Dưới đây là dòng thời gian của dịch viêm phổi cấp, từ một chợ hải sản tại Trung Quốc, trong vòng một tháng, đã lây nhiễm đến ít nhất 20 tỉnh thành tại Hoa Lục, và theo các hành khách máy bay đi đến nhiều quốc gia khác trên thế giới, bao gồm Thái Lan, Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Hoa Kỳ và Úc.
Ngày 12 tháng 12 năm 2019, trường hợp đầu tiên của dịch viêm phổi cấp được phát hiện tại chợ hải sản Hoa Nam, thành phố Vũ Hán; vì thế, báo chí thường gọi là “dịch viêm phổi Vũ Hán”. Đến gần ba tuần lễ sau đó, nhà cầm quyền mới chính thức đưa ra thông báo vào ngày 30 tháng 12 để cảnh báo những người buôn bán tại chợ Hoa Nam.
Sau khi thông báo được phổ biến, mọi sinh hoạt buôn bán vẫn tiếp diễn trong khu vực chợ. Ngày 31 tháng 12, phóng viên của “The Paper”, một phương tiện truyền thông trực tuyến khởi nghiệp được hỗ trợ bởi tập đoàn truyền thông Shanghai United Media Group tại Trung Quốc, đã phỏng vấn một chủ tiệm tại chợ Hoa Nam. Ông ta đã xác nhận mọi người đều lo sợ nhưng họ vẫn tiếp tục buôn bán.
Một số người dân Trung Quốc bày tỏ sự quan tâm, tìm kiếm và trao đổi thông tin trên mạng Weibo, đã bị bắt giữ về tội “phổ biến thông tin giả nhằm gây hoang mang dư luận.”
Ngày 2 tháng 1, Bộ Y tế Singapore công bố rằng họ quan tâm về sự bùng phát bệnh viêm phổi tại Vũ Hán và đang theo dõi tình hình chặt chẽ.
Ngày 9 tháng 1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo dịch viêm phổi Vũ Hán là do chủng vi rút “coronavirus” chưa được biết đến trước đây. WHO đã yêu cầu cơ quan y tế của Trung Quốc phải cung cấp thông tin cho những chuyên gia quốc tế để họ tìm biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Vào thời điểm đó, Trung Quốc công bố chỉ có 59 trường hợp tại Vũ Hán, không có trường hợp nào ở trên những tỉnh thành khác, và loại “vi-rút lạ” gây ra dịch viêm phổi cấp này không có dấu hiệu lây nhiễm giữa người và người. Về sau, rút lại con số từ 59 xuống còn 41 trường hợp.
Trưởng phòng dịch tễ học của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (Center for Disease Control), Zeng Guang, lập luận cho rằng “đây chỉ là một vài trường hợp, nếu so với dân số của Vũ Hán có hơn 10 triệu người”.
Tình trạng trở nên tệ hại khi hàng chục ngàn du khách, mang theo vi rút Vũ Hán đi ra nước ngoài. Trong dịp Tết năm nay, từ ngày 20 đến 27 tháng 1, sẽ có 2.105 chuyến bay từ thành phố Vũ Hán đi khắp các tỉnh thành Hoa Lục, và 231 chuyến bay ra nước ngoài (kể cả Việt Nam).
Ngày 13 tháng 1 năm 2020, trường hợp đầu tiên phát hiện ở Thái Lan, bên ngoài lãnh thổ Hoa Lục. Một phụ nữ Trung Quốc được chẩn đoán mắc bệnh viêm phổi nhẹ đang trở về Thái Lan sau chuyến đi đến Vũ Hán.
Ngày 15 tháng 1, Ủy ban y tế Trung Quốc cho biết “cho đến nay, không có sự lây truyền vi rút Vũ Hán từ người sang người”. Lời công bố của ủy ban đã không đứng vững trước sự kiện của một người phụ nữ tại Hồ Bắc đã bị lây nhiễm mặc dù bà ta không hề đến chợ Hoa Nam. Ông chồng của bà đã làm việc ở chợ và trở thành nạn nhân của dịch viêm phổi trước đó. Như vậy, bà ta đã có thể bị lây nhiễm bởi người chồng.
Ngày 16 tháng 1, trường hợp đầu tiên phát hiện tại Nhật Bản.
Ngày 17 tháng 1, trường hợp thứ hai tại Thái Lan. Trong cùng ngày, nạn nhân thứ hai đã chết tại Vũ Hán. Chính phủ Mỹ đã ra lệnh kiểm tra y tế các hành khách từ Trung Quốc đến các sân bay San Francisco, New York’s JFK and Los Angeles
Ngày 20 tháng 1, trường hợp đầu tiên tại Nam Hàn.
Ngày 21 tháng 1, trường hợp đầu tiên tại Đài Loan.
Trong cùng ngày 21/1, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đã xác nhận trường hợp đầu tiên tại Hoa Kỳ. Các quan chức CDC cho biết Hoa Kỳ sẽ nghiêm ngặt hơn về kiểm tra sức khỏe của hành khách máy bay đến từ Vũ Hán. Bệnh nhân không được nêu tên, đang cách ly tại Trung tâm Y tế. Anh ta ở độ tuổi 30 và sống ở Hạt Snohomish, tiểu bang Washington, ngay phía bắc Seattle.
Và virus cũng có thể đã lan sang Úc. Một người đàn ông ở thành phố Brisbane đã được thử nghiệm về chủng coronavirus mới gây chết người sau khi trở về từ chuyến đi đến Trung Quốc để thăm gia đình. Giám đốc y tế của tiểu bang Queensland, bà Jeanette Young, nói với các phóng viên rằng người đàn ông đã bị cô lập tại nhà của anh ta.
“Chúng tôi hiện đang theo dõi sức khỏe một người đàn ông đã đến Vũ Hán, trở về lại Úc và bị bệnh hô hấp”, bác sĩ Young nói với các phóng viên hôm thứ ba. “Chúng tôi đã thực hiện một số thử nghiệm trên anh ấy và đang chờ kết quả thử nghiệm.”
Đến hôm nay, nhà cầm quyền Trung Quốc báo cáo đã có 6 người chết tại Vũ Hán. Tổng số trường hợp tại Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc được nhà nước nâng lên từ 41 đến 314 vụ cần phải nhập viện. Một số video ngắn được đưa lên mạng cho thấy các bác sĩ và nhân viên bệnh viện ở Vũ Hán phải mặc loại áo chống nhiễm dịch tai các khu cách ly hiện đang điều trị bệnh nhân bị viêm phổi vì “coronavirus”.
Trưởng khoa Y của đại học Hồng Kông HKU, Giáo sư Gabriel Leung, cho biết con số trường hợp ở Trung Quốc có thể lên đến 1.700 vụ. Ngoài ra, Giáo sư Leung theo phép tính của ông, dịch viêm phổi cấp phát xuất từ Vũ Hán hiện đang lan tràn đến 20 tỉnh thành tại Hoa Lục. Con số của Giáo sư Leung đưa ra đã phù hợp với con số ước lượng của một nhóm chuyên gia y tế của Trung tâm phân tích bệnh truyền nhiễm toàn cầu MRC tại thủ đô London, Anh.
Trong bản báo cáo của Imperial College, phổ biến ngày 17 tháng 1, nhóm chuyên gia MRC đã ước tính có đến tổng cộng 1.723 trường hợp bị nhiễm vi rút “2019-nCoV” tại thành phố Vũ Hán.
Cho đến hôm nay, Trung Quốc nhìn nhận chủng “coronavirus” này có khả năng lây nhiễm giữa người và người. Zhong Nanshan, chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc về các bệnh truyền nhiễm, nói với đài truyền hình CCTV của nhà nước rằng: sự lây truyền từ người sang người là “khẳng định”.
Việt Nam và Bắc Triều Tiên, hai láng giềng giáp ranh với Trung Quốc, không có báo cáo xác định trường hợp nhiễm “coronavirus” nào cả. Báo Thanh Niên có đăng tin vào ngày 15/1, với tiêu đề “Xuất hiện 2 du khách nghi nhiễm viêm phổi ‘lạ’ tại Việt Nam.”
Việt Nam hiện nay là quốc gia mở rộng cửa một cách ưu đãi quá độ đối với người và súc vật đến từ Trung Quốc./.