Mâm quyền lực vừa dọn lên, ông liền xuất hiện như một con mãnh thú

- Quảng Cáo -

Đỗ Ngà|

Sau nhiều ngày im hơi lặng tiếng thì ngày 19/03 ông Nguyễn Phú Trọng cũng xuất hiện chủ trì cuộc họp của Tiểu Ban Nhân Sự Đại Hội 13. Và ngay hôm sau là có tin Bộ Chính Trị quyết định cách chức “cựu bí thư thành ủy” của Lê Thanh Hải. Việc cách một chức vụ mà người ta không còn giữ nữa ngay trong lúc này nói lên điều gì? Chống tham nhũng ư? Không! Đấy là trò tranh giành quyền lực.

Đất nước bị ngoại bang đe dọa, ông lặn. Đất nước bị thiên tai, ông lặn. Đất nước bị dịch bệnh, ông lặn. Nhưng đến lúc chia chác quyền lực ông trồi lên và đấu đá hăng say.

Việc cách chức “nguyên bí thư thành ủy” của ông Lê Thanh Hải làm cho nhiều người có suy nghĩ trái chiều. Người thì cho rằng, ông Nguyễn Phú Trọng đang làm trò trẻ con khi diễn trò cách chức mà ông Lê Thanh hải đã không còn giữ nó nữa. Còn người khác thì cho cho rằng, ông Nguyễn Phú Trọng đang “chống tham nhũng quyết liệt”, vì những người này cho rằng, đây là dấu hiệu cho một lộ trình bắt Lê Thanh Hải. Thực ra thì từ việc cách một chức mà ông Lê Thanh Hải giữ nữa cho đến việc bắt giữ ông này là một khoảng còn xa lắm.

Như ta biết, cơ cấu giúp cho mỗi cá nhân chiếm lấy quyền lực trong hệ thống chính trị độc tài CS hoàn toàn khác với hệ thống chính trị dân chủ. Ở nước dân chủ, việc tranh thủ lá phiếu người dân quyết định sự thành bại của cá nhân đó trên con đường tìm kiếm quyền lực cho mình. Thế nhưng ở Việt Nam thì khác, muốn leo lên nấc thang quyền lực mới buộc cá nhân đó phải được sự ủng hộ của những cựu quan chức đã về hưu. Hay nói cách khác, chính quyền CS luôn giữ chế độ quyền lực cho những “thái thượng hoàng”, đó là một quy tắc bất thành văn. Chính vì cơ chế như vậy mà trong ĐCS luôn hình thành nhiều phe cánh, cơ cấu trong mỗi phe đó gồm những quan chức về hưu và các quan chức đương nhiệm. Họ luôn liên kết lại để chiến, và đôi khi vì tranh giành quyền lực mà họ có thể thuốc nhau cho xanh cỏ. Ở Việt Nam, quyền lực được xây dựng dựa trên thế mạnh của nhóm lợi ích chứ nó không dựa trên sự quyết định của nhân dân như xứ dân chủ.

- Quảng Cáo -

Những cựu Ủy Viên Bộ Chính Trị luôn là những người có được đặc ân giới thiệu nhân sự cho vị trí ủy viên trung ương hoặc bộ chính trị khóa sau, mà thường giới thiệu là được. Tùy theo quyền lực mà những ông bà cựu ủy viên bộ chính trị đó và cũng tùy vào phe cánh của họ mạnh hay yếu mà họ có thể vào cơ cấu cho các ghế quyền lực lớn hay nhỏ trong các kỳ ăn chia. Cơ chế này chính là một loại mô hình “thái thượng hoàng tham gia triều chính” trong một triều đình phong kiến trá hình hiện nay.

Như ta biết, có một giai đoạn từ năm 1986 đến năm 2001 ĐCS Việt Nam đã duy trì chức danh Cố Vấn Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng. Đây là vị trí dành cho các ông đã từng nắm vị trí như Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước, Thủ Tướng. Đây chính là giai đoạn ngắn ngủi họ công khai việc tham gia triều chính của các thái thượng hoàng. Ngày nay các chức danh đó đã không còn nữa, nhưng những đặc ân dành cho các thái thượng hoàng thì vẫn còn. Nhờ đó mà các ông quan lớn khi đã mãn nhiệm, họ vẫn có thể thọc tay vào các cuộc đại hội bằng cách “giới thiệu” người của mình vào ban chấp hành mới.

Còn nhớ trước thềm đại hội 12, trước khi rút khỏi bộ chính trị, ông Nguyễn Tấn Dũng đã đưa được Đinh La Thăng vào Bộ Chính Trị và chiếm được ghế Bí Thư Sài Gòn. Hay xa hơn nữa là năm 1997, khi Võ Văn Kiệt và Lê Đức Anh rời ghế quyền lực nhưng 2 ông này cũng đã đưa được Nguyễn Tấn Dũng vào Bộ Chính Trị. Nói thế để chúng ta thấy, chức “cựu” tuy không còn quyền lực nổi, nhưng họ vẫn còn những đặc ân trong đảng, đặc ân rất lớn. Chính những đặc ân bất thành văn đó mà họ có thể đưa phe cánh của mình vào trong Bộ Chính Trị hoặc chí ít cũng vào ủy viên trung ương. Cho nên có thể nói, việc ông Nguyễn Phú Trọng cho cách chức “cựu bí thư thành ủy” của ông Lê Thanh Hải hoàn toàn không phải vì công lý mà là chỉ vì mục đích muốn ngăn ông này cơ cấu người của mình vào Trung Ương mà thôi.

Lê Thanh Hải gây ra nỗi oan cho bà con Thủ Thêm nay đã hơn 20 năm với tội chứng rành rành. Thêm vào đó là năm 2016 ông này rời khỏi vũ đài chính trị rồi, lúc ấy cơ hội buộc Lê Thanh Hải phải trả giá cho những tội lỗi của mình với bà con dân oan Thủ Thiêm đã rất rõ sao Nguyễn Phú Trọng không ra tay mà để đến cận kề đại hội 13 đem ông này ra cách đi chức mà ông ta không còn giữ? Rõ ràng là, nếu có thiện chí chống tham nhũng thì ông Nguyễn Phú Trọng đã triệt Lê Thanh Hải như triệt Đinh La Thăng từ sớm rồi chứ không phải để ông này nhởn nhơ nhiều năm nay.

Việc cách chức “nguyên bí thư thành ủy” của Lê Thanh Hải nói cho cùng, đó không phải là cách thực thi công lý bằng luật pháp mà nó chỉ là trò cản giò nhau trong cuộc chạy đua nhân sự cho Đại Hội 13 mà thôi. Nguyễn Phú Trọng cho cách một chức vụ mà ông Lê Thanh Hải đã không còn giữ nữa thì về mặt pháp luật là vô nghĩa. Và tất nhiên đứng ở góc nhìn của dân Thủ Thiêm – nạn nhân ông ta, thì nó cũng chả có ý nghĩa gì cả. Hành động cách chức “nguyên bí thư thành ủy” nó không bắt ông Hải phải trả bất cứ gì cái giá nào cho tội lỗi mà ông này đã gây ra với nhân dân Thủ Thêm.

Nguyễn Phú Trọng, ông già đã 76 tuổi và sức khỏe không tốt nhưng vẫn quyết giữ 2 ghế mà không buông. Điều đó cho thấy, con người ông này say máu quyền lực như thế nào?! Đất nước bị ngoại bang đe dọa, ông lặn. Đất nước bị thiên tai, ông lặn. Đất nước bị dịch bệnh, ông lặn. Nhưng đến lúc chia chác quyền lực ông trồi lên và đấu đá hăng say. Đối với ông không có gì đáng để ông quan tâm, chỉ có quyền lực mới làm ông xuất hiện. Khi mâm quyền lực vừa dọn lên thì liền xuất hiện trong một hình dạng của con mãnh thú. Và ông đã chiến như mãnh thú thật. Đáng sợ!

-Đỗ Ngà-

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here