Trên thế giới này từ cổ chí kim, không có thời nào mà không có những quốc gia mạnh và quốc gia yếu. Và từ xưa đến nay, lịch sử quốc gia nào cũng có chiến tranh. Chiến tranh chết chóc là giải pháp cuối cùng, ấy là với đối thủ cứng cựa khó chơi thì kẻ thù ta mới dùng chiến tranh. Còn khi ta là kẻ vô minh và hèn yếu thì rất có thể kẻ thù không cần động đến binh đao cũng thắng được ta. Người Trung Hoa có câu “Không đánh mà thắng” mới là cảnh giới cao nhất của nghệ thuật dùng binh. Có lẽ sau hàng ngàn năm, Trung Quốc xâm lược Việt Nam bằng sức mạnh quân sự nhưng vẫn không khuất phục được, thì nay họ đổi chiến thuật chăng? Rất có thể.
Là một nước nhỏ, để trụ vững trước một kẻ thù to lớn và đầy dã tâm thì điều cần phải có ở những nhà lãnh đạo quốc gia là phải có đủ cả trí và dũng. Trí là để nhìn ra được những yếu điểm và ưu điểm của kẻ thù và cả của phía chúng ta, hay nói đơn giản có trí thì mới biết người biết ta. Dũng là để giữ vững lập trường, giữ tâm tĩnh trước tình huống khó khăn của đất nước. Có dũng thì mới có thể lèo lái con thuyền đất nước vượt qua dông bão để đến với bến bờ bình yên.
Trong lịch sử thế giới, nước mạnh thắng nước yếu cũng thường và nước yếu thắng nước mạnh cũng không ít. Trong lịch sử một triều đại, có thể thời của vua này hùng nhưng thời vua khác lại hèn, đó là chuyện bình thường. Thời Hậu Lê, triều đình dưới bàn tay của Lê Thái Tổ và Lê Thánh Tông là những lúc triều đình hùng mạnh, nhưng đến thời Lê Chiêu Thống thì cả triều đình phải mang nỗi nhục phản quốc mà ngàn năm không thể rửa được. Tương tự như vậy, trong triều đình CS, chỉ mới 40 năm trước người đứng đầu ĐCS lại dám đương đầu với kẻ thù Phương Bắc hung hãn nhất, nhưng hôm nay thì kẻ ngồi cũng ở ngai đó lại ôm chân kẻ thù và cụp đuôi trước mọi sự ngang ngược của chúng.
Thường thì có trí mới sinh ra dũng, khi biết địch biết ta thì ta tự tin trước sự hăm he của địch. Từ trí mà có được sách lược tối ưu, từ chỗ có sách lược tối ưu thì con người ta trở nên tự tin và lúc đó cái dũng sẽ được bộc lộ. Tuy trí và dũng là 2 khái niệm khác nhau, nhưng 2 yếu tố này có liên hệ hữu cơ với nhau. Chính vì thế, với kẻ vô minh thì không bao giờ có cái dũng là bởi vậy. Và tương tự như vậy, với một tập thể vô minh thì tất đó là một đám hèn. Chỉ có trí và dũng thì mới biết người biết ta, mà đã biết người biết ta thì tất “trăm trận trăm thắng”, theo Binh Pháp Tôn Tử nói như vậy.
Chuyện kể rằng, khi Tôn Tẩn tới nước Tề thì ông ta đã dùng trí của mình quan sát và áp dụng điểm mạnh của mình đấu với điểm yếu của đối phương và giành thắng lợi trong một cuộc đua ngựa cung đình. Quy luật là mỗi bên chọn ra 3 con ngựa để đấu nhau. Ngựa hạng nhất sẽ đấu với hạng nhất, hạng nhì đấu với hạng nhì, và hạng 3 đấu với hạng 3. Đấu 3 trận mà thắng 2 thì được xem là thắng chung cuộc. Cứ theo quy tắc như vậy, ngựa của Điền Kỵ lúc nào cũng thua ngựa của Uy Vương. Tuy ngựa của Điền Kỵ thua, nhưng Tôn Tẩn để ý rằng, các con ngựa của Điền Kỵ chỉ thua ngựa đối thủ chỉ có một bước chân, nghĩa là giữa 2 con ngựa cùng hạng chênh lệch nhau rất ít. Và cũng từ quan sát, Tôn Tẩn phát hiện ra rằng, những con ngựa khác hạng nhau có sức mạnh rất khác biệt.
Từ quan sát như thế Tôn Tẩn tính rằng, nếu cho ngựa số 3 của Điền Kỵ đấu với ngựa số 1 của Uy Vương thì chắc chắn ngựa Điền Kỵ thua. Nếu cho ngựa số 1 của Điền Kỵ đấu với ngựa số 2 của Uy Vương thì chắc chắn ngựa Điền Kỵ thắng. Và còn lại, ngựa số 2 của Điền Kỵ đấu với ngựa số 3 của Uy Vương thì chắc chắn ngựa Điền Kỵ thắng. Như vậy cứ theo sắp xếp này thì khi thi đấu 3 lượt, Điền Kỵ sẽ mắm chắc thắng 2 lượt. Thế là Tôn Tẩn bảo Điền Kỵ cứ y hệt như thế mà làm. Và kết quả là, Điền Kỵ thắng 2 thua 1 và tất nhiên kết quả chung cuộc Điền Kỵ thắng.
Qua câu chuyện kinh điển trên ta thấy, Tôn Tẩn đã nhìn thấu cả yếu điểm và ưu điểm của phe mình và phe địch. Và chính ông ta đã dùng điểm mạnh của mình đánh vào điểm yếu đối thủ. Từ chỗ đấu nhau lúc nào cũng thua cả 3 lượt thì sau khi được sắp xếp khôn khéo, ông ta đã cho Điền Kỵ có 2 thắng 1 thua và có được cái thắng chung cuộc. Vậy thì, nếu nhìn rộng ra ở bình diện quốc gia, liệu rằng những kẻ đang cai trị đất nước Việt Nam có tố chất như vậy để bảo vệ đất nước trước Tàu Cộng hay không? Và xin trả lời không một chút do dự là “Không!”.
Thật ra bài toán đối đầu với sự hung hăng của Trung Quốc thì Hàn Quốc đã áp dụng. Yếu điểm duy nhất của Trung Quốc là ngán Mỹ. Xin nói rõ là Trung Quốc không ngán luật pháp quốc tế, không ngán bị chỉ trích của thế giới mà chỉ ngán Mỹ. Điểm yếu này đã được Hàn Quốc nhìn ra và họ đã dựa và Mỹ để tránh sự bắt nạt của Trung Quốc. Nếu đầu óc của những người đứng đầu ĐCS có chút sáng suốt thì họ đã không ôm chân kẻ thù truyền kiếp.
Phía ĐCS, rõ ràng ta thấy họ vô minh, từ vô minh sinh ra hèn yếu. Còn ở phía kẻ thù thì sao? Ở phía kẻ thù thì ngược lại, họ rất sáng suốt. Thực ra, không cần kẻ đa mưu túc kế như Trung Nam Hải mới nhìn ra yếu điểm của ĐCS, mà chính người dân Việt Nam thấp cổ bé họng cũng nhìn ra yếu điểm ấy. Cái yếu điểm lớn nhất của ĐCS Việt Nam là hèn và xem nhẹ dân tộc mình. Chính vì nhìn thấy rõ như vậy mà Trung Nam Hải đã có sách lược xâm lược Việt Nam mà không tốn viên đạn. Ngày xưa cha ông ta mất nước bằng các cuộc chiến ác liệt thì ngày nay, rất có thể Việt Nam sẽ mất nước vì một thứ “tình bạn” mèo – chuột viễn vông mà những người đứng đầu ĐCS Việt Nam đang theo đuổi./.