Ông Trần Long Ẩn là người đồng hương với tôi. Ông bị chửi làm tôi cũng thấy nhột.
Nhưng tôi tin nhiều người còn nhột hơn. Không chỉ nhột mà còn thù địch với dân mạng.
Bởi điều ông Ẩn nói chỉ là ăn theo nói leo kẻ khác. Ông nói như một cái máy chứ chưa chắc đã ý thức mình đang nói gì.
Nói toàn bộ văn hóa nghệ thuật miền Nam thời Việt Nam Cộng hòa là độc hại ắt không phải do ông nghĩ ra. Ai đã chủ trương chống nọc độc văn hóa miền Nam và ra lệnh đốt sạch ngay từ những ngày đầu tiên sau 1975? Mãi cho đến gần đây, người ta còn tiếp tục cấm một bài hát chẳng hại ai như Con đường xưa em đi thì Trần Long Ẩn cũng chỉ là tiếng nói của một thời còn sót lại.
Điều ngạc nhiên là sau một nửa thế kỷ vật đổi sao dời, có những người quyết không chịu thay đổi. Có chửi thối mồ thì những người này vẫn tự hào không bị “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Thôi thì họ có cái quyền đó, cần tôn trọng. Bởi lúc này có một trăm ngàn ông phát ngôn như ông Ẩn thì cũng không xóa được cái “nọc độc” đã phát tán mạnh mẽ sau không dưới một lần người ta đòi tiêu diệt tận gốc.
Biết đâu người ta mượn ông Ẩn để biện hộ cho sự xuống cấp đạo đức, suy đồi văn hóa hiện nay là do “nọc độc” văn hóa Mỹ ngụy để lại? Nếu đúng như vậy thì chưa chắc ai ngu hơn ai.
Tôi chỉ luận về sự tự hào không bị “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của những người như ông Ẩn.
Phân tâm học gọi hiện tượng này là triệu chứng Narcisism. Narcissus là nhân vật huyền thoại Hy Lạp, tự yêu mình đến mức không thể yêu ai và chết trong cô đơn. S. Freud gọi đó là chứng thủ dâm, do bệnh nhân không có khả năng dịch chuyển tính dục sang đối tác. Trong công trình Giải huyền thoại vừa bảo vệ trước hội đồng, tôi cho rằng triệu chứng này nằm trong triệu chứng phổ quát hơn: triệu chứng độc tài. Không nghi ngờ rằng, độc tài là một triệu chứng tâm lý. Kẻ độc tài giống Narcissus ở chỗ, anh ta chỉ biết yêu mình mà không thể san sẻ cho ai. Bởi trong đầu anh ta chỉ có một thứ ảo ảnh đến hoang tưởng rằng mình thuộc đỉnh cao trí tuệ, cao cả hơn người. Thêm vào đó anh ta nhìn đâu cũng thấy thù địch, ám thị bị lật đổ. Thứ phức cảm này thể hiện sâu sắc ở Zeus, chúa tể Olympus. Zeus lật đổ cha mình là Cronus, do ám thị bị con mình lật đổ nên đã độc chiếm ngọn lửa tính dục, quyết không chịu san sẻ cho ai. Zeus thù địch Prometheus đến mức đối xử tàn bạo với Prometheus khi vị thần này đánh cắp ngọn lửa từ tay Zeus để san sẻ cho mọi người. Kẻ độc tài nhìn đâu cũng thấy thù địch là một triệu chứng di truyền. Trước đó, cha của Zeus là Cronus đã từng lật đổ ông nội Zeus là Uranus, và để tránh hậu họa bị lật đổ, Cronus đã lần lượt nuốt sống những đứa con của mình! Cái định mệnh thật nghiệt ngã là càng ám thị bị lật đổ thì lại càng dễ bị lật đổ. Zeus thoát khỏi cái bụng tham lam của cha mình và điều gì sẽ xảy ra đã phải xảy ra.
Không chừng trong bối cảnh hiện nay, tấn tuồng của huyền thoại lại hiện hữu ở những kẻ độc tài nên người ta phải dự phòng như cha con nhà Zeus đã dự phòng? Rằng cái bóng ma Việt Nam cộng hòa hay thứ văn hóa nghệ thuật con đẻ của Việt Nam cộng hòa đang rình rập đâu đó rất nguy hiểm?
Luận chuyện xưa có lẽ làm cho nhiều người khó hiểu. Tôi kể chuyện quan hệ đời thường vậy. Làng tôi sau 1975 có một ông tập kết về làm công tác tuyên giáo rất hăng. Ông ta yêu văn hóa XHCN đến mức nhìn cái gì khác mình đều là thù địch. Sau khi truy tìm đốt sạch văn hóa phẩm Mỹ ngụy để lại, ông ta đến từng nhà bắt gia đình người ta ném cả tượng Phật, tượng Chúa, di ảnh tổ tiên xuống ao. Chỉ được phép thờ mỗi Bác Hồ. Ai không thực hiện đều hoặc bị bắt đi cải tạo hoặc bị đày xuống trụ sở xã, ngày lao động công ích, tối ngủ trong thùng container.
Hậu quả là ông cán bộ tuyên giáo này không sống chung được với ai. Vợ con bỏ nhà ra đi. Cho đến những ngày bình thường sau này, hàng xóm cũng chẳng ai dám quan hệ gần gũi với ông. Người ta không thù địch ông nhưng lại ớn ông thù địch. Ông sống lặng lẽ một mình cho đến một ngày kia người ta phát hiện đàn chó đang tranh nhau cục xương người trước nhà ông. Thì ra ông ta chết khi nào chằng ai hay. Nếu không nhờ mấy con chó thì có lẽ thi hài ông sẽ phân hủy cho đến khi chỉ còn bộ xương trắng trong cái ngôi nhà cô đơn ấy.
Dân quê tôi giàu lòng nhân ái, họ đã chôn cất ông tử tế như chôn cất một người hùng vào sâu trong nấm mồ của quá khứ. Nhưng trước khi đắp chiếc khăn giấy lên gương mặt ông, nhiều người vẫn ái ngại, rằng ông vẫn nhìn mọi người bằng con mắt thù địch./.