bị chính cái hoạt động biểu tình sẽ dẫn đến lật đổ họ.

Mặt khác, Việt Nam vẫn tự hào là một thể chế có đầy đủ tam quyền phân lập, thế nhưng Quốc Hội lại bị buộc từ chối vai trò làm luật thông thường của mình. Quốc Hội chỉ có quyền duy nhất là giơ tay biểu quyết luật, nhưng biểu quyết theo chỉ đạo của đảng. Chẳng riêng Bộ Công An giữ quyền soạn thảo dự luật biểu tình mà hầu hết các bộ trong chính phủ cũng được giao soạn thảo dự luật cho ngành mình.

Chuyện biểu tình diễn ra hàng ngày ở khắp nơi trên thế giới, riêng Việt Nam từ những năm 2007, 2011 và sau đó, những cuộc biểu tình yêu nước vẫn diễn ra dù có luật biểu tình hay không. Những cuộc xuống đường tự phát ấy có phạm luật hay không, hay ai lợi dụng nó ra sao thì nhà cầm quyền cộng sản đã có hàng trăm cách đối phó cũng như điều luật để bắt bớ, ngăn chặn thậm chí bỏ tù người biểu tình. Vậy thì còn lo gì ai gây rối?

Nhưng khi Bộ Công An đưa ra lý do “không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng” thì điều này cho thấy não trạng của lãnh đạo cộng sản, nếu có luật biểu tình ra đời cũng chỉ để khoá kín chuyện chống đối của “thế lực phản động.” Bởi vì thực ra trong thâm tâm, đảng không bao giờ muốn cho người dân được hưởng quyền biểu tình như Hiến Pháp quy định. Sự vướng mắc của Bộ Công An nếu có, cũng chỉ nhằm kéo dài thời gian và dễ bề hành động khi chưa có luật. Nghĩa là công an sẽ tha hồ đàn áp, bắt bớ người dân khi có biểu tình không do nhà nước tổ chức diễn ra.

Hoá ra đảng chỉ đạo Bộ Công An làm luật biểu tình, không phải vì muốn cho nhân dân sử dụng quyền của mình một cách hợp pháp. Mà đảng nhắm vào mục đích triệt hạ những người chống đối để bảo vệ sự trường tồn của chế độ độc tài.

Như vậy, công an làm luật biểu tình không phải vì quyền lợi của người dân mà chính là làm cho đảng và phục vụ quyền lợi của đảng mà thôi!

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here