Bản dịch của Hoàng Trường
Cuộc tranh chấp bạo động về đất đai gần đây đã làm nổi bật nhiều vấn nạn trầm trọng cần giải quyết.
Rạng sáng ngày 9 Tháng Giêng, một lực lượng nhiều ngàn công an đã đột kích một ngôi làng ở ngoại thành Hà Nội. Chẳng khác gì tấn công một lãnh tụ khủng bố, lực lượng an ninh phong toả kín làng Đồng Tâm, chiếu sáng rực đêm đen với lựu đạn sáng, xả đạn vào nhà của cụ già 84 tuổi Lê Đình Kình.
Theo báo cáo thì lực lượng an ninh đã giết Cụ Kình cùng với con trai của Cụ và đứa cháu trai mới 3 tháng tuổi. Nhưng Cụ Kình không phải là một kẻ khủng bố hay một người đang trốn chạy. Là một đảng viên kỳ cựu của Đảng CSVN, Cụ là tộc trưởng của một gia đình được mọi người kính trọng, và là người lãnh đạo tinh thần của phong trào chống tham nhũng.
Đã nhiều năm qua, chính quyền TP Hà Nội đã muốn chiếm đoạt một phần đất của Đồng Tâm bằng cách dọa nạt về cả thể chất và luật pháp. Tháng Tư 2017, chính quyền địa phương bắt đầu cắt xén mảnh đất theo lịch sử thuộc về Đồng Tâm. Khi Cụ Kình đến hiện trường để phản đối thì an ninh đã tấn công và đánh gãy chân Cụ.
Tình hình xoay chuyển bất ngờ, dân làng quay lại bắt giữ 38 cán bộ và cảnh sát cơ động trong suốt một tuần lễ. Để giải quyết bế tắc, Chủ Tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp gặp gỡ dân địa phương. Ông Chung, là cựu Trưởng Công An Hà Nội, đã hứa không trả đũa và hứa giải quyết việc tranh chấp trong ôn hoà.
Vào Tháng Mười Hai, 2019, ông Chung đã ra quyết định thúc ép Đồng Tâm phải từ bỏ đất đai của họ. Dân làng Đồng Tâm đã tổ chức một buổi họp sôi nổi và tố cáo Chung thuộc nhóm lợi ích. Dân làng chống đối quyết định buộc họ phải giao đất cho Viettel, là tập đoàn viễn thông lớn nhất của Việt Nam. Dân làng tuyên bố quyết tâm giữ vững lập trường, hưởng ứng lời kêu gọi chống tham nhũng của nhà nước.
Trong những ngày tiếp theo cuộc tấn công, truyền thông nhà nước đã cáo buộc là dân làng đã vũ trang và cản trở việc xây dựng hàng rào phi trường gần đó. Truyền thông nhà nước nói Cụ Kình chết khi “chống đối người thi hành công vụ.” Nhà cầm quyền cũng nói rằng 3 nhân viên an ninh đã thiệt mạng khi công tác. Khi không thể truy cập một cách độc lập vào Đồng Tâm thì khó có thể thẩm định những báo cáo của nhà nước.
Điều được biết là ngay trước cuộc đột kích cûa an ninh hệ thống internet chung quanh Đồng Tâm đã bị cắt. Những đoạn video thu được bằng điện thoại cầm tay mà sau đó được phát trên mạng cho thấy nhiều đoàn xe đổ dồn về xã, và sau đó là những tiếng nổ lớn. Thân nhân của Cụ Kình được nhận xác của Cụ vào ngày hôm sau. Theo video ghi lại thì dường như Cụ Kình đã bị bắn vào đầu và vào tim.
Nhà nước đã cố ngăn chặn không cho tin tức thoát ra từ Đồng Tâm. Bộ Thông Tin và Truyền Thông đã chỉ trích Facebook đáp ứng chậm chạp yêu cầu của chính phủ đòi gỡ bỏ những nội dung liên quan đến vụ tấn công. An ninh cũng cô lập những blogger nổi tiếng, ở cách xa Hà Nội cả 40 cây số, không cho tường trình về sự kiện. Một nhà dân báo nổi tiếng là Trịnh Bá Phương đã bị quản thúc tại gia vì ngày trước đó đã tường trình sự việc.
Ngay lúc này, tình hình vẫn rất căng thẳng, và không biết đã có bao nhiêu dân Đồng Tâm đã bị thương và bao nhiêu người còn bị giam giữ. Nhà cầm quyền đã cấm không cho ra vào Đồng Tâm. Biến cố Đồng Tâm được coi là một trong những hành động đàn áp người bất đồng chính kiến trong nước trầm trọng nhất của an ninh trong những năm gần đây.
Các tổ chức nhân quyền đã kêu gọi sự minh bạch. Ông Phil Robertson thuộc Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) nói “Nhà cầm quyền Việt Nam phải tiến hành ngay việc điều tra khách quan và minh bạch về sự việc để biết rõ chuyện gì đã thực sự xảy ra, ai trách nhiệm việc bạo động, và an ninh có sử dụng bạo lực quá mức hay không.”
Tuy nhiên, vấn nạn lớn hơn đưa đến việc tranh chấp đất đai ở Việt Nam là tình trạng vô trách nhiệm và tham nhũng của quan chức. Người ta tin rằng Đảng và quan chức nhà nước làm giàu bằng cách cấp quyền sử dụng đất. Theo Luật Sư Lê Công Định “Việc tranh chấp đất đai bắt nguồn từ nguyên tắc sử dụng đất cho phép Nhà Nước chiếm đoạt, sở hữu và kiểm soát tất cả đất đai trên toàn quốc dưới danh nghiã ‘nhân dân.’”
Có lẽ việc làm nhà cầm quyền khó chịu nhất là việc Cụ Kình tổ chức làng xóm của Cụ để đòi công lý. Tại một trong những buổi họp cuối cùng của dân làng, được phổ biến rộng rãi trên mạng, các diễn giả đã bác bỏ những cáo buộc của quan chức Hà Nội là dân làng bị kiểm soát bởi các thế lực bên ngoài. Đây là đất của chúng tôi, họ nói, và chúng tôi sẵn sàng chết ở đây.
Việc sát hại Cụ Kình đã dấy lên một làn sóng phẫn uất trong cộng đồng mạng và nhiều buổi cầu nguyện đã diễn ra tại các nhà thờ ở Hà Nội và Nghệ An. Cuộc tấn công bạo động ở Đồng Tâm – nghĩa là “đoàn kết các con tim” – trên nhiều phương diện, đã làm nổi bật cuộc khủng hoảng to lớn hơn về sự chính danh của nhà nước Việt Nam.
Hoàng Tứ Duy là một nhà lãnh đạo của Đảng Việt Tân, một tổ chức chính trị tranh đấu cho dân chủ bị cấm hoạt động ở Việt Nam.
Source: https://thediplomat.com/2020/01/vietnams-deadly-land-clash-leaves-questions-unanswered/