Người viết: Anh Hoàng
Theo thông tin Tân Hoa Xã, Trung Quốc đã đưa vào hoạt động hai trạm nghiên cứu trên Đá Subi và Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hai cơ sở nghiên cứu này, đặt dưới sự quản lý của Trung tâm Nghiên cứu Tổng hợp Đảo và Đá thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS), bao gồm nhiều phòng nghiên cứu về sinh thái học, địa chất học và môi trường.
Đá Vành Khăn, Đá Chữ Thập và Đá Subi là 3 trong 7 thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở Trường Sa của Việt Nam. Việc Trung Quốc lấy cớ xây hai trạm nghiên cứu tại quần đảo Trường Sa để phục vụ cho việc nghiên cứu sinh học, địa chất và môi trường là những lời nói dối trắng trợn nhất, bởi thực tế, trong nhiều năm qua Trung Quốc đã không ngừng bồi lấp, xây đảo nhân tạo tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Hành động dùng đá và cát để bồi đắp đảo nhân tạo đã giết chết những rạn san hô ở quanh các quần đảo này.
Rạn san hô là nơi trú ẩn và tìm kiếm thức ăn của rất nhiều loài thực động vật biển chẳng hạn như các loài cá bướm, cá thia, cá bướm đuôi gai. Ngoài ra, còn có nhiều loại sinh vật khác, trong đó có bọt biển, một số loài thích ti (san hô và sứa), giun, một số loài giáp xác (tôm, tôm rồng, và cua), động vật thân mềm (động vật chân đầu), động vật da gai (sao biển, nhím biển và hải quỳ), động vật có bao, rùa biển và rắn biển. Nếu các rạn san hô bị phá hủy, nhiều động thực vât trong chuỗi thức ăn cũng bị ảnh hưởng và đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Vì vậy, xây dựng trạm nghiên cứu môi trường mà lại có những hành động hủy hoại môi trường thật sự là điều lố bịch.
Ngoài hai trạm nghiên cứu Trung Quốc vừa triển khai trên quần đảo Trường Sa, theo tờ South China Morning Post (SCMP) hôm qua (21.3) dẫn thông báo từ quân đội Trung Quốc cho hay, máy bay quân sự nước này vừa tiến hành cuộc tập trận chống tàu ngầm ở Biển Đông.
Ảnh chụp vệ tinh của công ty ImageSat International (ISI, Israel) cho thấy máy bay vận tải quân sự Y-8 của Trung Quốc hạ cánh trái phép trên đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Theo đó, Trung Quốc đang chở hàng tiếp tế, vũ khí và trang thiết bị đến các đảo tại quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Điều này phản ánh Trung Quốc đang không ngừng quân sự hóa trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Bởi thực tế hai quần đảo này đang đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát Biển Đông và khu vực Đông Nam của Châu Á. Từ hai quần đảo này, Trung Quốc có thể điều quân dễ dàng đến các nước Đông Nam Á, tấn công bất ngờ đến Đài Loan hay các đảo tranh chấp với Hàn Quốc, Nhật Bản trên vùng biển Hoa Đông. Chính quyền Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ tham vọng giành lại Đài Loan cũng như biến các nước Đông Nam Á trở thành sân sau của Trung Quốc.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam vẫn chỉ đang có những đáp trả thông qua những lời tuyên bố và phản đối yếu ớt từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam “Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói trong buổi họp báo trực tuyến chiều 26/3.
“Theo đó, mọi hoạt động tại hai quần đảo này phải được sự cho phép của Việt Nam. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, không có các hành động gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực. Nỗ lực cùng các nước trong tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông giữa Asean và Trung Quốc”, bà Hằng nhấn mạnh.
Nguồn tham khảo: