Năm 2014, chính quyền Bắc Kinh bắt đầu đưa ra quy tắc “Đảng cử dân bầu” cho Hồng Kông tựa mô hình Bắc Kinh đã áp dụng ở Đại Lục từ năm 1949. Theo đó người dân Hồng Kông chỉ được quyền bầu đặc khu trưởng theo danh sách ứng cử viên được ủy ban bầu cử chấp thuận. Mà ủy ban bầu cử này gồm 1.200 đều là những người thân Bắc Kinh. Nói thẳng ra là Trung Quốc muốn biến hành pháp của Hồng Kông thành một nhánh hành pháp của chính quyền Bắc Kinh thực thụ.
Như ta biết năm 1984, Trung Quốc đã thỏa thuận với Anh Quốc rằng Hồng Kông sẽ được trả về cho Trung Quốc vào năm 1997 theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”, nghĩa là Hồng Kông sẽ được hưởng “quyền tự chủ cao độ, ngoại trừ các vấn đề đối ngoại và quốc phòng” trong 50 năm. Thế nhưng đến năm 2014, nghĩa là chỉ mới sau 17 năm thì Trung Quốc đã gạt dân Hồng Kông ra khỏi vai trò quyết định người đứng đầu hành pháp. Thật sự Hồng Kông đã rơi vào họa độc tài sớm hơn kỳ hạn 50 năm rất nhiều. Chính điều này đã làm bùng phát Phong Trào Dù Vàng kéo dài đến hơn 3 tháng vào năm 2014.
Như vậy câu hỏi đặt ra là, phía nào sẽ phải nhân nhượng? Về phía chính quyền Bắc Kinh, thì ngày 21 tháng 9 năm 2014 quốc hội nước này khẳng định người dân Hồng Kông chỉ được quyền bầu. Còn phía người dân Hồng Kông thì sao? Được biết, vào tháng 12/2014, những người biểu tình đã hô vang “Chúng tôi sẽ trở lại!” trước mặt cảnh sát ở trung tâm Hồng Kông. Vậy rõ ràng là cả chính quyền Bắc Kinh và dân Hồng Kông đều không chịu nhượng bộ. Điều này hứa hẹn Hồng Kông sẽ trở thành chảo lửa cháy mãi chứ không đễ bị dập tắt.
Theo bài “4 điều cần biết về cuộc biểu tình ở Hong Kong” được đăng trên BBC Việt Ngữ ngày 15/06/2019 cho biết, kết quả khảo sát của Đại Học Hồng Kông cho thấy, chỉ có 15% người dân Hồng Kông nhìn nhận mình là người Trung Quốc còn lại đến 85% nói rằng họ là người Hồng Kông. Trong khi đó cũng theo khảo sát trường này cho biết, chỉ có 3% trong giới trẻ từ 18 đến 29 là thừa nhận mình là người Trung Quốc còn lại đến 97% chỉ nhận mình là người Hồng Kông. Như vậy sự văn minh và sự giàu có đã tách dân Hồng Kông rời xa đại lục về ý thức hệ. Mà nói đến ý thức hệ là không thể bị dập tắt một sớm một chiều được. Với 28 năm còn lại trong 50 năm dân Hồng Kông được hưởng quy chế dân chủ theo mô hình Anh Quốc, thì có thể nói ĐCS Trung Quốc không thể làm dân Hồng Kông đổi ý được.
Rõ ràng trong khảo sát của Đại Học Hồng Kông đã chứng minh rằng, lớp hậu sinh của dân Hồng Kông có ý thức muốn tách rời Hồng Kông khỏi đại lục mãnh liệt hơn. Điều này chắc chắn sẽ làm cho chính quyền Bắc Kinh gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề Hồng Kông trong tương lai.
Với dân Trung Hoa đại lục, ĐCS Trung Quốc đã dùng sự giết chóc để triệt biểu tình ở Thiên An Môn, đồng thời nhờ sự tàn ác đó mà chính quyền này cũng làm dân của họ sợ hãi mà không dám biểu tình nữa. Và cho đến nay họ đã thành công. Người dân Hồng Kông hoàn toàn khác người dân đại lục, ấy vậy mà để đối phó biểu tình ở Hồng Kông, ĐCS Trung Quốc vẫn dùng cách giết người để khủng bố tinh thần. Để đối phó với tình hình biểu tình lan rộng và dai dẳng, ĐCS Trung Quốc vẫn chỉ biết giết, có điều là lần này họ giết tỉa chứ không giết hàng loạt. Đã 30 năm mà chính quyền Trung Quốc vẫn dùng lại cách cũ cho 2 đối tượng khác nhau rất xa về ý thức hệ, thì điều đó cho thấy ĐCS Trung Quốc đang bế tắc trong giải pháp. Như ta thấy, năm 2014 dân Hồng Kông biểu tình 3 tháng thì đến năm 2019 họ biểu tình đến 6 tháng mà chưa dứt. Đây là câu trả lời rõ ràng của dân Hồng Kông, rằng họ không nhân nhượng.
Chính quyền Trung Quốc bế tắc trong giải pháp nhưng vẫn quyết không khoan nhượng, điều này cho thấy một viễn cảnh thật u ám cho nhân dân Hồng Kông. Cho đến giờ, không có dấu hiệu nào cho thấy dân Hồng Kông chịu khuất phục. Hiện nay, mặc dù dân đại lục đang thờ ơ như dân Việt Nam, nhưng nếu cái ác của chính quyền Bắc Kinh cứ diễn ra ngày một kinh tởm, dân đại lục chứng kiến dân Hồng Kông chịu đựng đau thương ngày một khủng khiếp, thì cũng rất có thể, lửa từ Hồng Kông cũng sẽ bén sang đại lục.
Năm 1997, khi Anh Quốc trao trả Hồng Kông về Trung Cộng có nghĩa là người Anh đã trả cho Bắc Kinh cục vàng to tướng. Cục vàng này đáng lý ra nó phải được đánh bóng và gia công thành những món hàng giá trị hơn thì ngược lại, ĐCS Trung Quốc lại đem cho vào mồm nuốt. Và kết quả là chính cục kim loại quý này đang làm ĐCS Trung Quốc mắc nghẹn, giờ nuốt không trôi mà lấy ra cũng không được. Khi sự bế tắc xuất hiện thì điều đó cũng có nghĩa là thời xuống dốc của anh đã bắt đầu. Hôm nay anh bế tắc việc A, ngày mai anh bế tắc việc B, và ngày mốt anh lại bế tắc việc C vv… thì cái đích cuối cùng anh sẽ đi về đâu? Tàn! Chắc chắn là vậy.
Khi kết thúc chu kỳ thành công thì bộ máy chính quyền sẽ đổi chủ để khắc phục sự khó khăn của chính quyền cũ và khởi động một chu kỳ thành công mới. Đó là quy luật thay đổi để tiến bộ trong thể chế dân chủ. Còn trong thể chế độc tài thì sao? Khi độc tài kết thúc chu kỳ thành công sẽ đến cái đích tàn lụi, chính vì thế mà không có triều đại độc tài nào vững bền dù lúc hưng thịnh nó rất mạnh. Lịch sử đã chứng minh rồi, Trung Quốc chỉ có tiến vào thời kỳ khó khăn và tàn phá trước khi sụp đổ mà thôi. Đó quy luật tất yếu./.