Nhiều bạn bè, đồng nghiệp, học trò hỏi tôi về vụ án Hồ Duy Hải. Quả thật tôi không được nghiên cứu hồ sơ vụ án, chỉ nghe qua các luồng thông tin đa chiều nên không dám có ý kiến gì về việc kết tội đối với bị cáo Hải.
Tuy nhiên, qua theo dõi phiên tòa Giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, tôi xin nêu một số ý kiến về thủ tục tố tụng hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Xin nói trước là những ý kiến của tôi không nhằm chỉ trích ai mà trên tinh thần xây dựng, thượng tôn pháp luật mà thôi.
1/Về thành phần Hội đồng Giám đốc thẩm
Điều 53 Bộ luật tố tụng hình sự quy định “Thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm’’
- Thẩm phán, Hội thẩm phải từ chối tham gia xét xử hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp :
…c / Đã tham gia xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm hoặc tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách là Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án.
Đây là quy định của Phần thứ nhất “Những quy định chung“ của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, được coi như là nguyên tắc xuyên suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự từ sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.
Như vậy người nào đã tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách là người tiến hành tố tụng thì phải từ chối tham gia xét xử vụ án, hoặc bị thay đổi. Việc ký quyết định không kháng nghị vụ án hoặc trả lời khiếu nại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của những người tiến hành tố tụng hình sự cũng chính là đã tiến hành tố tụng vụ án.
Vì thế, tôi cho rằng ông Nguyễn Hòa Bình phải từ chối tham gia xét xử Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải vì ông Bình đã ký quyết định không kháng nghị vụ án này với tư cách là Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Sở dĩ luật quy định như vậy để bảo đảm tính vô tư, khách quan, tránh áp đặt ý muốn chủ quan của người ngồi xét xử vụ án.
Ông Bình ngồi xét xử, lại là Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao chủ tọa phiên tòa làm cho người ta đặt câu hỏi về tính Khách Quan, Vô Tư của phán quyết !
2/ Về thành phần triệu tập đến phiên tòa
Điều 383 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định:
…2/ Trường hợp xét thấy cần thiết hoặc có căn cứ sửa một phần bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, Tòa án phải triệu tập người bị kết án, người bào chữa và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm. Nếu họ vắng mặt thì phiên tòa giám đốc thẩm vẫn được tiến hành.”
Rõ ràng là Hội đồng giám đốc thẩm đã xét thấy cần thiết (chứ không phải là có căn cứ để sửa án) nên đã triệu tập người bào chữa cho bị cáo và xét không cần thiết phải triệu tập bị cáo và những người tham gia tố tụng khác ra tòa.
Theo quy định tại Điều 386 BLTTHS thì …” Trường hợp người bị kết án, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị có mặt tại phiên tòa, thì những người này được trình bày ý kiến về những vấn đề mà Hội đồng giám đốc thẩm yêu cầu…
Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng tại phiên tòa giám đốc thẩm tranh tụng về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án. Chủ tọa phiên tòa phải tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng trình bày hết ý kiến, tranh luận dân chủ, bình đẳng trước tòa’’.
Tại phiên tòa giám đốc thẩm này, luật sư của bị cáo chỉ được trình bày ý kiến mà không có tranh tụng. Việc Hội đồng giám đốc thẩm không cho phép luật sư tham gia đầy đủ phiên tòa rõ ràng là vi phạm pháp luật. Có lẽ Hội đồng giám đốc thẩm sửa sai bằng việc triệu tập lại khi vị luật sư này đã buộc phải trở về thành phố Hồ Chí Minh trong tâm trạng “Bắc thang mà hỏi ông trời !“ Có lẽ đây cũng là trường hợp hi hữu trong lịch sử của nền tư pháp xã hội chủ nghĩa ? Không biết có còn vụ án nào học theo không ?
3/ Về kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao
Hội đồng giám đốc thẩm cho rằng kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao trái pháp luật nên không được chấp nhận. Vậy kháng nghị đó trái pháp luật nào? Kháng nghị khi mà Quyết định số 639/QĐ- CTN ngày 17/5/2012 của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực pháp luật? Luật nào quy định? Không có quy định nào về vấn đề này trong BLTTHS.
Thực tế thì Hồ Duy Hải không làm đơn xin ân giảm án tử hình, vậy Chủ tịch nước xét đơn của ai để ra quyết định bác đơn ?
Khi Hội đồng giám đốc thẩm cho rằng kháng nghị trái pháp luật, tức là không cần xem xét về nội dung của vụ án, thế mà phiên tòa vẫn diễn ra trong ba ngày. Thông thường khi xét xử phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm, hội đồng xét xử phải xem xét ngay đến cơ sở của trình tự tố tụng này là Kháng cáo, kháng nghị. Một kháng cáo hoặc kháng nghị đã không hợp pháp thì không có phiên tòa.
4/ Về cái được gọi là “sai sót trong tố tụng hình sự của vụ án này“
Tôi không đồng ý với cách gọi như vậy, mà phải nói thẳng đó là những vi phạm nghiêm trọng quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự mới đúng bản chất của sự việc. Vậy các vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự trong vụ án có làm thay đổi nội dung, bản chất của vụ án không?
Nội dung, bản chất của vụ án phải được các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chứng minh bằng chứng cứ được thu thập một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ để xác định sự thật của vụ án. Đó thuộc trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Đây là quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự (Điều 15, Điều 85, Điều 86 BLTTHS).
Rõ ràng là trong vụ án này, việc điều tra đã có quá nhiều vi phạm nghiêm trọng trình tự thủ tục tố tụng hình sự ; từ khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng, dấu vết, nhận dạng vật chứng, mua cái không phải là vật chứng để cố tình hợp pháp hóa vật chứng… Khi mà các cái gọi là chứng cứ được thu thập trái pháp luật, không đúng quy định của pháp luật và lại được sử dụng như là chứng cứ buộc tội thì không ổn, vì đó không phải là chứng cứ. Vì thế nó không có sức thuyết phục, không đủ để chứng minh tội phạm, và đương nhiên nó làm ảnh hưởng hoặc thay đổi nội dung, bản chất của vụ án.
Sẽ là một tiền lệ và nguy hiểm hơn là án lệ cho các vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự nói riêng, và pháp luật tố tụng nói chung. Đáng quan ngại!
5/ Về cái kết của vụ án này
Theo quy định của Chương XXVll của BLTTHS “Thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao“, thì vẫn còn có những người sau có thể yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao :
– Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu
– Ủy ban Tư pháp của Quốc hội kiến nghị
– Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao kiến nghị
– Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đề nghị
Tuy nhiên xem ra chỉ là một phần ngàn của tia hy vọng mà thôi. Dù sao thì cũng vẫn hy vọng cho dù là vô vọng !
Ôi ! 17 cánh tay hóa ra chập lại thành một và chỉ một mà thôi !!!
Nguyễn Quang Lộc
(Cựu Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao)
https://www.facebook.com/loc.nguyenquang.9619/posts/234860037816496
Bài của tác giả N.Q.Lộc trên FB đã bị xóa chưa rõ lý do.