Những sự kiện liên quan đến hoạt động của công an Việt Nam trong vài tuần gần đây lập lại một câu hỏi lớn: Thanh kiếm và lá chắn – biểu tượng của “công an nhân dân” – đâm ai và đỡ cho ai, tại sao lãnh đạo cao nhất của lực lượng “công an nhân dân” tiếp tục vô can khi chuyện đâm và đỡ… lầm “đối tượng” xảy ra khắp nơi trong một thời gian dài?
***
Trách nhiệm pháp lý mà hệ thống bảo vệ pháp luật ở tỉnh Thái Bình đang chất lên vai ông Nguyễn Xuân Đường (Đường Nhuệ) càng lúc càng nhiều và nặng. Ngày 22 tháng 4, “Đường Nhuệ” vừa bị khởi tố thêm về hành vi “cưỡng đoạt tài sản” (1) thì ngày 23 tháng 4, ông trùm du đãng ở Thái Bình đối diện với một “tình tiết tăng nặng” nữa về hành vi “cố ý gây thương tích”: Phục hồi điều tra vụ xông vào trụ sở Công an phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình hồi cuối năm 2014, đánh trọng thương mẹ con bà Đinh Thị Lý (2).
Tại sao “Đường Nhuệ” có thể đứng ra phân chia công việc cho những cơ sở cung cấp dịch vụ mai táng ở tỉnh Thái Bình và thu mỗi trường hợp cần đem thi thể sang Nam Định hỏa táng 500.000 đồng suốt từ năm 2017 đến gần đây (3) và bây giờ hệ thống bảo vệ ở tỉnh Thái Bình mới nhìn tới? Hơn hai năm – từ cuối năm 2017 đến tháng 3 năm 2020 – lực lượng “công an nhân dân” ở Thái Bình cất “kiếm” ở đâu mà không “đâm”? Cả “thính lực” lẫn “thị lực” của Bộ Công an ra sao mà không nghe, không thấy?
Tương tự, tại sao “Đường Nhuệ” có thể tổ chức bảo kê nhiều loại dịch vụ, kể cả cho vay nặng lãi, sử dụng du đãng bao vây, truy đuổi, tấn công nhiều người, đập phá, tước đoạt tài sản của họ trong hàng chục năm để khẳng định thế lực, khống chế vô số cơ sở sản xuất, kinh doanh ở Thái Bình, thậm chí xông vào trụ sở Công an đánh mẹ con bà Đinh Thị Lý trọng thương nhưng gần hai tháng sau mới khởi tố và sáu tháng sau thì “đình chỉ điều tra” vì không xác định được bị can? Trong những trường hợp tương tự như đã biết, tại sao công an từ địa phương đến trung ương không dùng “lá chắn” chở che cho dân lành?
***
Cũng tuần này, Bộ Công an công bố quyết định cách chức ba thượng tá: Bùi Thanh Sơn, Hoàng Liên Sơn, Đặng Thế Trung là chỉ huy ba phòng của Công an Đồng Nai: Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội, An ninh Điều tra và Cảnh sát giao thông (4). Quyết định vừa kể chỉ là thủ tục (nơi nào lựa chọn, bổ nhiệm thì nơi đó cách chức). Tháng trước, dựa vào kết luận của Ủy ban Kiểm tra BCH TƯ đảng CSVN, UBKT của Tỉnh ủy Đồng Nai đã tước bỏ tất cả chức vụ trong đảng của ba sĩ quan này (5).
Cứ đọc lại những thông tin liên quan đến đủ loại sai phạm của cả Giám đốc, ba Phó Giám đốc, nhiều Trưởng phòng, Trưởng Công an huyện (Long Thành, Xuân Lộc) thuộc Công an tỉnh Đồng Nai, ắt sẽ thấy ngay, những sĩ quan bị “đảng ta” kỷ luật, Bộ Công an cách chức, từng có đủ loại sai phạm trong một thời gian dài (5) nhưng vẫn được lựa chọn, bổ nhiệm vào những vị trí cao hơn, quyền hành lớn hơn. Tại sao trước đây, lãnh đạo Bộ Công an không dùng “kiếm” mà chỉ dùng “lá chắn” đối với những sĩ quan này?
Càng ngày càng nhiều những câu chuyện liên quan đến tình trạng “công an nhân dân” dùng “kiếm” hay cho thuê “kiếm” đâm, chém dân lành và dùng “lá chắn” che chở cho nhau, cho du đãng cũng như các loại tội phạm khác lũng đoạn từ kinh tế đến trật tự xã hội! Cấp bậc, chức vụ càng cao thì nhiều sĩ quan thuộc lực lượng “công an nhân dân” càng càn rỡ, táo tợn! Không chỉ tướng cảnh sát mà ngay cả tướng an ninh, tình báo cũng đem “kiếm”, đem “lá chắn” ra bán sỉ, bán lẻ!
Liệu có thể xem việc xử lý một số trường hợp điển hình như đã kể là “nghiêm”? “Nghiêm” nhưng tha cho những cá nhân lãnh đạo Bộ Công an “quy hoạch”… nhầm, dung dưỡng sâu bọ, giao “kiếm” và “lá chắn” cho sâu bọ đục khoét từ trên xuống dưới, từ trong và ngoài vẫn có thể xem là “minh”? Chẳng lẽ Điều lệ đảng CSVN và luật pháp Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam có những khoản được soạn riêng cho các đảng viên và công dân lãnh đạo lực lượng đeo “kiếm”, cầm “lá chắn”?
Có phải cam kết “truy cứu trách nhiệm người đứng đầu” của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền chỉ áp dụng từ “thắt lưng trở xuống”, Tổng Bí thư và các Ủy viên Bộ Chính trị cùng vô can khi “quy hoạch”… nhầm, lựa chọn – sắp đặt nhiều cá nhân có vô số tì vết làm “cán bộ cấp chiến lược” nên lãnh đạo Bộ Công an phải… vô sự khi giao “kiếm” và “lá chắn” cho thành phần bất hảo? Cứ như thế thì bao giờ mới chấm dứt được tình trạng bán “kiếm”, cho thuê “lá chắn” để xã hội Việt Nam thật sự “công bằng, dân chủ, văn minh”?
Chú thích
(1) https://tuoitre.vn/khoi-to-duong-nhue-them-toi-cuong-doat-tai-san-20200422161712189.htm
(4) https://nld.com.vn/thoi-su/3-truong-phong-cong-an-dong-nai-bi-cach-chuc-20200422222352824.htm