Ba Sàm – FB Nguyễn Hữu Vinh
Hôm nay kỷ niệm 1 năm “hoàn lương”.
Cũng suốt 1 năm ròng chờ đợi Bộ Công an trả lại ngót nghìn trang tài liệu, ghi chép trong 2 năm rưỡi thi hành án, bị Trại 5 vô cớ “tạm giữ” trước ngày mình về (1).
Cũng chờ kết quả giải quyết (như đã hứa trong văn bản) của Giám thị Trại với đơn mình khiếu nại về những dấu hiệu vi phạm của Trại trong việc xếp loại phạm nhân và xét giảm án.
Chờ trả lời từ Viện kiểm sát Thanh Hóa với đơn khiếu nại nội dung tương tự nói trên.
Chờ trả lời từ Văn phòng TBT-CTN Nguyễn Phú Trọng và CT Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với đơn khiếu nại-khuyến nghị của mình về những sai trái và một số vấn đề quanh việc thi hành án. Dù mình tin là đơn đã bị Trại/Bộ Công an giữ lại không gửi.
(Trong ba lá đơn đó, là những dẫn chứng, phân tích về pháp lý cho thấy có thể có tới cả ngàn phạm nhân trong mười mấy năm qua đã phải bị ở tù “thêm” vì bị xếp loại kém một cách phi lý, rồi không được giảm án – hậu quả của lối “lách luật”/phạm luật của cơ quan thi hành án).
Sao lại có kiểu “im lặng đáng sợ” vậy nhỉ? Có phải mình chẳng chịu “hoàn lương”, theo kiểu của công an muốn, nên phải chấp nhận bị đối xử “bất lương”?
Chợt nhớ câu nói của Đại tá Lực Phó giám thị Trại 5 trong một cuộc chuyện trò với mình: “Tôi với anh ở hai chiến tuyến … Tôi biết kể cả đến khi anh mãn án, chúng tôi cũng không thay đổi được ý chí của anh đâu”.
Rồi trước/trong ngày về, công an huy động lực lượng hùng hậu bu đặc đoạn đường trước trại, kín ngõ nhà mình, chặn cửa nhà nhiều nhân vật tranh đấu “cộm cán”, nhiều vị nhân sĩ trí thức thân quen, để ngăn cản họ tới trại đón, đến nhà thăm mình (có vị bay từ trong Nam ra mà vẫn không cắt được đuôi bám theo lẵng nhẵng). Cẩn thận hơn, trước ngày mình về ba tháng, người của Trại còn cảnh báo mình và người nhà là nếu để bạn bè đến đón, “băng cờ biểu ngữ này nọ” thì Trại sẽ (lén) đưa mình ra đâu đó rồi đẩy xuống… Chỉ những ngày sau, mọi người mới lần lượt tới, mình mới có dịp tri ân, cảm ơn những ủng hộ vô giá với mình trong suốt 5 năm qua.
Lại nghĩ tới câu chuyện buồn cười xảy ra sau khi về mấy tháng. Chuẩn bị họp mặt cựu sinh viên khóa D6 Đại học An ninh, nhân 40 năm ra trường. Ban liên lạc khóa họp trù bị.
Bạn thiếu tướng Đ. nghiêm trọng đề nghị: “Không được để thằng Vinh đến dự. Nó mà đến, nhỡ lại bắt tay bắt chân L., bao nhiêu ống kính chĩa vào, rồi tung lên mạng, còn ra cái thể thống gì nữa. Nó mà đến là tao bắt đấy!” (Các bạn tròn mắt ngạc nhiên, chẳng ai đồng ý).
Bạn thiếu tướng D. nhẹ nhàng: “Nó có gì sai phạm đâu. Mày thì về hưu rồi. Bắt thế đ. nào được”.
Bạn cựu cục trưởng Ng. thì văng: “ĐM! Mày mà bắt nó thì … tao bắt mày luôn!”
Cười chết! Thấy các bạn thật dễ thương như thuở còn đi học. Sau ngày mình về, nhiều bạn (D6) tới thăm, rủ đi bia bọt, tranh nhau kể bao nhiêu kỷ niệm cũ. Chẳng có “chính trị chính em” gì.
Nhưng cũng thương cho không ít người đang nắm quyền sinh sát trong tay, cả khi “hạ cánh an toàn” rồi, nhưng cứ canh cánh một nỗi sợ hãi khôn nguôi.
Dù có thế nào, mình cũng mong cái “thiện lương” trong mỗi con người chúng ta sẽ lấn át tất cả nỗi sợ hãi, nghi kỵ, cả khái niệm “thế lực thù địch” – căn nguyên của vô vàn hành động “bất lương” từ những người tưởng như đầy quyền lực. Họ không chỉ phải đối mặt với “bia miệng”, mà thời nay thêm cả “bia mạng” còn kinh hơn vạn lần. Đó mới là thế giới “dương”; còn cả thế giới “âm” nữa.
Thường nghĩ thế, nên khi ở Trại 5, trong một buổi sinh hoạt tổ (trung tá Hòa quản giáo chủ trì), mình có nói tới khía cạnh tâm linh quanh hai chữ “thiện”/”ác”. Đại ý: “Một hiện tượng lạ chắc ít ai để ý, chưa ai đề cập, là có cơ quan bộ nào mà tới 4 bộ trưởng bị chết sớm; thậm chí khi đương chức, leo lên tiếp đến cấp cao tột đỉnh, chết bất đắc kỳ tử … như ở cái bộ này chưa? Kỳ lạ nữa là cả bốn vị đó đều ít nhiều liên quan, phải chịu trách nhiệm với những quyết định bất công, sai trái đối với tôi. Mong là đừng có thêm ai nữa” (mình liệt kê ra cụ thể từng ông, chết kiểu gì) (2). Mọi người nghe, gật gù, im lặng. Chỉ ít ngày sau, vị trung tá quản giáo đang đi xe máy trong khuôn viên trại, tự dưng ngã vật ra đường, gãy tay, mổ xẻ chữa chạy mất mấy tháng. Mấy phạm nhân nhấm nháy nhau, nhắc lại câu chuyện “quả báo” mình kể.
Mình đưa lên đây hình ảnh cũ (trích từ video) mình với bạn L., vào buổi tối liên hoan khóa cuối 2012. Bạn đang rủ rỉ đề nghị mình trở lại Tổng cục An ninh làm việc, sau 13 năm hưu, mình thì 57 tuổi rồi. Vẫn biết, dù đề nghị đó là cho “việc công”, nhưng có lẽ cũng ẩn bên trong chút nghĩa bạn bè, vì bạn nghĩ là mình đang gặp khó khăn (3).
Rồi muốn nhắc tới cái Tết 1994, bạn lái xe đưa bố con mình, con trai bạn đi chúc Tết, ra Bờ Hồ ăn kem.
“Nhớ xưa mày lái xe
Đưa tao đi chơi Tết
Đến tụ hội bạn bè
Về giỗ cha thăm mẹ …”
(Thằng tù & Thượng tướng, B14, 11/2014)
Tết 2011 bạn đưa vợ con tới chúc Tết gia đình mình. Nhiều lắm, những kỷ niệm êm đềm. Vợ chồng bạn tới thăm con mình đầy tháng; tiệc sinh nhật con trai bạn (1991); con bọn mình cùng tập bóng bàn (1997),… tất cả những hình ảnh video mình vẫn lưu giữ cẩn thận, thỉnh thoảng mở ra xem (4). Vui! Và tin sẽ có ngày bạn muốn xem lại nó. Kể cả những kỷ niệm buồn mà tình nghĩa. Mẹ bạn mất, mình đang ốm không đưa tang được, đành tới nhà thắp hương. Mẹ mình mất, bạn phải đi công tác, không dự tang lễ được; vẫn cẩn thận gọi bạn thiếu tướng B. đến tận văn phòng, nhờ thay mặt phúng viếng. Lại cũng bạn B., hôm cùng đoàn D6 vào trại thăm mình, bô bô kể kỷ niệm buồn cười hồi đi thực tập – 1979 trong Nam. Hắn, bạn, mình dự đám tang vợ tay trưởng công an ấp, Thị xã Sa Đéc. Lúc mặc niệm, anh ta hô “Nghiêm!”, rồi … đoàng đoàng cả loạt AK, làm cả bọn khiếp vía. Mình thì kể cùng bạn, bạn Ng., giữa công viên Thị xã Long Xuyên, thì thụt mắt trước mắt sau, bán cho “con phe” nhu yếu phẩm được cấp phát …
Mong là sẽ lại có những ngày được trở về với giây phút hồn nhiên, bình yên, tình cảm như thế; rồi cùng nhau sang thăm nước Đức (nơi bọn mình đều có những ân nhân), dù cho tới lúc gần đất xa trời.
Biết rằng với bạn là rất khó, nhưng mình vẫn luôn tin “Ai cũng có tâm Phật”, “Trong mỗi con người đều có Phật tính”.
Hà Nội, 05/05/2020