Thẩm phán của ta đã bị đảng hoá trong mọi đường lối xét xử. Cứ nên nhớ rằng trong hệ thống xét xử đều có những chỉ đạo về công tác và mặt tư tưởng. Đến nỗi trong các bản án của Toà án hoặc cáo trạng của Viện kiểm sát đều có câu chữ “đi ngược với đường lối, chủ trương của đảng”. Vì thế, trong nhận thức, các thẩm phán đều phải nằm lòng tinh thần của các quan điểm và đường hướng của Đảng cộng sản. Trong các đạo luật hiện hành, cụm từ trên vẫn thường được nhắc lại một cách thường xuyên.
Trong việc xét xử, thẩm phán phải giữ sự độc lập hoàn toàn và như một trọng tài, không giữ một sự định kiến hoặc thiên hướng kết tội nào. Nếu trong quá trình điều khiển phiên toà, thẩm phán đóng vai trò kết tội với những câu hỏi có thiên kiến hoặc gây bất lợi cho bị cáo, đó đều là biểu hiện cho thấy sự thiếu công tâm và khách quan. Trong những vụ án tham nhũng, những ban chỉ đạo hay cơ quan Đảng luôn đi trước trong mọi bước tố tụng tiếp theo mà làm cơ sở sau đó cho các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện theo chu trình tố tụng hình sự – tố tụng Đảng quyết định đến tố tụng hình sự và được thực hiện đầu tiên.
Trong mô hình tranh tụng, thẩm phán chỉ ngồi nghe bên công tố và luật sư tranh tụng, dựa vào phán định của Bồi thẩm đoàn (khoảng 12 người dân bất kỳ không có hiểu biết gì về luật pháp), sau đó thẩm phán mới đưa ra hình phạt (nếu Bồi thẩm quyết định có tội). Thẩm phán chỉ đứng như một vị trọng tài, không định kiến và thiên vị, không mang màu sắc chính trị – toà án chỉ là nơi đại diện cho lẽ công bằng – thứ mà luật pháp ấn định cho mỗi người đều được hưởng ngang nhau.
Nói như vị chủ toạ xử cựu Bộ trưởng Thông tin truyền thông, “nếu hỏi cái gì cũng không biết thì làm bộ trưởng làm gì?” là một câu hỏi định kiến và gây bất lợi cho bị cáo. Không ai biết hết mọi thứ, như ông tướng quân đội không đọc được bản đồ hay Bộ trưởng một bộ lớn còn không biết việc kéo mây điện toán như mây trên trời là không thể thực hiện được. Hay như cương lĩnh đảng còn cao hơn cả Hiến pháp, như nhận định của người đứng đầu Đảng.
Vấn đề của các thẩm phán phải là thấu hiểu công lý là gì, trước khi đi vào thẩm vấn theo cách có tính cáo buộc kết tội hoặc với các tâm thức định kiến sẵn có trong mình. Và quan trọng là tinh thần Đảng hoá quá rõ nét trong các não bộ của những thẩm phán, họ không thể đủ hiểu về tự do để nhìn nhận công lý thực sự với hình dạng như thế nào./.