Sáng nay (11-3), nghe nói có nhiều bạn đưa ý kiến, về vụ cô gì đó bị bệnh ở bên Anh, thuê máy bay về Việt nam chữa bệnh, rằng nhà giàu như thế thì tại sao nhà nước phải miễn phí.
Tôi không biết cô ấy có quốc tịch Việt nam không. Nếu có thì việc miễn phí là hoàn toàn đúng. Còn nói lí do gia đình cô ấy giàu, thì theo tôi, đó không thể là lí do để không miễn phí cho cô ấy. Về nguyên tắc, người càng giàu càng đóng nhiều tiền thuế cho đất nước, sự đóng góp của họ cho đất nước thông qua thuế càng nhiều. Người ta nói dân giàu nước mạnh mà. Muốn nước mạnh thì một trong các điều kiện là dân phải giàu.
Tất nhiên, cũng có trường hợp giàu do trốn thuế, và giàu nhưng lại làm nghèo đất nước. Nhưng nếu chúng ta chưa chứng minh được điều đó, và không có thông tin cụ thể, thì vẫn phải coi họ là những người đóng thuế nhiều hơn so với những người nghèo. Và như vậy, thì chuyện ngân sách trả tiền chữa bệnh cho họ là hoàn toàn phù hợp.
Ngoại trừ những trường hợp cán bộ đảng và nhà nước lợi dụng chức vụ quyền hạn ăn hối lộ, tụ tập phe nhóm, lũng đoạn chính sách, cướp tài nguyên của Tổ quốc để làm giàu, ngoại trừ những kẻ cấu kết với đám cẩu quan trên để làm giàu, những người giàu khác ở Việt nam, và ở đâu cũng vậy, đều phải vô cùng vất vả để làm ra được đồng tiền.
Để lập ra một doanh nghiệp, bạn phải đương đầu với việc định hướng kinh doanh, tìm nguồn vốn, tìm mặt bằng, tìm nhân sự. Những chi phí ban đầu thường là khá lớn so với những người bắt đầu. Rồi phải duy trì cho doanh nghiệp hoạt động, tìm nguồn khách hàng, chỉnh đốn sản xuất, dịch vụ, chăm sóc khách hàng. Và vấn đề nhân viên.
Trong nhiều trường hợp, nhân viên, và cả người bên ngoài, chỉ nhìn thấy công lao của nhân viên, của người làm công. Họ cho rằng chủ doanh nghiệp chỉ ngồi chơi hưởng lợi. Trên thực tế, trong khi nhân viên làm xong về nhà với gia đình, đi chơi, xem phim… thì chủ doanh nghiệp, ngay cả khi ngủ cũng luôn bị ám ảnh bởi công việc, nhất là khi tình hình kinh doanh không thuận lợi.
Một người bạn, là chủ doanh nghiệp, nói: “Ngay cả 3 bữa ăn như người bình thường cũng không thể nào có được”. Vào mùa dịch, lớp thì lo lắng về tình hình kinh doanh giống như ngày thường, lớp lại phải lo phòng dịch cho nhân viên, cho khách hàng.
Lại còn phải đối phó với tình hình nhân viên nghỉ ở nhà trông con do trường đóng cửa. Rồi nhân viên sợ dịch nghỉ ngang, không báo trước, không bàn giao. Đã vậy bản thân còn phải hạn chế đủ thứ, không dám đi đâu. Vì nếu lỡ có tiếp xúc với ai bị nhiễm bệnh là phải đi cách li, công ăn việc làm đình trệ, không cẩn thận có khi phá sản luôn.
Trong tình hình đó, nhìn thấy mấy tấm bảng cho thuê nhà mà xót xa. Những doanh nghiệp này mới khai trương trước Tết không lâu. Dịch đã quật ngã họ. Họ phải đóng cửa, trả lại mặt bằng. Vậy mà khi gặp chuyện, nhiều người lại cho rằng, họ không xứng đáng được quan tâm./.