Infodemic

- Quảng Cáo -

Trong khi COVID-19 tiếp tục lan rộng thế giới, một cơn dịch khác cũng bùng nổ: tin giả! Tràn lan tin giả, từ thuyết âm mưu rùng rợn đến những “bình luận” chính trị hóa sự kiện, từ những cái chết giả đến cả các “phương pháp” phòng chống bệnh phản khoa học… Tin giả COVID-19 đang gieo rắc hoảng loạn xã hội và càng làm tình hình thêm rối.

Mới đây, có tin Đức Giáo hoàng Phanxicô và hai phụ tá được xét nghiệm dương tính với coronavirus! Ngoài những tin đồn nhảm nhí như vậy, loại tin giả được “nhiệt tình” chia sẻ nhiều nhất là thuyết âm mưu. Một trong những “ổ dịch” tin giả lớn nhất lâu nay là Epoch Times (bản tiếng Việt là “Đại Kỷ Nguyên”). Một bản tin của tờ này nói rằng coronavirus được tạo ra từ Phòng nghiên cứu virus Vũ Hán, nơi con trai của Giang Trạch Dân – Giang Miên Hằng – chịu trách nhiệm giám sát. Mục đích của việc tung ra virus từ phòng nghiên cứu trên là nhằm đánh phá Tập Cận Bình! Bản tin không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào này lại được lan truyền khắp mạng xã hội.

Đến nay, không ít người vẫn tin vụ một phòng thí nghiệm Vũ Hán nghiên cứu vũ khí sinh học và vô tình làm “sổng chuồng” virus gây ra đại họa cho thế giới là có thật. Thậm chí có người còn nói Trung Quốc đã bí mật tung ra coronavirus để “đánh” Mỹ vì đang thua Mỹ trong cuộc chiến mậu dịch! Ngày 19-2-2020, chuyên san y học lừng danh The Lancet đã đăng tuyên bố của 27 nhà khoa học y tế cộng đồng, nhấn mạnh, họ “lên án mạnh mẽ những thuyết âm mưu cho rằng COVID-19 không có nguồn gốc tự nhiên”. Trước đó, ngày 1-2, bác sĩ Robert H. Shmerling, biên tập viên Harvard Health Publishing, cũng phản ứng gay gắt trước sự bùng nổ của đại dịch tin giả.

Ổ dịch tin giả không thể không nói nữa là Nga. Ngày 23-2, giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng hàng ngàn tài khoản mạng xã hội tại Nga đang tung ra vô số tin giả liên quan COVID-19. Khác với thuyết âm mưu rằng Trung Quốc tạo ra coronavirus nhằm đánh Mỹ, tin giả từ Nga lại khẳng định chắc như bắp rằng Mỹ tạo ra coronavirus để đánh Trung Quốc, rằng coronavirus là vũ khí sinh học được CIA chế tạo… Thập niên 1980, cũng từ Nga, chính xác là từ KGB, thuyết âm mưu rằng giới khoa học Mỹ chế tạo HIV (human immunodeficiency virus) gây ra AIDS cũng từng lan rộng và cũng khiến khối người tin.

- Quảng Cáo -

Tâm lý hoảng loạn trước sự bùng nổ dịch bệnh đã trở thành “môi trường” thích hợp để “virus tin giả” nhanh chóng phát tán và “lây lan”. Sự bưng bít thông tin của Trung Quốc càng khiến tin giả được dịp bùng nổ. Tâm lý ngày càng phổ biến của đa số người dùng mạng xã hội, đến mức trở thành thói quen, là không kiểm chứng nguồn tin, đã giúp tin giả dễ truyền nhanh. Tin giả nhiều đến mức chúng “biến thể” thành nhiều dạng khác nhau mà không có “vaccine” nào khả dĩ ngăn chặn. Nhiều vị trở thành “bác sĩ” với những phương pháp chữa bệnh kỳ lạ. Nhiều vị trở thành “nhà bình luận chính trị” phân tích “những bí ẩn chính trường” đằng sau bức màn đen che đậy thông tin của Trung Quốc. Nhiều vị trở thành “nhà báo” nổi lên trên tuyến đầu chuyên cập nhật tin tức coronavirus mà nguồn tin của anh ta lại đến từ những nguồn tin giả.

Tin giả thật ra là vấn nạn kinh khủng của thời bùng nổ mạng xã hội. Sự phát triển của Facebook, Twitter, Google… cùng lúc với sự tuột dốc của báo chí truyền thống, đã giúp tin giả nhanh chóng biến thành một con quái vật phát triển không ngừng. Tin giả là sản phẩm chủ yếu của tâm lý. Tin giả xuất phát từ tâm lý thù ghét hoặc yêu thích chiếm một tỉ lệ rất lớn trong các “thể loại” tin giả. Cụ thể ở vụ COVID-19, tin giả rõ ràng xuất phát từ tâm lý thù ghét Trung Quốc. Nó mang lại sự khoái trá nhất định như một liệu pháp tâm lý giúp giải tỏa được sự ghét bỏ Trung Quốc lâu nay. Trung Quốc dĩ nhiên gần như luôn đáng bị khinh ghét, với những gì họ làm. Tuy nhiên, nếu ghét Trung Quốc, nếu lên án và chỉ trích cách thức vừa bưng bít thông tin vừa ngụy tạo thông tin của nhà cầm quyền Trung Quốc, thì việc dùng hình thức dối trá để nhân cơ hội này “đánh cho nó chết” thì chỉ đẩy tình huống vào một trớ trêu đầy mỉa mai, với hình ảnh rằng cả hai bên đều xứng đáng là một bọn bịp như nhau. Muốn “đánh” Trung Quốc thì cần tìm kiếm sự thật để lật tẩy sự dối trá của họ. Không thể dùng dối trá để “lên án” dối trá.

Sự bùng nổ của dịch tin giả luôn mang lại những câu chuyện đầy mỉa mai. Trong khi nhiều hãng tin và tờ báo lớn đang bị qui kết là nơi “sản xuất tin giả” thì cùng lúc những người qui kết như vậy lại háo hức lan truyền tin giả. Mỉa mai hơn, có không ít người dường như rất dễ tin vào tin giả lại được mặc định là những người đang đóng góp cho việc làm tin thật. Đó là giới báo chí. Cách đây không lâu, một số nhà báo đã chia sẻ bản tin rằng New York Times dựng nguyên một panô khổng lồ hình Mao Trạch Đông ngay trước mặt tiền trụ sở nhằm tôn vinh lãnh tụ họ Mao. Đó là tấm hình ngụy tạo bằng photoshop. Tôi đã được xác nhận điều này bằng thư trả lời của ban biên tập New York Times, cũng như bằng tin nhắn hồi âm của phóng viên (New York Times) Edward Wong. Như đã nói, tin giả là sản phẩm chủ yếu của tâm lý. Ở đây là sự thù ghét New York Times.

Cũng xuất phát từ tâm lý thù ghét chế độ cộng sản Việt Nam, vô số tin giả cũng liên tục được tạo ra. Như trường hợp Trung Quốc, sự tình ngày càng trớ trêu khi người ta dùng tin giả để đánh lại một chế độ vốn nổi tiếng là “trùm” tin giả, từ việc “chế” ra những “anh hùng” thời Điện Biên Phủ, thời kháng chiến chống Pháp, thời đánh Mỹ, cho đến thời đánh “bọn phản động nhận 300.000 đồng” để đi biểu tình. Làm thế nào mà chế độ cộng sản Việt Nam có thể “chết” nếu chỉ tạo ra những tin giả nhảm nhí chẳng hạn “Mạnh Mượt” (Nông Đức Mạnh) “vừa mới chết”? Hơn nữa, làm thế nào có thể địch lại bộ máy chuyên nghiệp trong nghề sản xuất tin giả với “kỹ thuật” lẫn tài chính dồi dào của chính quyền?

Như Trung Quốc, chế độ cai trị vừa bưng bít vừa dối trá này chỉ sợ sự thật. Hai quái vật dối trá như nhau đánh nhau trong bóng đêm chỉ kéo dài thêm sự tăm tối. Đất nước này cần được mang ra ánh sáng vì nó đã sống quá lâu trong bóng tối. Lập luận rằng vì cộng sản chuyên dối trá nên phải dùng công cụ dối trá để đánh lại là một lập luận không mang lại chút ánh sáng khả dĩ nào. Cộng sản chỉ sợ sự thật. Đó là một sự thật.

Trở lại với cái gọi là “infodemic”. Với tình hình nghiêm trọng hiện nay, hãy bình tĩnh và chọn lọc tin. Việc lan truyền những tin tức không thể kiểm chứng cũng như việc chia sẻ những thuyết âm mưu sẽ không bao giờ làm cho cá nhân mình hoặc gia đình mình an toàn hơn. Trong khi chờ giới khoa học tìm ra được vaccine trị coronavirus, có lẽ tự thân xã hội phải tự sản xuất vaccine trị “infodemic”.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here