Sáng ngày 06 tháng 5 năm 2020, Hồ Duy Hải được xét xử giám đốc thẩm, điều đó không có nghĩa là Hồ Duy Hải có thể hi vọng vào may mắn, vào công lý để thoát án tử. Và nếu như thoát được án tử, nghĩa là không có tội, Hồ Duy Hải sẽ được trả tự do ngay tức khắc và tòa án, ngành điều tra và viện kiểm sát liên đới sẽ xin lỗi, đền bù danh dự và đền bù vật chất cho Hồ Duy Hải. Vấn đề nằm ở chỗ này chứ không phải cán cân công lý hay ánh sáng lương tri. Bởi nếu xét theo cán cân công lý hay ánh sáng lương tri, Hồ Duy Hải đã được trả tự do từ lâu. Nghiệt nỗi, những thứ ấy đã trở nên rẻ rúng và xa xỉ trong hệ thống quyền lực đảng và lợi ích nhóm. Bởi vì quyền lực đảng kéo theo lợi ích nhóm đã phá tan mọi thứ, nếu bây giờ, công lý quay lại thì lấy gì để đền bù cho những người như Hồ Duy Hải, bởi có biết bao nhiêu vụ án oan trong lịch sử Việt Nam này đã bị chìm khuất và tiếng kêu oan của con dân nước Việt đã thấm trong từng thớ đất.
Nói tới án oan, đâu riêng gì thời đại này, mà những năm đầu thành lập đảng Cộng sản đã có án oan, nhưng có lẽ, án oan nhiều nhất bắt đầu xuất hiện tại miền Bắc Việt Nam những năm đầu của thập niên 1950, khi mà hàng trăm, thậm chí hàng ngàn “phiên tòa” đã diễn ra trong đêm tối mập mờ ánh đuốc, dưới những gốc đa, bụi tre, trước các sân đình… Không có ngóc ngách dân sinh nào là không có những phiên tòa như thế. Những phiên tòa mà thẩm phán là những cán bộ vừa học xong i tờ, không biết thế nào là pháp luật và phục vụ trong một chế độ không có pháp luật, chỉ có lòng thù hận mông lung và hành vi quyết liệt, gắt máu, đằng sau họ là những cố vấn người Trung Quốc, hay nói chính xác hơn là các đảng viên Cộng sản Trung Quốc. Những phiên tòa đã được dàn dựng, chuẩn bị kĩ lưỡng từ khâu dân vận, dạy cho dân đấu tố, dạy cho dân thù hận “địa chủ bóc lột”, dạy cho dân ném đá vào địa chủ và vỗ tay mỗi khi thẩm phán đưa ra quyết định (giết người). Bị cáo là ai? Là những người đã chắt chiu cả đời để có của ăn của để, để con cái học hành và thăng quan tiến chức, có phẩm hàm triều đình, và, khi bị mang ra tòa, khi bị tuyên án tử hình, họ vẫn không hiểu mình bị tội gì!
Những phiên tòa như vậy diễn ra gần một thập kỉ và trải dài khắp miền Bắc, có biết bao mạng người đổ xuống trong tức tưởi, đau khổ và oan khiên. Thế rồi, hàng trăm phiên tòa, hàng ngàn nhân mạng bị chết oan ức ấy cũng được “giám đốc thấm” bằng một hành vi duy nhất, bởi con người quyền lực cao nhất – Hồ Chí Minh – ông đã khóc, đã lấy khăn mùi soa lau nước mắt về những cái chết oan. Phiên “giám đốc thẩm” này diễn ra trong vài chục giây, đủ để các phóng viên ghi hình, đủ để các cây bút dưới trướng của ông ghi chép vào lịch sử và nó giúp cho hình ảnh Hồ Chí Minh trở nên thần thánh, cao cả hơn. Một phiên giám đốc thẩm cực kì lạ lùng bởi nó diễn ra trong bối cảnh và sinh hoạt lạ lùng trong một đất nước ở vào thời kì lạ lùng và tăm tối.
Và sự tăm tối ấy kéo dài mãi đến bây giờ, vẫn chưa rõ ánh sáng cuối đường hầm xã hội chủ nghĩa ở đâu, bao xa nữa thì gặp. Bởi sau khi đất nước không còn chia hai miền, sau khi chủ nghĩa Cộng sản chảy tràn trên cả miền Nam và có hàng ngàn phiên tòa không phiên tòa, tức những phiên tòa bỏ túi, chớp nhoáng để kết án một cựu sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa trước khi cho người đó “sáng mắt sáng lòng” ở trại cải tạo. Và những khu trại cải tạo là hậu phương của hàng chục ngàn phiên toàn bỏ túi của những cán bộ chưa bao giờ hiểu thế nào là pháp luật, bởi pháp luật chính là sự thương ghét hay thù hận của họ, kẻ chiến thắng và nắm quyền sinh sát. Có hàng trăm con người đã bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc và hàng ngàn con người mất tương lai sau những phiên tòa bỏ túi như thế này.
Rồi, vẫn chưa dừng ở những phiên tòa bỏ túi dành cho “kẻ thù”, “ngụy quân ngụy quyền” kia mà liên tục trong thời kinh tế tập trung bao cấp, rồi đến kinh tế mở cửa thị trường, có hàng trăm án oan, có hàng chục cái chết mà nếu như nghiêm túc một chút, người ta có thể được tha bổng. Từ Tăng Minh Phụng trong vụ Epco Minh Phụng cho đến Hàn Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn, rồi Hồ Duy Hải… Tất cả những người này, nếu được xét xử trong một hệ thống pháp luật hiện đại, nghĩa là hệ thống điều tra có chuyên môn, có nghiệp vụ và lương tri, một hệ thống pháp luật chặt chẽ, một hệ thống tòa án nghiêm túc, không được chăng hay chớ, không qua loa chiếu lệ và biết coi trọng mạng sống con người, coi trọng công lý và sự thật, thì chắc chắn, họ đã được thoát án tử. Nghiệt nỗi, họ đang sống và chấp pháp dưới thời đại của những ông chánh án, thẩm phán ngu dốt, của những điều tra viên thèm tiền, hung hãn và không có nghiệp vụ.
Hiện tại, nếu tìm hiểu về hệ thống tòa án Việt Nam, riêng phần tòa án cấp huyện, số lượng các chánh án học chuyên tu, bổ túc, mà nguồn ban đầu của họ là sự đào thải từ ngành công an, họ không đủ chuyên môn hoặc thế lực để ở lại cơ quan công an, vậy là đi học chuyên tu, bổ túc, sau đó học đại học tại chức để mua cho được tấm bằng cử nhân luật, chuyển sang ngành tòa án. Và không bao lâu thì lên họ ngồi ghế chánh án. Chính các loại chánh án tù mù này đã làm cho hệ thống tòa án cấp huyện hỏng hóc nặng nề, bởi mọi sự xét xử hay luận án đều được soi chiếu bởi cái đầu và cán cân dốt nát của các chánh án như vậy. Đến tòa cấp tỉnh, rồi chánh án tòa tối cao, nếu soi xét học vị của họ, cũng lắm vấn đề. Chính vì hệ thống tòa án không đủ năng lực và sáng suốt nên hệ thống điều tra thuộc ngành công an dễ dàng qua mặt hoặc bắt tay làm những việc sai lầm, phi pháp.
Chỉ cần vài chục triệu đồng hay một chai rượu ngoại hạng xịn, cũng đủ làm cho trắng thành đen, làm cho sáng thành tối và khiến cho một mạng người bị thủ tiêu bằng chính viên đạn hợp pháp, viên đạn đã có bảo chứng từ tòa án. Chuyện này không ít, thậm chí Đường Nhuệ, một tay giang hồ bẩn thỉu và cộm cán ở Thái Bình đã đẩy biết bao nhiêu người vào lao lý, mất trắng mọi thứ chỉ vì y có tiền, có khả năng dùng đồng bạc đâm toạc công lý (mà thực ra cũng chẳng tìm đâu ra công lý lúc này!). Ngoài ra, còn biết bao nhiêu tay giang hồ, đầu trộm đuôi cướp có thể dùng tiền để mua ngành điều tra, sau khi chém chết người, chỉ cần mua ngành điều tra, rồi ngành điều tra mua lại ngành kiểm sát, tòa án là khỏi có truy tố hay phiên tòa nào. Nếu một người nào không may mắn rơi vào vòng lao lý chính là họ đang rơi vào chỉ tiêu án của ngành. Vì tất cả những kẻ sống ngoài vòng pháp luật, những kẻ bất hảo đã được bảo vệ bởi hệ thống nhân viên công lực, bởi hệ thống chấp pháp, thì đương nhiên, những án oan phải có, bởi nó có để thay thế, để lấp vào khoản trống những vô lý, bất công xã hội và bất lực của nhà nước, của đảng lãnh đạo.
Và, trong phiên tòa giám đốc thẩm Hồ Duy Hải, liệu có bao nhiêu phần trăm niềm tin công lý để hi vọng rằng Hải được trắng án? Rất khó, thậm chí xác suất được sống sót của Hải là quá thấp, bởi trước khi trả tự do, trả ánh sáng công lý, công bằng cho Hải, người ta lại đặt ra câu hỏi về lời xin lỗi, tiền đền bù án oan và những cán bộ có nguy cơ mất việc bởi thiếu năng lực. Và để trả lời những câu hỏi này, không có con đường nào khác, người ta phải vận dụng tới đồng tiền, người ta sẽ bằng mọi giá mua cái chết cho Hải để cứu sống cái ghế của họ. Đây là bài toán vô cùng khủng khiếp và mang đầy dấu ấn của mông muội, man rợ xã hội, một thứ xã hội đã ngấm quá lâu trong sự dửng dưng, tàn nhẫn, coi thường mạng sống và sẵn sàng đấu tố, đẩy đồng loại vào đường cùng, chỗ chết!
Và, vụ án Hồ Duy Hải một lần nữa nói lên rằng cán cân công lý hay thần công lý đang ở quá xa Việt Nam trong lúc này. Việc người ta tìm cách đúc biểu tượng công lý để đặt trước các tòa án chẳng khác nào một ca sĩ đúc tượng của mình đặt trước sân nhà hay một kẻ tâm thần cố nặn ra chân dung của hắn sau khi hắn tình cờ đi ngang qua triển lãm điêu khắc của một nghệ sĩ lừng danh nào đó. Mọi thứ đều là trò chơi hay vở kịch, công lý tại Việt Nam giống như một vở kịch mà ở đó, lời nguyện cầu và tiếng thở dài giống như những tràng vỗ tay của khán giả dành cho sân khấu công lý! Thật là buồn khi phải nhắc đến hai chữ này, ngay lúc này: Công Lý!