Ở một vương quốc nọ có một vương triều bạo ngược đã trị vì chỉ mới có 74 năm, chưa thịnh mà đã đến hồi suy vong. Một hôm, vị hoàng đế đương triều nằm mơ thấy thân thể của ông bị bầy kiến Dorylini tấn công làm ông ta phải chạy trốn vào ống cống. Thế nhưng cuối cùng, ông cũng bị kiến tìm được nơi ẩn náu bí mật đó. Giấc mộng quá mạnh đến nỗi nó làm nhà vua phải giật mình thức giấc ngay lúc đang ngủ say. Phải mất vài phút thì nhà vua mới hoàn hồn và nhận ra rằng, đó là một giấc mơ.
Sáng hôm sau, hoàng đế cho triệu tập các quan thân cận về triều để họp khẩn. Trong cuộc họp này, nhà vua kể lại giấc mơ đêm qua cho các quan các tướng nghe. Khi nghe hết câu chuyện thì Trấn Nam vương Thành Nam – người mà có tước phẩm chỉ dưới vua và tể tướng đã phải tái mặt. Ngay lúc đó, Trấn nam vương quỳ xuống và tâu rằng: “Tâu bệ hạ! Đêm qua thần cũng có giấc mơ y hệt như giấc mơ của bệ hạ vậy, nhưng ngoài hình ảnh như bệ hạ vừa kể, thần còn thấy cảnh triều đình ta hoảng loạn dẫm đạp lên nhau chạy thoát thân khi đàn kiến tràn vào triều đình ta”.
Khi Trấn Nam vương vừa kể xong thì tất cả mọi người đều tái mặt hẳn. Vì họ biết rằng, nếu chỉ 1 giấc mơ đơn lẻ thì còn có thể xem đó chỉ là một giấc như bao giấc mơ khác, nhưng ở đây có đến 2 giấc mơ trùng khớp thì đó không phải là giấc mơ thường nữa mà là điềm báo. Ai cũng nghĩ đó là điềm báo cho sự sụp đổ của triều đình nhưng không ai dám nói ra. Chính vì thế, sau buổi họp kín này nhà vua mất ăn mất ngủ mấy ngày liền. Thấy vậy, một hoạn quan thân cận đã mời một chiêm tinh gia đến giải mộng cho hoàng thượng theo kịch bản soạn sẵn nhằm làm cho hoàng thượng yên lòng.
Vị chiêm tinh gia này bảo rằng “Tâu bệ hạ! Giấc mộng đó không phải là điềm xấu mà là điềm tốt. Đàn kiến ấy là thần dân, ống cống là một lăng mộ”. Vị chiêm tinh gia này nói tiếp “Giấc mơ đó có nghĩa là, sau khi băng hà, Hoàng thượng sẽ được dân xây lăng tưởng nhớ công ơn y hệt như Tiên đế khai quốc lập triều của vương triều ta vậy!”. Nghe có lý, vị hoàng đế già lấy làm hài lòng lắm. Thế nhưng vì tính cẩn thận nên ông vua này vẫn cho gọi Trấn Nam vương đến dặn dò “Khi về Thành Nam, ngươi cho quân lính tập trận với giả định tình huống là nhân dân nổi dậy. Để phòng khi có biến, thì triều đình ta biết đường chống đỡ”. Trấn Nam Vương vâng lệnh rồi tạm biệt nhà vua trở về Thành Nam.
Thực ra ông Trấn Nam Vương này biết rằng, lời giải thích của bọn chiêm tinh gia kia chỉ đơn thuần là lời nói nịnh chứ thực sự đó không phải là sự thật. Là một người có học nhất triều đình nên tên Trấn Nam Vương này biết chắc đó là điềm báo cho sự sụp đổ của triều đình chứ chẳng phải là sự tung hô nào của dân chúng dành cho nhà vua cả. Vả lại ông Trấn Nam Vương này cũng đang nhận ra rằng, vương triều mà ông ta đang phụng sự ngày một mất lòng dân không mà thể nào cứu vãn được, kết cục sụp đổ là khó tránh khỏi. Hiểu vậy nên khi về Thành Nam, ông Trấn Nam Vương này đã cho chặn đường không cho dân đi làm và lùa quân lính ra luyện tập. Mục đích là để dằn mặt đám dân đen rằng “Chúng mầy chớ có làm loạn, hãy cẩn thận với bọn tao đấy nhá!”. Tưởng rằng cho quân tập trận thế là dân sẽ hoảng, nhưng không! Khi binh lính được lùa ra, thay vì diễn tập, bọn chúng chỉ biết diễn hài làm nhân dân có một trận cười no bụng.
Nhìn thấy binh lính rệu rã thế, ông Trấn Nam Vương lại càng lo. Sau lần diễn tập thất bại đó, ông ta đã ký sắc lệnh cho tuyển quân tăng cường nhằm củng cố sức mạnh vũ lực sao cho đủ sức đối phó với nhân dân. Ý định chưa kịp thực hiện thì bỗng giặc phương Bắc xâm lấn. Ở kinh đô, vua tôi triều đình đã hèn nhát cắt đất tổ tiên trao tay giặc. Hành động này đã chạm vào sức chịu đựng của nhân dân. Nó bắt đầu cho một cuộc nổi dậy rộng khắp.
Vì cuộc sống lầm than và quan lại tàn bạo bức hại vốn đã làm lòng dân căm ghét, nay triều đình lại bán nước thì chẳng khác nào châm lửa vào kho thuốc súng. Như tức nước vỡ bờ, thế là dân chúng nổi dậy khắp nơi. Số lượng người xuống đường cứ tăng dần làm sức dân cứ như thác lũ tràn về. Không thể đàn áp nổi, triều đình có nguy cơ sụp đổ và vua buộc phải chạy trốn. Nhưng vì tham quyền cố vị nên đến lúc dân quá phẫn uất vây lấy cung điện, không còn đường thoát, bí quá nhà vua chui vào cống. Nhân dân rút kinh nghiệm là khi vua hèn hết đường thoát hay chui cống, nên cuối cùng nhà vua cũng bị dân chúng lôi ra khỏi cống. Vua bị bắt thì triều đình như rắn mất đầu. Lúc này đám quan lại tàn bạo khi xưa hoảng loạn dẫm đạp lên nhau tháo chạy thoát thân. Có kẻ thoát có kẻ bị tóm. Cuối cùng, triều đình đã sụp đổ hoàn toàn và nhân dân lập nên một nhà nước của riêng mình, một nhà nước biết vì dân thực sự./.