Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân
Xây dựng tượng đài như một dịch bệnh ăn sâu trong máu những người cộng sản cầm quyền, một thứ dịch bệnh không có thuốc chữa.
Khắp nước Việt Nam, thành phố nào, tỉnh nào cũng có vài ba tượng đài, và trên bàn viết lãnh đạo nào cũng có sẵn một dự án xây dựng tượng đài qui mô “hoành tráng”, nhất là tượng đài lãnh tụ. Trong số đó, tượng đài Hồ Chí Minh chiếm ưu thế tối thượng, kế đến là tượng lãnh tụ quốc tế vô sản Lênin.
Nghệ An là một “tỉnh nghèo” ở Miền Trung, cái nghèo được chứng minh qua lá đơn xin trung ương hàng ngàn tấn gạo cứu đói hằng năm. Cụ thể như trong dịp Tết năm 2019, chính phủ đã cấp cho Nghệ An gần 1.300 tấn gạo để hỗ trợ cho 22.000 gia đình nghèo mà tỉnh cho rằng đang thiếu đói. Cái nghèo của Nghệ An cũng phơi bày trong thảm cảnh tha phương cầu thực, dẫn đến cái chết tập thể của 39 thanh niên ở tuổi đầy sức sống.
Thế nhưng dù cho thiếu gạo, thiếu mọi mặt nhưng về phương diện tượng đài thì Nghệ An có thừa. Cũng như ở mọi nơi khác trên đất nước Việt Nam, có thể kể ra tượng đài ông Hồ ở trung tâm Thị Xã Vinh, tượng đài Xô Viết Nghệ Tỉnh ở ngã ba thị trấn Nghèn (Can Lộc), là hai tượng đài được mô tả là qui mô nhất và cũng tiêu tốn nhiều tiền ngân sách nhất của Nghệ An.
Có lẽ lãnh đạo Nghệ An chưa vừa ý hay muốn làm nổi bật tỉnh nhà, thi đua với Hà Nội nên ngày 19 tháng Hai vừa qua, tỉnh Nghệ An đã quyết định bỏ ra hơn 8 tỷ đồng để xây dựng tượng đài Lênin cao 3 mét tại một công viên đẹp nhất tỉnh. Theo một viên chức của Ban quản lý dự án, tượng Lênin này là món quà đặc biệt của chính quyền tỉnh Ulianovsk (thuộc Liên Bang Nga), quê hương của Lênin, “muốn” tặng cho Nghệ An.
Cho dù biện minh đây là món quà được tặng; nhưng lãnh đạo CSVN nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng có nên phí tiền để trang trải cho việc đưa một tượng đã bị dân Nga vứt bỏ, đem về trưng bày trong khi người dân trong tỉnh nhà đang thiếu đói.
Vào năm 1991 khi chủ nghĩa cộng sản kết thúc vai trò dẫn dắt của nó ở Liên Bang Xô Viết, người dân Nga cũng đã loại bỏ hầu hết các tượng đài Lênin ra khỏi đời sống xã hội, trong trào lưu trở lại với những giá trị dân chủ đích thực của Tây Phương. Các nước Đông Âu sau khi từ bỏ chủ thuyết cộng sản do Liên Xô áp đặt, các tượng đài Lênin cũng bị dân chúng tự động đập bỏ.
Lênin một thời gian dài được tô vẽ, tôn sùng như một vị thánh. Ông được lịch sử ghi nhận là người làm ra Cách Mạng 1917 với mong muốn xử dụng chủ nghĩa cộng sản như một chiếc đũa thần để nhanh chóng biến Liên Xô thành một đại cường. Liên Xô phải qua mặt Tây phương từ khoa học kỹ thuật tới kinh tế quốc dân, xứng đáng có tiếng nói mạnh trên bàn cờ quốc tế lúc bấy giờ. Nhưng cuối cùng chủ thuyết này đã thất bại bởi nhiều lý do, mà lý do quan trọng nhất nó không phải là một phương thuốc thần hiệu chữa được căn bệnh của nước Nga sau sự sụp đổ đẫm máu của triều đại Nga Hoàng.
Thế mà nay CSVN lại mang thứ mà người Nga đã vứt đi không luyến tiếc, đem về dựng ở Nghệ An để tô thêm vẽ hào hùng đã phai mờ của 4 chữ “Xô Viết Nghệ Tĩnh.” Phải chăng lãnh đạo Nghệ An là những người dốt lịch sử hay muốn phỉ nhổ vào lịch sử, hoặc cả hai? Lịch sử thế giới trong vòng 100 năm qua kể từ khi Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản ra đời năm 1848, cuộc cách mạng vô sản của Lênin và sau đó là Stalin đã thúc đẩy được nước Nga bằng phương pháp cưỡng bách, nhưng tỏ ra vô hiệu trong việc giải quyết toàn bộ vấn đề của đất nước.
Việt Nam trong tay đảng Cộng Sản cũng theo đuôi Liên Xô đề cao đấu tranh giai cấp, tiêu diệt quyền tư hữu, thắt chặt dân chủ, cưỡng chiếm tài sản quốc gia, cuối cùng lại tạo ra một giai cấp mới khắc nghiệt hơn, tham lam hơn và thất bại hơn. Cho tới nay đảng CSVN vẫn tỏ ra điên cuồng sùng tín với một hình ảnh thất bại, vẫn coi việc dựng tượng Lênin là một niềm tự hào xứng đáng.
Nhưng nếu nhìn vấn đề ở một khía cạnh khác, mang một bức tượng của một nhân vật đã bị chính dân Nga phế thải về dựng lên ở Việt Nam, còn cho thấy giòng máu sùng bái lãnh tụ vẫn là căn bịnh tâm lý bất trị ở các nước cộng sản trước đây. Việt Nam và Bắc Hàn là hai nước cộng sản Á Châu điển hình mạnh mẽ nhất cho bệnh sùng bái lãnh tụ này, lúc sống cũng như lúc chết.
Riêng tại Việt Nam “tượng đài Bác Hồ” là cả một hệ thống từ Nam chí Bắc tiêu tốn công quỹ hàng tỷ đô-la vừa xây dựng vừa bảo trì. Hệ thống ấy bất chấp sự thâm hụt ngân sách hàng năm, vẫn được các lãnh đạo tỉnh, thành khắp nước thúc đẩy, thực hiện trong bầu không khí thi đua đầy phấn khích.
Và sau khi tượng Lênin được dựng lên giữa thị xã Vinh cùng với tượng đài Hồ Chí Minh, sẽ tạo thành một cặp lãnh tụ của một chủ thuyết thất bại mà Việt Nam đang kiên trì gìn giữ. Thử hỏi có bao giờ lãnh đạo Nghệ An nghĩ đến những người dân của mình vì mong muốn đổi đời mà phải chết thảm trong container đông lạnh.
Tuy nhiên đàng sau những tượng đài ngạo nghễ ấy, và bên cạnh sự tôn thờ phi lý ấy, người ta không thể không chua chát nhận ra rằng việc xây dựng tượng đài cũng là một phương pháp moi tiền ngân sách hiệu quả nhất để các cán bộ cộng sản bỏ túi riêng.
Dân ta có nên tiếp tục im lặng để cho những đám tham ô bày vẽ những dự án phi lý này không?
Phạm Nhật Bình